Thế nhưng cứ định kỳ 4-5 năm dịch vẫn quay lại bởi vẫn còn một tỉ lệ nhỏ các trường hợp bị sót trong tiêm chủng (khoảng 10%) tích lũy hàng năm. Các nhà quản lý đau đầu, các nhà chuyên môn tìm cách lý giải, còn chúng tôi có câu trả lời: quản lý đối tượng tiêm chủng.
Chuyện không mới
Có những bản làng của người dân tộc mà khi được phát hiện họ đã dọn về đấy 4-5 năm rồi. Cuộc sống du canh du cư không cho phép họ tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng và cứ thế họ trở thành đối tượng nhạy cảm với dịch bệnh và cũng là nơi ổ dịch tiếp tục duy trì nguồn bệnh chỉ chờ cơ hội để tiếp tục lây nhiễm. Và gần đây, ngay tại một thành phố của khu vực phía Bắc bùng phát dịch sởi. Kết quả điều tra cho thấy nhiều người dân hoàn toàn xa lạ với tiêm chủng. Có những nhà 3 đứa trẻ đều mắc sởi, cả 3 đều chưa được tiêm chủng. Kết quả tiêm chủng báo cáo vẫn đạt 97%, vậy 3% có khu vực bị lãng quên này.
Giám sát hỗ trợ phần mềm tại xã Nà Sác, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.
Truy tìm nguyên nhân
Cuối cùng thì bài toán về đối tượng tiêm chủng đã được đặt ra thành vấn đề cốt lõi để giải quyết nhằm tìm ra tỷ lệ thật của tiêm chủng giúp giải quyết tận gốc chất lượng dịch vụ tiêm chủng. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Y tế, một phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng đã được đưa vào hệ thống tiêm chủng. Dù còn chưa hoàn thiện nhưng những bất cập ghi nhận được trong quá trình triển khai đã phần nào lý giải được những gì hệ thống gặp phải từ trước đến giờ.
Triển khai từ tháng 6/2017, đến đầu năm 2018, kết quả vênh về số đối tượng khiến các nhà quản lý đau đầu. Số lượng trẻ được lưu trong phần mềm nhiều hơn số trẻ do các chương trình như dân số báo cáo, cao hơn cả số lượng quản lý trên sổ của hệ thống TCMR hiện tại. Lý do của việc chênh lên này rất đơn giản, các cơ sở tiêm chủng cứ có trẻ đến nếu không tìm thấy có sẵn trên hệ thống là nhập mới vào phần mềm. Ở những nơi người dùng có kỹ năng cao về tìm kiếm thì sự trùng lặp này ít, những nơi kỹ năng chưa tốt thì số trường hợp trùng lặp ngày càng nhiều, đặc biệt tại những nơi di biến động cao về dân cư.
... Đến những giải pháp
Trước vấn đề về trùng lặp như vậy, ngay lập tức công tác xóa trùng lặp được tiến hành. Song song với đó là tập huấn và tập huấn bổ sung cho các cơ sở y tế có triển khai tiêm chủng. Việc cấp quyền xóa cho các đơn vị nhưng không kèm theo đó hướng dẫn chi tiết dẫn tới tác dụng ngược với những yêu cầu của cơ quan quản lý. Bệnh viện có sinh là nơi tạo mới đối tượng do đây là nơi đầu tiên phát hiện trẻ (lúc sinh ra) nhưng thông tin nhập vào lại không thể giúp cho tuyến xã (nơi theo dõi đối tượng suốt sau này) tìm được. Thực tế là việc nhập thông tin của trẻ, của bố mẹ trẻ tại các cơ sở có sinh phần lớn dựa trên hồ sơ gia đình khai tại viện mà chủ yếu là thông tin từ thẻ bảo hiểm. Có những bà mẹ khi lấy chồng đã chuyển khỏi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú rất lâu mà không thay đổi thông tin trên thẻ bảo hiểm y tế. Cán bộ tại cơ sở có sinh cũng không khai thác được số điện thoại liên hệ với gia đình hoặc nhập sai số này nên cuối cùng tuyến xã không cách nào tìm lại đối tượng. Một cán bộ làm tiêm chủng tá hỏa khi thấy sổ tiêm chủng điện tử của con mình bị mất, sau khi gọi đến trung tâm kỹ thuật thì được biết hồ sơ đã bị xã xóa mất, rất may sau đó khôi phục lại được. Kết quả của công tác xóa trùng là có những bệnh viện 50% số trẻ sinh tại bệnh viện đã bị xã xóa đi do không tìm thấy. Kèm theo đó là thông tin về mũi tiêm viêm gan B không được xác định khiến tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan trong vòng 24 giờ đầu đã tụt giảm đáng kể nếu chỉ căn cứ vào phần mềm. Một tác hại khác là cơ sở y tế có sinh không thể dựa vào phần mềm để làm báo cáo khi số trẻ do họ tạo ra đã bị xóa trên hệ thống. Việc này cũng làm giảm đi sự nhiệt tình của cán bộ hệ điều trị, họ luôn coi việc phải làm này là làm giúp cho y tế dự phòng chứ không phải là một phần công việc của bệnh viện.
