Hà Nội

Quan hệ trước kỳ kinh nguyệt có thụ thai không?

22-12-2024 14:50 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Khả năng thụ thai nếu quan hệ tình dục không an toàn vào ngay trước kỳ kinh nguyệt là rất thấp vì đây được xem là khoảng thời gian khá an toàn. Tuy nhiên, vẫn có khả năng mang thai xảy do một số yếu tố.

Thời điểm những ngày dễ thụ thai thực sự xảy ra phụ thuộc vào thời điểm phụ nữ rụng trứng hoặc giải phóng trứng ra khỏi buồng trứng. Ngay cả đối với những người có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn vẫn có thể rụng trứng sớm hơn hoặc muộn hơn. Điều này có thể làm thay đổi thời điểm thụ thai vài ngày trong một tháng nhất định.

Vì vậy, khó để xác định thời điểm trong chu kỳ mà đảm bảo 100% rằng phụ nữ sẽ có thai hoặc sẽ không có thai.

1. Chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày

Quan hệ trước kỳ kinh nguyệt có thụ thai không?- Ảnh 1.

Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày.

Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, ngày đầu tiên có kinh là ngày thứ 1 của chu kỳ. Hầu hết các giai đoạn kéo dài từ hai đến bảy ngày. Mang thai là điều khó xảy ra trong thời gian này vì thời điểm thụ thai cao nhất vẫn còn khoảng một tuần nữa.

Vào khoảng ngày thứ 6 đến ngày 14 của chu kỳ, cơ thể chị em sẽ bắt đầu tiết ra hormone kích thích nang trứng. Điều này giúp phát triển trứng bên trong buồng trứng. Cơ thể phụ nữ cũng sẽ bắt đầu xây dựng lại lớp lót nội mạc tử cung trong tử cung. Khả năng mang thai cao hơn một chút trong thời gian này. Tinh trùng có khả năng sống tới 5 ngày trong cơ thể nên vẫn có thể tồn tại khi trứng trưởng thành.

Khi trứng trưởng thành, cơ thể phụ nữ sẽ tiết ra hormone tạo hoàng thể (LH), kích thích trứng phóng ra khỏi buồng trứng (hay được gọi là rụng trứng). Sự rụng trứng thường xảy ra vào khoảng ngày chu kỳ thứ 14. Khả năng mang thai có thể xảy ra vào ngày rụng trứng.

Điều đó nói lên rằng, quá trình rụng trứng không phải lúc nào cũng diễn đúng và đều đặn. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ bốn ngày trước đến bốn ngày sau thời điểm giữa chu kỳ kinh nguyệt.

2. Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn hoặc dài hơn 28 ngày

Một số chị em phụ nữ không có chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày. Một số có chu kỳ ngắn 21 ngày và số chị em khác lại có chu kỳ dài tới 35 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể không đều hơn ở tuổi thiếu niên hoặc tiền mãn kinh.

Trên thực tế, trong một nghiên cứu, chỉ có khoảng 30% người tham gia có khoảng thời gian dễ thụ thai trong vòng 10 đến 17 ngày của chu kỳ. Chỉ 10% rụng trứng đúng 14 ngày trước kỳ kinh tiếp theo.

Các yếu tố như căng thẳng, chế độ ăn uống và các tình trạng bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang, vô kinh cũng có thể ảnh hưởng đến thời điểm rụng trứng.

Trong nhiều trường hợp, rụng trứng vẫn xảy ra vào khoảng giữa chu kỳ. Nếu độ dài chu kỳ thay đổi theo từng tháng thì nên sử dụng phương pháp ngừa thai dự phòng nếu không muốn mang thai.

Nếu đang cố gắng mang thai nên cân nhắc việc theo dõi chính thức ngày rụng trứng. Phụ nữ có thể thực hiện theo một số cách như:

  • Theo dõi nhiệt độ cơ thể cơ bản;
  • Sử dụng bộ dụng cụ dự đoán rụng trứng không kê đơn;
  • Đeo máy theo dõi khả năng sinh sản...

3. Khi nào dễ có thai nhất?

Thời điểm có thể mang thai là trong thời kỳ dễ thụ thai. Trứng chỉ sống được khoảng 24 giờ sau khi được phóng ra khỏi buồng trứng và tinh trùng chỉ có thể sống tối đa 5 ngày trong cơ thể.

Nếu đang muốn thụ thai, thời điểm tốt nhất để quan hệ tình dục là ngay trước khi rụng trứng. Điều này sẽ giúp tinh trùng có thời gian đến ống dẫn trứng và gặp trứng ở đó. Sau đó, nếu không có tinh trùng thụ tinh với trứng thì trứng sẽ thoái hóa, phụ nữ sẽ không thể mang thai cho đến khi chu kỳ bắt đầu lại.

Tuy nhiên, mang thai trước kỳ kinh vẫn có thể xảy ra dù khó. Nếu nghi ngờ có khả năng mang thai nên thử thai tại nhà khi ngày đầu tiên bị chậm kinh hoặc thử thai một tuần sau ngày chậm kinh. Nếu là người có chu kỳ không đều, hãy đợi một đến hai tuần sau khi quan hệ tình dục để thử thai. Sau đó nên đến bệnh viện làm xét nghiệm để biết kết quả chính xác nhất.

Phụ nữ nhiễm HIV ảnh hưởng thế nào đến chu kỳ kinh nguyệt?Phụ nữ nhiễm HIV ảnh hưởng thế nào đến chu kỳ kinh nguyệt?

SKĐS - Phụ nữ sống chung với HIV thời gian dài có nhiều khả năng bị rối loạn kinh nguyệt và thường có nhiều lo lắng, căng thẳng...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Kinh nguyệt nhiều hay ít thì có hại?



Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Ý kiến của bạn