Hà Nội

Quản lý chất thải y tế tái chế

17-11-2017 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chất thải y tế là gì? Có được tái chế chất thải y tế không? Cơ sở pháp lý nào cho hoạt động tái chế chất thải y tế? Những thắc mắc đó sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Tái chế chất thải là gì?

Tái chế là hoạt động thu hồi lại từ chất thải các thành phần có thể sử dụng để chế biến thành những sản phẩm mới sử dụng lại cho các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. Việc tái chế chất thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, thu hồi các loại nguyên liệu như nhựa, giấy, kim loại… tránh lãng phí tài nguyên và ngăn ngừa được ô nhiễm.

Các nước trên thế giới khuyến khích việc giảm thiểu và tái chế chất thải. Tại Việt Nam, theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2014 (điều 6), những hoạt động môi trường được khuyến khích bao gồm giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải; nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải…

Chất thải y tế là gì? Có được tái chế chất thải y tế không?

Chất thải y tế bao gồm: chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại. Trong tổng lượng chất thải y tế thì chiếm phần lớn (khoảng 80-90%) là chất thải y tế thông thường, chỉ khoảng 10-20% là chất thải y tế nguy hại (bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm) cần phải được quản lý đúng quy định để bảo đảm an toàn với con người và môi trường. Tuy nhiên, nếu chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì an toàn đối với con người và môi trường.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo tăng cường tái chế chất thải y tế nhằm mục đích tránh lãng phí, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và lợi ích về kinh tế.Các thùng chứa rác thải y tế được phân loại theo màu sắc đúng quy định.

Các thùng chứa rác thải y tế được phân loại theo màu sắc đúng quy định.

Cơ sở pháp lý cho hoạt động tái chế chất thải y tế

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (Điểm b, Khoản 5, Điều 49) của Chính phủ quy định “chất thải lây nhiễm sau khi khử khuẩn thì được xử lý như đối với chất thải thông thường bằng phương pháp phù hợp”.

Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về quản lý chất thải y tế phục vụ mục đích tái chế, cụ thể:

(1) Chỉ được phép tái chế chất thải y tế thông thường;

(2) Khi chuyển giao chất thải lây nhiễm sau khi đã xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường để trở thành chất thải thông thường phục vụ mục đích tái chế, cơ sở y tế phải lưu chứa chất thải này trong bao bì được buộc kín và có biểu tượng chất thải tái chế, đồng thời phải ghi đầy đủ thông tin vào Sổ bàn giao chất thải phục vụ mục đích tái chế theo mẫu quy định;

(3) Không được sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải y tế để sản xuất các đồ dùng, bao gói sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm. Tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT cũng đã ban hành danh mục chất thải y tế được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế. Trong đó, các chất thải là các chai nhựa đựng thuốc, hóa chất không thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất; các chai nhựa, dây truyền, bơm tiêm (không bao gồm đầu sắc nhọn) không chứa yếu tố lây nhiễm; các vỏ chai, lọ thủy tinh chứa đựng các loại thuốc, hóa chất không thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất là những chất thải được phép thu gom để phục vụ mục đích tái chế.

Theo như các quy định nêu trên, chất thải y tế thông thường hoặc chất thải y tế nguy hại nhưng đã được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, trở thành chất thải thông thường thì được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế nhưng phải quản lý theo đúng quy định và phải chuyển giao cho đơn vị phù hợp (có đăng ký kinh doanh lĩnh vực phù hợp và phải có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc bảo đảm các yêu cầu về môi trường).

Theo Luật bảo vệ môi trường, việc quản lý chất thải y tế nói chung và quản lý chất thải y tế để phục vụ mục đích tái chế nếu không đúng quy định thì người đứng đầu cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.


(Cục Quản lý môi trường y tế)
Ý kiến của bạn