Sẵn sàng cho những tình huống dịch bệnh COVID-19, các bệnh viện cần chuẩn bị những gì?

25-11-2023 07:33 |
google news

SKĐS - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, giảm đi mức độ dịch so với trước, các bệnh viện đã và đang chuẩn bị những gì để thích ứng với tình hình mới của dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống dịch bất ngờ có thể xảy ra.

Cơ sở để đưa COVID-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B là dịch COVID-19 hiện đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số mắc, tử vong giảm sâu. Số mắc trung bình tháng giảm 82 lần so với năm 2022, tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,11% năm 2022 và hiện còn 0,02%.

Sẵn sàng cho những tình huống dịch bệnh COVID-19, các bệnh viện cần chuẩn bị những gì?- Ảnh 1.

Các bệnh viện tuyến trên sẵn sàng sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho tuyến dưới.

Tuy nhiên COVID-19 vẫn là căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong. Nên cùng với việc ra Quyết định chuyển dịch COVID-19 sang nhóm B, ngành y tế còn xây dựng "Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025". Thậm chí xây dựng các kịch bản, kế hoạch trong trường hợp dịch COVID-19 có biến thể mới nguy hiểm, bùng phát trên diện rộng. Nếu điều này xảy ra, ngành y tế đã chuẩn bị một Phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế..

Để thực hiện kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải thực hiện một số nội dung:

-Thực hiện theo dõi diễn biến tình hình nhập viện, chuyển biến nặng, tử vong của bệnh nhân COVID-19 nhập viện để dự báo và kịp thời tham mưu công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Rà soát và cập nhật kế hoạch tiếp nhận và điều trị người bệnh COVID-19 theo diễn biến thực tế.

- Chuẩn bị đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị, ô xy cho điều trị.

- Thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế đặc biệt năng lực hồi sức cấp cứu, năng lực xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện.

- Đề xuất xây dựng các hướng dẫn chuyên môn; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến trước; củng cố và tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán; sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

- Chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện của các địa phương và các bộ ngành.

- Duy trì, củng cố các đội cấp cứu lưu động, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến trước trong việc sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh.

- Tập hợp, thu thập thông tin và báo cáo trường hợp mắc bệnh và kịp thời thông báo cho các đơn vị y tế dự phòng và phối hợp xử lý dịch bệnh.

- Thực hiện giám sát chùm ca bệnh, giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút (SVP).

- Chủ động xây dựng, cung cấp cho các cơ quan thông tin, truyền thông và giao cán bộ đầu mối cung cấp các thông tin, nội dung truyền thông theo quy định.

Sẵn sàng cho những tình huống dịch bệnh COVID-19, các bệnh viện cần chuẩn bị những gì?- Ảnh 2.

Duy trì, củng cố các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh COVID-19.

Đồng hành cùng các bệnh viện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ tham mưu Bộ Y tế trong chỉ đạo, điều hành công tác cấp cứu, thu dung, điều trị, hướng dẫn về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm người mắc COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, triển khai công tác tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, củng cố toàn diện năng lực điều trị của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh đặc biệt là năng lực hồi sức cấp cứu của các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên.

Ngoài ra, Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ chỉ đạo các Viện/Bệnh viện trực thuộc Bộ, trực thuộc tỉnh, thành phố chuẩn bị đầy đủ thuốc, thiết bị vật tư y tế cho công tác hồi sức cấp cứu, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

Việc các bệnh viện, cơ sở y tế tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, kể cả trong mọi tình huống dịch, ngành y tế đều có thể chủ động, sẵn sàng ứng phó.

COVID-19 sang nhóm B, tổ chức thực hiện phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở y tế thế nào?COVID-19 sang nhóm B, tổ chức thực hiện phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở y tế thế nào?

SKĐS - Khi bệnh COVID-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, nó vẫn là căn bệnh có khả năng lây lan, đặc biệt ở các khu vực công cộng, nơi đông người, trong các cơ sở y tế... Chính vì thế việc thực hiện phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở y tế vô cùng quan trọng.


Hải Yến
Ý kiến của bạn