Hà Nội

Quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động

01-12-2020 18:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Đánh giá nguyên nhân dẫn đến những vụ TNLĐ nghiêm trọng, theo Bộ LĐ-TB&XH, một phần do sức ép công việc sau kỳ nghỉ dài do dịch COVID-19, một phần do người sử dụng lao động, người lao động đã chủ quan, thiếu quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và rèn luyện kỹ năng làm việc an toàn.

Để kịp thời chấn chỉnh ATVSLĐ, bảo đảm quyền được làm việc an toàn của người lao động, đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tập trung nguồn lực cho công tác quản lý ATVSLĐ bao gồm cả khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, cải thiện điều kiện lao động nhằm chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động nói riêng, của người dân nói chung góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về ATVSLĐ. Công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thiết bị cần trục cần được kiểm định an toàn chặt chẽ.

Thiết bị cần trục cần được kiểm định an toàn chặt chẽ.

Tăng cường thực hiện thanh tra chuyên đề về ATVSLĐ, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như: khai thác khoáng sản, khai thác đá, xây dựng, quản lý sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn lao động; kiên quyết khởi tố các vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người do vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATVSLĐ.

Quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (đặc biệt thiết bị có tác động rộng lớn đến xã hội như thang máy, cần trục, bình chứa khí nén...).

Bố trí nguồn lực cho thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ tại địa phương theo Điều 89 Luật ATVSLĐ, Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04/10/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, nghiệp vụ chuyên môn ATVSLĐ cho đối tượng thanh tra chuyên ngành.

Thực hiện và chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật ATVSLĐ, trong đó chú trọng khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Đối với một số bộ quản lý các lĩnh vực đặc thù về ATVSLĐ, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Xây dựng tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực xây dựng. Tăng cường quản lý an toàn trong các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông...; Bộ Giao thông Vận tải tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tăng cường quản lý an toàn trong các công trình giao thông; đặc biệt là các công trình cầu, hầm giao thông; khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc về điều tra TNLĐ trong lĩnh vực đã được Chính phủ phân công điều tra...; Bộ Công Thương tập trung, tăng cường quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là vật liệu nổ công nghiệp, các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng nổ.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Thanh tra xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra tại các địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động như: khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại; thi công công trình xây dựng; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; sản xuất sản phẩm dệt, may, da giày.

Cục An toàn lao động phối hợp với các bộ, địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ, nhất là đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Tập trung, tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đặc biệt máy, thiết bị có tác động rộng lớn đến xã hội như thang máy, cần trục, bình chứa khí nén... Tham mưu xây dựng kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ.


Phạm Kiên
Ý kiến của bạn