Giám sát hỗ trợ cần phải đặt lên hàng đầu
Từ những vướng mắc gặp phải khi triển khai hệ thống, một bài học rút ra được là công tác tập huấn và giám sát hỗ trợ phải đặt lên hàng đầu. Theo đó việc tăng cường ý thức cho cán bộ y tế trong việc nhận thấy tầm quan trọng của việc thu thập số liệu chính xác của đối tượng giúp hệ thống quản lý tốt hơn cũng như tăng cường khả năng bao phủ của vắc-xin giúp phòng chống bệnh tật. Một điểm nữa cũng rất cần được nhắc đến là việc cung cấp mã định danh cho đối tượng. Mỗi trẻ đều có một mã định danh do phần mềm tạo ra, nếu gia đình trẻ được cấp mã số này (in và dán vào giấy tiêm chủng hoặc sổ tiêm chủng) và đều nhớ mang đến cơ sở y tế để tiêm thì sẽ tránh được tình trạng mất theo dõi và xóa nhầm đối tượng trên hệ thống. Tuy nhiên để gia đình trẻ nhớ và ý thức được điều đó, công tác tư vấn tại bệnh viện và tại các cơ sở chăm sóc thai sản là vô cùng quan trọng; một lần nữa cho thấy vai trò của tập huấn và giám sát hỗ trợ thường xuyên. Mà điều kiện tiên quyết cho những công tác đó là phải có sự chỉ đạo, hỗ trợ thực tế (bằng kinh phí, thời gian) từ các cấp chính quyền.
Những điều trăn trở
Kết thúc chuyến giám sát hỗ trợ triển khai phần mềm, điều còn đọng lại ở nhóm giám sát là quản lý đối tượng tiêm chủng không phải là công tác mới, có vẻ như nó đang bị xem nhẹ và được coi là việc bình thường. Cán bộ y tế cơ sở có vẻ như không làm gì ngoài việc tiêm chủng trong khi thực tế họ làm đủ hết những gì mà các dự án, chương trình quốc gia đặt ra không kể khám chữa bệnh. Đó chính là lý do cán bộ tiêm chủng thiếu đi động lực cần thiết để chuyên tâm vào công việc. Việc nhiều tỉnh không bố trí nổi kinh phí cho giám sát thường xuyên chứ chưa nói giám sát chuyên đề dù chỉ là hỗ trợ xăng xe cho cán bộ đi giám sát thể hiện sự thiếu quan tâm này từ các cấp chính quyền. Nói một cách khác, khi có dịch, việc chống dịch không phải chỉ của riêng ngành y tế, khi chưa có dịch, công tác dự phòng cũng phải là của tất cả các ngành các cấp chứ không chỉ của riêng YTDP. Tiêm chủng chỉ là một mắt xích của dự phòng, hãy để tiêm chủng làm tốt nhiệm vụ bằng cách hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động vô cùng ý nghĩa này.