Quản lý giá thuốc: Không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

11-06-2014 21:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ Y tế bày tỏ mong muốn không quản lý giá thuốc vì như vậy sẽ tránh được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, và quan trọng là đảm bảo thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý phục vụ mọi người dân.

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm nay 11/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ mong muốn Bộ Y tế không quản lý giá thuốc vì như vậy sẽ tránh được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, và quan trọng là đảm bảo thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý phục vụ mọi người dân, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa.

Bộ Y tế chỉ nên làm công tác chuyên môn

Lý giải rõ hơn về việc quản lý giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn bày tỏ: “Thực ra ba Bộ của chúng tôi là Bộ Tài chính, Công thương và Y tế cùng phối hợp chặt chẽ trong tổ liên ngành cũng như các hội đồng chuyên môn trong quản lý giá thuốc. Trong Luật Dược sắp tới này, Bộ Y tế cũng mong muốn Bộ Y tế không nên quản lý giá. Bởi vì vừa quyết định nhập khẩu, vừa xây dựng các tiêu chuẩn, vừa sản xuất, vừa phân phối, vừa ghi toa, vừa bán thuốc mà thuốc người bệnh không thể mặc cả được đối với ngoài thị trường. Như vậy chẳng khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Như kết luận vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội có nói là Bộ Y tế chỉ làm công tác chuyên môn”.

Do đó, Bộ trưởng mong muốn Luật Dược sửa đổi sẽ có một đột phá phát triển công nghiệp dược trở thành mũi nhọn và tiến tới Việt Nam sản xuất, sử dụng được nhiều thuốc trong nước, hướng tới xuất khẩu một số loại thuốc. Hiện nay cũng có một số thuốc đã được xuất khẩu, thuốc Việt Nam nói chung là chất lượng tốt và giá cả vừa phải.

“Chúng tôi mong muốn làm sao có thuốc ở Việt Nam chất lượng mà giá cả vừa phải để phục vụ mọi người dân, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, với quỹ bảo hiểm y tế”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

WHO: Giá thuốc ở VN tăng ở mức trung bình-thấp

Trả lời trước Quốc hội về thực trạng giá thuốc Việt Nam so với các nước như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, CPI giá thuốc Việt Nam luôn đúng thứ 9 trong thống kê của Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2013; mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 3,45% thấp hơn mức tăng CPI 6,04% và đứng thứ 9 trên 11 nhóm hàng và 4 tháng đầu năm 2014 là 0,74% so với chỉ giá tiêu dùng là 0,88%. Như vậy, mặc dù là mặt hàng rất nhạy cảm và thiết yếu nhưng cũng luôn đứng thứ 8 hoặc thứ 9 trong xếp hạng CPI.

WHO nhận định: Giá thuốc ở VN tăng ở mức trung bình - thấp. Ảnh minh họa.

WHO nhận định: Giá thuốc ở VN tăng ở mức trung bình - thấp. Ảnh minh họa.

Đối với các nước xung quanh, Bộ Y tế cũng đã tổ chức một đoàn công tác liên ngành gồm Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các chuyên gia đi khảo sát 36 mặt hàng phổ biến trong các bệnh viện ở 2 nước Trung Quốc và Thái Lan thì giá thuốc của Việt Nam thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 đến 2 lần, thấp hơn của Thái Lan là 2 đến 3 lần.

Tổ chức Y tế thế giới kết hợp với Viện Chiến lược chính sách cũng điều tra đánh giá khoảng 3.000 mặt hàng thuốc để xem sự tăng giá trong thời gian vừa qua thì nguyên liệu đầu vào tất cả đều tăng vậy giá thuốc của Việt Nam tăng như thế nào với tốc độ tăng của giá thuốc trên thế giới. Họ đã đánh giá rằng, đối với thuốc nội tốc độ tăng thấp, nhưng đối với thuốc nhập khẩu thì tốc độ tăng mức trung bình. Qua đó thấy rằng giá thuốc của Việt Nam không phải là giá cao nhất, đặc biệt hiện nay Bộ Y tế sẽ tăng cường hơn nữa đề án ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và có một hội đồng. Trong tháng tới sẽ ra kết quả đầu tiên bình chọn những sản phẩm thuốc Việt Nam được tín nhiệm nhất một hội đồng độc lập để thuốc Việt sẽ tiến tới chiếm một tỷ lệ cao hơn.

Công khai, minh bạch trong đấu thầu thuốc

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, quản lý giá thuốc hiện nay vẫn theo Luật Dược cũ năm 2005, gần đây là theo Luật Giá và trong Luật Đấu thầu vừa qua có thêm một chương đấu thầu về thuốc. Hiện nay, Bộ Y tế trong 2 năm qua quản lý bằng thông tư đấu giá quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc bằng Thông tư 01 và sau này đổi thành Thông tư 36, 37. Những điểm mới của thông tư này đã phân chia các nhóm thuốc thành những nhóm đạt GMP của Tổ chức Y tế thế giới hoặc của EU theo các nhóm nước G7 là những nước đã phát triển, cũng như các nước trong nhóm phát triển, tách ra với nhóm nước cũng đạt GMP nhưng không phải phát triển, nhóm thuốc của Việt Nam và các nhóm khác, tách các nhóm thuốc đông y, thuốc y học cổ truyền, thuốc dược liệu và tách cả nguyên liệu đầu vào để có chất lượng. Như vậy rõ ràng đấu thầu công khai, minh bạch, khách quan hơn khi để các loại thuốc với nhau.

