Rà soát lại 3 bước về quản lý ATTP từ triển khai - thanh tra, kiểm tra - xử lý vi phạm, chúng tôi thấy rằng về mặt pháp lý, chúng ta đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiểm soát ATTP với mặt hàng này…
Qua thanh kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm
Theo ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP TP. Hà Nội, trong năm 2018, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 416 cơ sở được thanh, kiểm tra trên toàn địa bàn TP. Qua đó, có 44 cơ sở dừng hoạt động, đóng cửa, 98 cơ sở vi phạm và 7 cơ sở bị dừng hoạt động. Có 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt là hơn 226 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất; nhãn sản phẩm không đúng quy định; không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn...
Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm, Phòng Công tác thanh tra của Chi cục đã tiếp nhận và giải quyết 3 vụ việc liên quan đến các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền. Qua kiểm tra tại Cơ sở sản xuất nước uống đóng bình Lê Thị Doan ở Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội cho thấy cơ sở này không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và nhân viên.
Chi cục Vệ sinh ATTP Hà Nội kiểm tra tại một cơ sở sản xuất nước uống đóng bình ở quận Long Biên, Hà Nội.
Cũng trong thời gian qua, Chi cục Vệ sinh ATTP TP. Hà Nội đã kiểm tra 5 cơ sở và tham mưu cho Sở Y tế có công văn gửi UBND quận, huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì kiểm tra 4 cơ sở. Qua đó, phát hiện 4/5 cơ sở không đạt vệ sinh cơ sở, 2/3 mẫu nước uống đóng chai và 1/2 mẫu nước đá dùng liền không đạt về vi sinh vật. Chi cục đã yêu cầu các cơ sở thu hồi và bảo quản các sản phẩm có cùng lô với mẫu đã lấy; rà soát toàn bộ quy trình sản xuất và khắc phục sự cố không đảm bảo ATTP. Xử lý vi phạm hành chính hơn 20 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay các vi phạm mới được tiếp tục sản xuất và kinh doanh sản phẩm nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.
Chi cục trưởng Chi cục ATVS TP. Hà Nội đánh giá, công tác thanh, kiểm tra có nhiều khó khăn do nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên khó bị phát hiện. Hoặc khi cơ sở thôi không hoạt động nữa không có báo về phía cơ quan quản lý hoặc cơ sở trong quá trình sản xuất thử cũng không có báo cáo. Do đó, ông Tụ đề nghị các phòng y tế địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở trên địa bàn để kịp thời phát hiện cơ sở không đảm bảo... Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, đặc biệt là từ trạm y tế và cấp quận/huyện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tích cực xác minh cũng như khuyến khích người dân, báo chí phản ánh các cơ sở không đảm bảo ATTP…
Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm sai phạm trong sản xuất, kinh doanh nước đóng chai, đóng bình
Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, khoảng 40 năm nay, nước đóng bình, nước đóng chai trở thành một thứ hàng tiêu dùng thường xuyên của người dân. Ở tất cả mọi nơi đều bày bán nước đóng chai, đóng bình.
Ông Nguyễn Văn Nhiên cho hay, báo cáo của Chi cục Vệ sinh ATTP TP. Hà Nội cũng như các địa phương, thực tế hiện nay, nước đóng bình nhìn thì dễ nhưng công tác quản lý hết sức khó khăn. Trên địa bàn Hà Nội, không phải tất cả các cơ sở sản xuất đều có quy mô vừa hoặc lớn mà nhiều cơ sở quy mô nhỏ nên khó đảm bảo về điều kiện cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, một số cơ sở chưa có ý thức chấp hành ATTP. Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho người dân, người sản xuất, chủ doanh nghiệp.
“Do vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP cho người dân, người sản xuất, chủ doanh nghiệp. Hà Nội là 1 trong 2 địa bàn được Chính phủ giao triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, tới đây sẽ là 1 trong 9 thành phố được thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện. Hy vọng rằng, qua đó, công tác đảm bảo ATTP nói chung, đảm bảo ATTP nước uống đóng chai, đóng bình sẽ trên địa bàn Hà Nội sẽ được tăng cường hơn nữa”, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế bày tỏ.