Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở Lâm Đồng: Chồng chéo và buông lỏng?

19-02-2016 08:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là vấn đề nóng, đặc biệt trong các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là vấn đề nóng, đặc biệt trong các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Kết quả công bố mới đây của Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP dịp Tết và lễ hội xuân 2016 của tỉnh Lâm Đồng cho thấy, có 50% cơ sở chưa tiến hành công bố hợp quy phù hợp quy định ATTP các sản phẩm thực phẩm đang sản xuất, 46 quầy kinh doanh (KD) thực phẩm tại 2 chợ Đức Trọng và Đạ Tẻh chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý liên quan về ATTP... Đáng lo ngại là một cơ sở kinh doanh 5 tạ thịt các loại nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP...  Phải chăng, vấn đề ATVSTP tại Lâm Đồng còn đang bị buông lỏng?

Cán bộ y tế kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một quán ăn vỉa hè.           Ảnh: TM

Kinh doanh thịt không qua kiểm dịch

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP Lâm Đồng vừa tiến hành kiểm tra hộ KD Nguyễn Thị Thanh Trúc (đại lý Trúc Lý ở đường Đoàn Thị Điểm, P4, TP. Đà Lạt), chủ cơ sở chỉ xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký KD (do Phòng đăng ký KD - UBND TP. Đà Lạt cấp ngày 1/4/2008) chủ yếu KD thịt, cá và sản phẩm từ thịt. Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, không có Giấy xác nhận kiến thức ATTP, không có hồ sơ khám sức khỏe cho người lao động. Đoàn kiểm tra ghi nhận điều kiện thực tế: nhím (10 con 3 miếng thịt) 77,1kg; thịt heo 64,2kg; thịt bò 79,7kg; thịt thỏ 148,4kg. Tổng cộng là 369,4kg thịt các loại không rõ nguồn gốc, nếu tính cả lượng thịt đà điểu (có nguồn gốc từ Nha Trang) nữa thì cơ sở này KD hơn 5 tạ thịt các loại nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Đoàn đã niêm phong các sản phẩm thực phẩm, bàn giao 10 cá thể nhím nêu trên cho Hạt Kiểm lâm TP. Đà Lạt để xử lý theo quy định. Đề nghị chủ cơ sở trong vòng 2 ngày xuất trình hợp đồng trách nhiệm, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nêu trên và các giấy tờ pháp lý liên quan khác. Hai ngày sau, chủ cơ sở này đã chứng minh đầy đủ giấy tờ nguồn gốc xuất xứ của các loại thịt trên nhưng không có giấy tờ kiểm dịch. Đoàn kiểm tra quyết định cho chủ cơ sở tiêu thụ các sản phẩm có hóa đơn chứng từ và yêu cầu ngưng hoạt động cơ sở này. Sự việc này cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn bỏ sót những cơ sở KD thực phẩm...

Chấn chỉnh từ khâu nào?

Lý giải về vấn đề này, BS. Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Lâm Đồng cho biết: “Đợt kiểm tra liên ngành ATTP cấp tỉnh do tôi làm trưởng đoàn, các thành viên tham gia là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh ghi nhận tình hình quản lý nhà nước về ATTP, cụ thể là sự phân công, phân cấp quản lý của các ngành, các tuyến chưa tốt. Vì thế mới để xảy ra tình trạng cơ sở kinh doanh hơn 5 tạ thịt các loại nhưng không có đơn vị, ngành nào quản lý”. Cũng theo BS. Độ, qua thực tế kiểm tra ở Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung về phân cấp quản lý (theo Thông tư 13 năm 2014 của liên Bộ Y tế - Nông nghiệp PTNT - Công Thương thì mỗi một sản phẩm thực phẩm, mỗi một cơ sở thực phẩm phải có một cơ quan quản lý nhà nước quản lý (quản lý ở đây là phải xác nhận kiến thức ATTP, thẩm định cấp giấy đủ điều kiện ATTP, thanh tra kiểm tra), thì cơ sở đó do Sở Nông nghiệp, hay do Sở Công Thương, hay do Sở Y tế quản lý rồi phân cấp xuống từng tuyến (tỉnh - huyện - xã) thì mới có hiệu quả. Cùng với đó, các ban chỉ đạo từ tỉnh - huyện - xã chưa thực hiện hiệu quả, việc phối hợp Y tế - Nông nghiệp - Công Thương và các ban ngành hữu quan chưa tốt nên vấn đề ATTP thực tế hiện nay phải được báo động cấp cao. Trong tháng 3 tới, với vai trò đơn vị thường trực Sở Y tế sẽ tham mưu kiện toàn lại BCĐ liên ngành tỉnh, phân công trách nhiệm rõ cho các ban ngành và sự phối hợp để tăng cường công tác truyền thông giáo dục, thanh kiểm tra, quản lý để đảm bảo sản phẩm thực phẩm an toàn.


An Nhiên
Ý kiến của bạn