Hà Nội

Quan họ cổ La rằng tìm người hiện đại

16-02-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thú chơi quan họ vùng Kinh Bắc gồm Bắc Ninh và Bắc Giang đã được Ủy ban liên Chính phủ công ước UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại từ ngày 30/9/2009.

Thú chơi quan họ vùng Kinh Bắc gồm Bắc Ninh và Bắc Giang đã được Ủy ban liên Chính phủ công ước UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại từ ngày 30/9/2009. Tỉnh Bắc Ninh cũng từng tổ chức hội hát có hàng nghìn người dự với trang phục truyền thống duyên dáng và tốn kém. Thế nhưng cái vị của quan họ truyền thống không phải vì thế mà được gìn giữ tốt hơn. Quảng bá rộng là điều hay, cải biên phát triển cũng là điều cần làm, nhưng việc gìn giữ được hồn vía những giá trị truyền thống mới là điều đáng kể. Không làm gấp thì những nghệ sĩ dân gian, những tài năng làm chủ những làn hát cổ sẽ ra đi hết.

Từ thập niên 70 thế kỷ trước, ngành văn hóa Hà Bắc đã cử nhiều cán bộ tâm huyết xách máy ghi âm về các làng quan họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang sưu tầm giọng hát mộc của các nghệ nhân. Hiện nay, đã có tới nghìn bài. Gần 300 bài đã được ghi trên nốt nhạc, tiện cho việc phổ biến, biểu diễn... Nhiều bài báo và sách nghiên cứu về quan họ đã được ấn hành. Có thể nói, trong kho tàng dân ca, quan họ được gìn giữ, phổ biến phong phú, bài bản vào bậc nhất so với các thể loại dân ca khác. Nhưng nỗi lo lại sinh ra từ lợi thế này. Ấy là sự hình thành và ngày càng phát triển những thể thức hát và thưởng thức quan họ xa dần thú chơi truyền thống. Phải là những nghệ nhân, nghệ sĩ sinh trưởng và hành nghề từ các nôi quan họ của Kinh Bắc, thấm đẫm trong hồn mình văn hóa ứng xử lẫn giai điệu và lời ca quan họ mới cảm nghe được những hao hụt bản sắc, những mai một thầm lặng của tinh hoa quan họ. Buồn lo rồi lên tiếng báo động, kêu gọi cộng đồng gìn giữ, bảo vệ. Nhưng quý hóa nhất, thiết thực nhất là những người tự mình đứng lên gìn giữ, bảo vệ. Nhiều trở ngại, nhiều khó khăn và cũng nhiều tốn kém. Tốn kém nhất là cái đời mình. Mất cả đời người như không. Họ như những vị thánh tử vì đạo. Cái đĩa DVD mang tên một làn hát quan họ cổ La rằng này là một kết tinh của hành động ấy.

Vợ chồng anh chị Vũ Tự Lẫm, Minh Phức và chị Lệ Ngải là 3 nghệ sĩ của thế hệ gây dựng Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh từ năm 1969. Vốn là con nhà nòi quan họ của các làng Ngang Nội, Trang Liệt của Tiên Du, Từ Sơn, họ đã bỏ cả tuổi thanh niên xuống các làng quan họ, cùng ăn - cùng ở - cùng làm để học truyền khẩu mà lưu giữ lại làn xưa, điệu cũ. Máy ghi âm hồi ấy khan hiếm lắm, sử dụng phải có giấy chứng nhận vì dễ bị coi là công cụ lấy tin của tình báo. Các anh chị phải ghi vào ký ức mình, lấy hồn mình mà lưu giữ hồn vía của làn điệu, của cách chơi quan họ. Bây giờ mới có thuật ngữ hát quan họ, nghĩa là có người biểu diễn và có người xem, chứ từ thuở khai sinh, đoán là từ đời Lý, chỉ có chơi quan họ, người chơi là người hát cũng là người thưởng thức. Các anh chị đã thành nhân chứng, thành tư liệu sống. Ngày nay, người ta đã thống kê được 49 làng quan họ truyền thống trong 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nhưng những nghệ nhân của làng thì đã ra đi gần hết. Những ngày hội Lim hay những dịp biểu diễn chủ yếu là quan họ hát theo lối mới, có nhạc đệm, nhiều khi còn múa minh họa, phép nhả tiếng lấy hơi cũng theo kỹ xảo tân nhạc. Người nghe cũng quen thưởng thức theo lối hát này và cứ nghĩ đấy là quan họ. Những người như anh Lẫm, chị Phức, chị Ngải... thấy thế thì xót lắm. Thế nên họ bỏ cách hát ấy, nghĩa là bỏ cả đoàn biểu diễn để tự mình lưu giữ lấy hồn xưa phép cũ. Đã hát phải ra hát quan họ, không thì thôi. Để có lương ăn thì đi hát văn cho người ta hầu đồng. Hát nồi niêu xoong chảo gì thì hát, nhất quyết không đụng vào hồn thiêng quan họ. Họ như kẻ cô trung của phận lỡ thời. Nhưng trời cũng độ người tâm huyết. Đồng thanh tương ứng, lòng yêu quan họ dẫn họ hội tụ với những người trẻ tuổi: nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, Phó phòng Biên tập và đạo diễn âm thanh Phạm Trường Linh của Nhà xuất bản Âm nhạc, nhà báo Nguyễn Quang Hưng cũng là một nhà thơ trẻ, nặng lòng yêu quý tinh hoa truyền thống và ca sĩ trẻ Ba Bé Đình Vũ. Anh Đình Vũ vốn là học trò quan họ xuất sắc của 3 nghệ sĩ, giải Nhất quan họ đầu xuân 2010. Đình Vũ trong đĩa này hát đôi với thầy Tự Lẫm rất ăn tình, ăn ý. Các anh thể hiện 5 bài, còn 5 bài khác là phần của hai liền chị đồng lứa Minh Phức, Lệ Ngải. Lời xưa, hát theo phong cách gốc, không nhạc đệm, lấy thanh âm mà làm nhạc khí. Người nghe như lạc vào cõi xưa thăm thẳm:

Rủ nhau lên miếu xuống đền

Đôi bên thề nguyện dám quên đâu là

Canh ba nghe vẳng tiếng gà.

(bài hát cổ Duyên phận phải chiều)

Quả là một cuộc chèo thuyền ngược nước. Thời kinh tế thị trường, cung phải chạy theo cầu, nghệ sĩ lắm lúc phải theo hầu thượng đế nặng hầu bao. Ở đây không thấy hay chưa thấy thượng đế đâu mà chỉ thấy lòng yêu tinh hoa cố cựu của người làm nghệ thuật tổ tông truyền. Cũng lo, nhưng cũng tin. Quý vật ắt tìm được quý nhân. Cõi lòng tri kỷ tiềm ẩn trong thiên hạ đâu phải đã tàn phai. Chúng ta chưa lắng nghe lại chính lòng mình đấy thôi. Mong rằng đĩa La rằng này sẽ gặp những tấm lòng đồng điệu từ cấp có thẩm quyền đến những thính giả trẻ nặng lòng với hồn xưa nếp cũ của quê hương, dân tộc.

Vũ Quần Phương


Ý kiến của bạn