Hà Nội

Quản lý chất thải nguy hại trong bệnh viện giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng

02-08-2024 20:41 | Y tế
google news

SKĐS - Xử lý chất thải y tế nói chung và chất thải y tế nguy hại nói riêng đúng theo quy định là cách để bảo đảm sức khỏe cho người bệnh, cho môi trường và hệ sinh thái.

Kế hoạch thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại

Theo số liệu của Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) vào năm 2022, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh trung bình khoảng 440,7 tấn/ngày, trong số đó chất thải rắn y tế nguy hại chiếm 71,5 tấn/ngày. Tỷ lệ chất thải rắn y tế của bệnh viện được xử lý đến nay đạt 95%. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh trung bình 130.000 m3/ngày, đêm. Tỷ lệ nước thải y tế của bệnh viện được xử lý đến nay đạt 93%.

Chất thải y tế nguy hại có thể tiềm ẩn các nguy cơ gây ăn mòn, dễ cháy nổ, chất thải có độc tính hoặc dễ lây nhiễm, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật, môi trường… Do vậy việc quản lý chất thải y tế nguy hại có vai trò cực kỳ quan trọng vì có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và gián tiếp gây ra những ảnh hưởng cho môi trường, hệ sinh thái.

Quản lý chất thải nguy hại trong bệnh viện giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng- Ảnh 1.

Chất thải y tế nguy hại được phân loại ngay từ nơi phát sinh. Ảnh: Minh Ngọc

Theo nguyên tắc quản lý chất thải y tế, với chất thải y tế nguy hại cần được thu gom, phân loại riêng biệt với chất thải y tế thông thường trước khi cho vào khu vực lưu giữ. Các phương tiện, thiết bị thu gom và vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại cũng phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, quy trình đúng theo quy định. Với chất thải y tế nguy hại tuyệt đối không được làm thất thoát ra bên ngoài, không được phép sử dụng để tái chế và tái sử dụng làm các đồ dùng, bao bì thuộc lĩnh vực thực phẩm.

Chất thải y tế nguy hại nếu xử lý không đúng cách có thể gây nguy hiểm không chỉ đến sức khỏe người bệnh, nhân viên y tế, môi trường, hệ sinh thái mà còn có thể gây ra những hệ lụy về sau.

Chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa đối với các chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp. Với chất thải nguy hại không lây nhiễm ở dạng rắn: đựng trong túi hoặc thùng hoặc thùng có lót túi và có màu đen. Còn các chất thải nguy hại không lây nhiễm dạng lỏng: chứa trong dụng cụ lưu chứa chất lỏng có nắp đậy kín, có mã, tên loại chất thải lưu chứa.

Quản lý chất thải nguy hại trong bệnh viện giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng- Ảnh 2.

Chất thải y tế nguy hại phải được thu gom, vận chuyển đúng quy định tránh thất thoát ra bên ngoài. Ảnh: Minh Ngọc

Chất thải y tế nguy hại là gì?

Chất thải y tế nguy hại được chia làm 2 nhóm:

- Chất thải lây nhiễm là chất thải có chứa hoặc nghi ngờ chứa tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm) với mật độ hoặc số lượng đủ để gây bệnh cho con người.

- Chất thải rắn y tế nguy hại là chất thải rắn y tế chứa yếu tố lây nhiễm hoặc có đặc tính nguy hại khác vượt ngưỡng chất thải nguy hại, bao gồm chất thải rắn lây nhiễm và chất thải rắn nguy hại không lây nhiễm. Chất thải rắn nguy hại không lây nhiễm bao gồm:

+ Hóa chất thải bỏ bao gồm hoặc có các thành phần nguy hại;

+ Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất;

+ Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân và các kim loại nặng;

+ Chất hàn răng amalgam thải bỏ;

+ Vỏ chai thuốc, lọ thuốc, các dụng cụ dính thuốc thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất;

+ Chất thải nguy hại khác theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.

Chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh.

Xem thêm video được quan tâm:

Cấp cứu sốc phản vệ độ 2 sau khi sử dụng thuốc nhuộm tóc | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn