Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới Vương quốc Na Uy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 36 năm. Hoàng gia Na Uy dành cho Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân sự đón tiếp rất trọng thị.
Lễ đón Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Oslo. |
Quan hệ giữa Việt Nam và Na Uy những năm qua phát triển tích cực. Nhà vua Harald V và Hoàng hậu Sonja đã sang thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2004. Trước đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã sang thăm chính thức Na Uy. Hai nước đã ký kết một số văn kiện hợp tác như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và chống buôn lậu; Hợp tác kinh tế hàng không và thương mại; Biên bản ghi nhớ về ưu đãi tín dụng.
Na Uy là nước có cộng đồng người Việt khá đông đảo. Người Việt ở Na Uy là cộng đồng gốc Á lớn thứ hai sau Pakistan với khoảng gần 20 nghìn người.
Trong cuộc hội đàm với lãnh đạo cấp cao nước này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề cập mong muốn Nhà nước Na Uy tiếp tục tạo thuận lợi cho bà con người Việt sinh sống ổn định và hòa nhập tốt với xã hội tại đây.
Na Uy cũng là một trong những đối tác viện trợ phát triển cho Việt Nam trong nhiều năm qua. Na Uy viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam khoảng 200 triệu USD, trung bình mỗi năm 10 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục, quản lý nhà nước và phát triển kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.
Nhà vua Harald V và Hoàng hậu đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân. |
Khối lượng viện trợ của Na Uy tuy nhỏ nhưng hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với quy định của Việt Nam. Các dự án thực hiện thuận lợi, mức giải ngân cao (90%), mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Đó là những dự án điển hình về phát triển nông thôn ở Quảng Trị, xây dựng trường tiểu học vùng lũ lụt tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam...
Nằm ở Bắc Âu, Vương quốc Na Uy có diện tích 324.000 km2, dân số khoảng 4,6 triệu người, có điều kiện địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, bờ biển dài 21.347 km. Đất nước này có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu, đặc biệt về năng lượng, thủy, hải sản và rừng, lực lượng lao động có trình độ khoa học kỹ thuật và tay nghề cao. Hiện nay, Na Uy là nước có mức tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất châu Âu, (GDP bình quân đầu người xấp xỉ 32.000 USD). Các ngành kinh tế mũi nhọn của Na Uy bao gồm: công nghiệp dầu khí, giấy, bột giấy, gỗ xẻ, kim loại màu, thủy điện, đánh bắt thủy, hải sản... Na Uy là quốc gia có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ vào loại lớn ở biển Bắc, chiếm 50% trữ lượng dầu khí của châu Âu. Xuất khẩu dầu khí của Na Uy chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu và đóng góp hơn 10% cho thu nhập cả nước. Na Uy đứng thứ 3 trên thế giới về cung cấp các dịch vụ cho khai thác dầu khí ở ngoài biển, thứ hai về đội tàu phục vụ khai thác dầu. Ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển cũng phát triển mạnh. |
Về đầu tư, Na Uy hiện đứng thứ 43 trong tổng số 82 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 14 dự án có tổng vốn đăng ký 35,2 triệu USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều có xu hướng tăng nhưng vẫn còn khiêm tốn, dưới 100 triệu USD/năm. Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy các mặt hàng chủ yếu là hải sản, hàng dệt may, giày dép, rau quả, cà phê, chè, thủ công mỹ nghệ, và nhập khẩu hàng bột giấy, khoáng chất, hóa chất, phân bón, chất dẻo, kim loại, thiết bị viễn thông.
Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào đầu tư trực tiếp sang Na Uy. Nhiều doanh nghiệp trong đoàn tháp tùng Chủ tịch nước thăm Na Uy lần này mong muốn xúc tiến, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh ở thị trường Bắc Âu này.
Chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Na Uy của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bên cạnh việc củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước, sẽ mở ra cơ hội mới thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Na Uy, nhất là trong một số lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu như đóng tàu, thủy sản, năng lượng, môi trường, giáo dục đào tạo...
TT (tổng hợp)