Hà Nội

Quản lý cơ sở y dược ngoài công lập ở Hà Nội: Không né tránh trách nhiệm quản lý trên địa bàn

20-01-2017 14:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện có 2.931 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) ngoài công lập; trong đó, có 145 phòng khám đa khoa, 2.221 phòng chuyên khoa...

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện có 2.931 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) ngoài công lập; trong đó, có 145 phòng khám đa khoa, 2.221 phòng chuyên khoa, 565 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 6.322 cơ sở hành nghề dược,... mỗi năm thu hút khoảng một triệu lượt người bệnh tới KCB, góp một phần giảm tải cho hệ thống y tế công lập. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, bên cạnh những cơ sở chăm sóc sức khỏe có chất lượng, với các dịch vụ KCB hợp lý thì vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động chui, hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép, quảng cáo quá phạm vi, điều trị theo kiểu “nuôi” bệnh, bệnh nhẹ thành bệnh nặng, bán thuốc không rõ nguồn gốc với giá cao, cố tình “móc túi” người bệnh. Làm thế nào để phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng KCB tại cơ sở y tế ngoài công lập? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã phỏng vấn bà Trần Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.Bà Trần Nhị Hà.

Bà Trần Nhị Hà.

PV:Thưa bà, sự ra đời của các phòng khám ngoài công lập ở Hà Nội đã giúp người dân có thêm lựa chọn hình thức KCB nhưng bên cạnh đó tiềm ẩn nhiều thách thức đối với công tác quản lý đòi hỏi không thể lơ là. Những sai phạm rõ nhất mà các phòng khám ngoài công lập hay gặp phải là gì?

Bà Trần Nhị Hà: Sự ra đời của các phòng khám ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội đã giúp người dân có thêm sự lựa chọn trong dịch vụ KCB, giảm gánh nặng cho cơ sở y tế công lập, đó là ưu điểm nổi bật mà chúng ta cần nhắc tới. Về các sai phạm chủ yếu của các phòng khám ngoài công lập, qua công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên chúng tôi thấy nổi lên những vấn đề: quảng cáo quá phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt; hành nghề không phép; thu tiền dịch vụ khám chữa bệnh cao hơn giá niêm yết; hành nghề khi không có mặt bác sĩ phụ trách chuyên môn.

Hiện nay, các phòng khám ngoài công lập phần lớn có quy mô nhỏ, thuê địa điểm của các hộ gia đình, xây dựng theo cấu trúc nhà ở nên chưa đảm bảo việc bố trí liên hoàn, hợp lý (tuy nhiên vẫn đảm bảo quy định để cấp phép); nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề có lúc, có nơi còn chưa nghiêm túc; tỷ lệ người dân tự mua thuốc điều trị không cần đơn của bác sĩ khá phổ biến... Điều kiện nhân lực của các cơ sở hành nghề tư nhân còn khó khăn: Người làm việc toàn thời gian đa số là các bác sĩ, dược sĩ đã nghỉ hưu, tuổi cao; lực lượng bác sĩ trẻ có trình độ số lượng ít, lại làm bán thời gian nên còn những hạn chế nhất định... Bên cạnh đó, việc kinh doanh chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở hành nghề y dược cố tình không tuân thủ các quy định của pháp luật, trong khi đó công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép chưa thường xuyên, lực lượng thanh tra mỏng, các quy định về xử lý vi phạm còn bất cập, chưa đủ tính răn đe...

Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Ảnh: Trần Minh

Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Ảnh: Trần Minh

PV: Từ thực tế quản lý địa bàn, Sở Y tế Hà Nội đã làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót không đáng có để hoạt động phòng khám ngoài công lập tuân thủ đúng quy định pháp luật?

Bà Trần Nhị Hà: Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và các cơ quan chức năng trên địa bàn. Ngoài ra, lực lượng Thanh tra y tế cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm, tập trung kiểm tra đột xuất đối với những cơ sở có yếu tố nước ngoài, các cơ sở gần cổng các bệnh viện lớn. Yêu cầu các cơ sở hành nghề phải niêm yết công khai số điện thoại Đường dây nóng của Sở Y tế để người dân liên hệ phản ánh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Bên cạnh đó, nhân lực quản lý nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân còn mỏng, nên việc kiểm tra chưa được thường xuyên. Phòng y tế các địa phương cần quan tâm và chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các cơ sở hành nghề không phép trên địa bàn. Đặc biệt, khi phát hiện vi phạm cần xử lý kiên quyết, dứt điểm. Tại các địa phương vùng xa như Ba Vì, Sóc Sơn..., cần giám sát chặt những người đang hành nghề bằng bài thuốc gia truyền nhưng chưa được cấp phép.

PV: Như bà vừa nói, vai trò của chính quyền cơ sở (phòng y tế, trạm y tế) rất quan trọng trong việc sớm phát hiện và xử lý kiên quyết các sai phạm bên cạnh đó vai trò quản lý nhà nước của Sở Y tế không thể tách rời?

Bà Trần Nhị Hà: Chúng tôi không né tránh trách nhiệm với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Thực tế, trong mỗi tháng giao ban y tế với các quận, huyện, lãnh đạo ngành y tế đã nói rất rõ, chỉ đạo bằng văn bản và gửi công văn về các quận, huyện đề nghị tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương. Sở Y tế Hà Nội luôn yêu cầu phải niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề của người hành nghề. Cụ thể, danh sách nhân sự tham gia hành nghề tại cơ sở, số điện thoại Đường dây nóng của Sở Y tế (043.998.5765) phải được ghi ở những vị trí thuận lợi, dễ quan sát để phục vụ công tác giám sát của các cơ quan chức năng và người dân khi sử dụng dịch vụ. Sở Y tế giao cho Trạm y tế có trách nhiệm giám sát việc chấp hành của các cơ sở y tế tư nhân.  Chủ thể quyết định sự tồn tại của các phòng khám ngoài công lập chính là người dân. Vì vậy, nhân dân cần thực hiện đầy đủ quyền của mình, tham gia giám sát hoạt động KCB ngoài công lập cùng với cơ quan quản lý bằng việc làm cụ thể. Người bệnh cần yêu cầu cơ sở KCB xuất trình giấy phép hoạt động, nhanh chóng phản hồi thông tin đến cơ quan có trách nhiệm khi phát hiện hành vi sai phạm của các cơ sở y tế tư nhân.

PV:Xin trân trọng cảm ơn bà!


Mai Thanh (thực hiện)
Ý kiến của bạn