Ngoài ra, chúng ta có hai loại thuốc lớn, một là thuốc quản lý chi trả theo ngân sách nhà nước cũng như bảo hiểm y tế thì tuân theo Luật Đấu thầu hiện nay và đấu thầu theo phương thức như vậy. Đối với các tỉnh thường đấu thầu tập trung tại Sở Y tế, còn đối với đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thì Bộ Y tế phân quyền cho các bệnh viện. Có một loại thuốc nữa trên thị trường không thuộc ngân sách nhà nước chi trả thì quản lý bằng tổ liên ngành của 3 bộ phối hợp và các tổ chức khác, các doanh nghiệp phải kê khai giá theo một khung giá nhất định.

Quản chặt giá thuốc bảo hiểm và thuốc thị trường

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ở các nước chỉ quản lý đối với thuốc do ngân sách chi trả như bảo hiểm y tế, còn thuốc ngoài thị trường thì để quy luật thị trường chi phối. Nhưng ở nước ta, kể cả thuốc ngoài thị trường vẫn quản lý theo phương thức kê giá. Như vậy, Việt Nam số lượng thuốc và hoạt chất quản lý như thế nào? Hiện nay thuốc bảo hiểm y tế khoảng 900 hoạt chất và khoảng hơn 10.000 loại thuốc, ở ngoài thị trường khoảng 1.500 hoạt chất và 22.000 loại thuốc. Nhưng ở các nước đối với thuốc bảo hiểm họ chỉ quản lý 500-700 hoạt chất và đối với thuốc ngoài thị trường họ để cho quy luật thị trường tự điều khiển. Như vậy quản lý của chúng ta cũng khá chặt cả thuốc bảo hiểm lẫn cả thuốc ngoài thị trường.

Mặt khác, thuốc nước ngoài chúng ta cũng được hội nhập với WTO là những doanh nghiệp nước ngoài không được tham gia phân phối trong thị trường thuốc của Việt Nam. Cách đây 2 năm, Bộ Y tế đã xây dựng đề án người Việt Nam ưu tiên dùng Việt Nam theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về ưu tiên người Việt dùng hàng Việt. Chúng tôi xây dựng một đề án là những ngôi sao Việt để bình chọn những thuốc Việt đạt chất lượng cao, giá thành vừa phải. Như vậy, trong thời gian qua thông tư đó cũng là khuyến khích dùng thuốc Việt.

Với cách quản lý như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá là khá chặt so với các nước trong khu vực, vì chúng ta vẫn quản cả thuốc ngoài thị trường. Đương nhiên giữa các hiệu thuốc với nhau có cạnh tranh, không thể giống nhau. Chúng ta cho dao động xung quanh một biên độ giá, phải kê khai và có tổ quản lý liên ngành thị trường quản lý. Thuốc bảo hiểm đương nhiên quản lý chặt hơn, bảo hiểm chi trả và thẩm định.

 

Chi BHYT cho thuốc đã giảm 20-30%

Chi phí thuốc do bảo hiểm y tế giảm 20-35% và thuốc Việt được sử dụng trong nước tăng lên gần gấp đôi. Qua báo cáo nhanh của một số Sở Y tế giá trúng thầu theo quy định mới thì kết quả đấu thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi giảm 24%, tiết kiệm khoảng 28 tỷ, Sở Y tế Quảng Ninh giảm 20%, tiết kiệm khoảng 20 tỷ, Sở Y tế Hà Tĩnh 25% tiết kiệm khoảng 32 tỷ, Sở Y tế Hậu Giang tiết kiệm khoảng 57 tỷ. Đây là kết quả của bảo hiểm xã hội và của 26 bệnh viện trực thuộc bộ, tổng cộng đều giảm từ 20-35%, số tiền tiết kiệm tương ứng là 379 tỷ. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nói rằng lần đầu tiên từ lúc thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế thì tỷ lệ tiền thuốc chi trong tổng số chi bảo hiểm y tế đã giảm từ 20-35%.

Trước đó Việt Nam là một trong nước tỷ lệ tổng chi phí của bảo hiểm y tế cho thuốc là khá cao, hiện nay đã giảm 20%. Đây là số báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tỷ lệ thuốc nội đã tăng lên gấp đôi, trong đề án người Việt Nam dùng Việt Nam, trong năm qua đã đạt tỷ lệ này. Bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện tuyến huyện phải tăng 2% đến 4%/ năm, trong thời gian số liệu đã thực hiện được như vậy.

 

Phạm Hiệp

 

 


Ý kiến của bạn