Theo dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vừa được Bộ Y tế gửi lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ lấy ý kiến nhân dân, nội dung quan trọng của dự thảo là đưa ra những quy định giúp những người có nhu cầu mang thai hộ thực sự được dễ dàng tiếp cận những kỹ thuật tốt nhất, tránh tuyệt đối việc thương mại hóa vấn đề mang thai.
2 phương án trong việc cho phép các BV thực hiện mang thai hộ
Trong đề xuất mới nhất (lần 3), Bộ Y tế đưa ra 2 phương án trong việc cho phép các BV thực hiện mang thai hộ. Phương án 1, dự kiến cho phép 3 BV được thực hiện mang thai hộ là BV Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), BV Phụ sản T.Ư (Hà Nội) và BVĐK T.Ư Huế. Phương án 2, các cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ là cơ sở đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Việc mang thai hộ cần được quản lý chặt chẽ, tránh nguy cơ thương mại hóa. Ảnh: Trần Minh
Theo đại diện Ban soạn thảo, nhiều khả năng Bộ Y tế chọn phương án 1, vì hiện nay nhu cầu mang thai hộ không nhiều, việc tập trung kỹ thuật này vào một số BV đầu ngành sẽ tránh tình trạng mang thai hộ tràn lan, biến tướng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Các BV được giao trọng trách này cũng phải có trách nhiệm xem xét, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ để thực hiện đề nghị mang thai hộ. Nếu có nghi ngờ thì yêu cầu bổ sung các giấy tờ khác có liên quan hoặc phỏng vấn trực tiếp...
Điểm đáng lưu ý của dự thảo là tại điều 17 về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Bộ Y tế nhấn mạnh điều kiện của vợ chồng nhờ mang thai hộ và người được nhờ mang thai hộ thực hiện theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi). Theo đó, điều kiện để nhờ mang thai hộ là hai vợ chồng không có con chung và phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Còn người mang thai hộ phải đủ các điều kiện: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ 1 lần, ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Theo TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), quy định mang thai hộ có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. Do đó, việc quy định người mang thai hộ phải là chị em nhằm tránh việc thương mại hóa, trục lợi trong việc này.
Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý
Liên quan đến nội dung này, PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mỗi năm, ở Việt Nam ước tính khoảng 500 - 700 ca mang thai hộ, với chi phí khoảng 40 - 60 triệu đồng/ca. Do đó, việc Bộ Y tế tập trung vào một số trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn có độ tin cậy về mặt pháp lý và chuyên môn cao để triển khai thực hiện phương pháp này là hợp lý.
Về lo ngại nguy cơ thương mại hóa trong việc mang thai hộ, Bộ Y tế cho rằng, nếu mỗi người chỉ mang thai hộ 1 lần thì sẽ không có người kiếm tiền hành nghề bằng mang thai hộ. Khi đó, vấn đề thương mại hóa sẽ như muối đổ biển. Dự thảo Nghị định của Bộ Y tế về mang thai hộ được xây dựng theo hướng này.
Để kiểm soát nguy cơ thương mại hóa, Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ. Ví dụ như những người mang thai hộ sẽ được lưu thông tin trên máy tính và kết nối dữ liệu với các trung tâm khác để “thông suốt”. Theo đó, Bộ Y tế sẽ có cách kiểm soát chặt chẽ người mang thai hộ. Chẳng hạn, những người mang thai hộ sẽ được thống kê trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi người mang thai hộ đã đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký thì chắc chắn sẽ không được làm nữa vì họ đã có trong danh sách đăng ký làm trước đó.
“Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt như vậy vì về mặt chuyên môn mỗi lần phụ nữ mang thai cũng là một lần đẻ, nếu đẻ nhiều liên tục thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người đó” - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Thái Bình