Quan hệ Nga-Mỹ “chạm đáy”, ai chịu thiệt?

01-08-2017 14:07 | Quốc tế

SKĐS - Căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục có dấu hiệu leo thang sau khi Washington tuyên bố xem xét các biện pháp nhằm đáp trả quyết định của Moskva yêu cầu Mỹ rút hơn 700 nhân viên trong phái đoàn ngoại giao tại Nga.

Hôm 31/7, Nhà Trắng cho biết hiện đang cân nhắc các hành động đáp lại việc Nga thông báo sẽ trục xuất 755 nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga hôm thứ 6 tuần trước.

Căng thẳng ngoại giao Nga-Mỹ bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái khi cựu Tổng thống Mỹ Obama cho đóng cửa 2 khu ngoại giao đoàn của Nga tại bang New York và Maryland, đồng thời trục xuất 35 quan chức ngoại giao Nga với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016. Lúc đó, Nga đã không đưa ra phản ứng nào với lý do đợi các phản hồi của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, các tranh cãi Nga- Mỹ liên tục phát sinh khi đảng Dân chủ và giới tinh hoa Mỹ liên tục cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và các quan chức thân cận của Tổng thống Donald Trump, thậm chí là con trai của Tổng thống cũng có mối quan hệ đặc biệt với Nga. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi tuần trước, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga. Đây được xem là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn dưới thời Tổng thống Donald Trump và đang chờ được ban hành. Để đáp trả động thái trên từ phía Mỹ, Moskva đã yêu cầu Washington cắt giảm số nhân viên các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Mỹ tại Nga từ 1/9 tới xuống còn 455 người. Ngoài ra, Nga cũng thông báo tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya ở thủ đô Moskva từ ngày 1/8.

Quan hệ Nga-Mỹ đã tới mức chạm đáy

Theo các chuyên gia phân tích, nếu Nga tiến hành trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ thì quan hệ giữa hai nước, vốn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, sẽ ngày càng trở nên xa cách và khó hàn gắn. Nguy hiểm hơn, trục trặc trong quan hệ Nga-Mỹ sẽ tác động xấu tới cục diện quốc tế khi cả hai nước đều nắm giữ sức mạnh kinh tế và sở hữu vũ khí hạt nhân.

Đáng chú ý, hãng tin Anh BBC đăng bài phân tích nhan đề “Vì sao Mỹ cần nhiều nhà ngoại giao hoạt động ở Nga đến như vậy?”.BBC bình luận rằng “Động thái này khiến người ta ngạc nhiên về quan hệ Mỹ-Nga, bộc lộ sự căng thẳng “chạm đáy” giữa hai nước.Năm 2013, có tới 1.279 nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc tại Nga.  BBC cho rằng “con số này thoạt nhìn thì khiến người ta choáng váng nhưng xét ra thì lại hợp lý vì quan hệ Nga-Mỹ luôn luôn trong tình trạng đối đầu và cạnh tranh. Số nhân viên ngoại giao khổng lồ này thực ra là một cách để Mỹ quản lý một mối quan hệ đầy thách thức, xáo trộn với Nga”.

Tờ NewYork Times cho rằng sau những gì diễn ra thì dường như tâm lý chung hiện nay ở Mỹ là thái độ cảnh giác với các hành động của Nga. Tờ báo này dẫn lời ông James R. Clapper Jr., cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ nhận định Nga đang đẩy mạnh trở lại chương trình hiện đại hóa quân đội và nhất là năng lực hạt nhân chiến lược của họ. Đây chính là một rủi ro vì hiện nay, giữa quân đội Nga và Mỹ hầu như không giao lưu đối thoại.

Về mặt kinh tế, Nga-Mỹ trục trặc cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu tới kinh tế nhiều khu vực. Sau khi Nga-Mỹ liên tục trả đũa lẫn nhau, Bộ Kinh tế Đức Brigitte Zypries ngày 31/7 cho rằng các biện pháp trừng phạt này là vi phạm luật thương mại quốc tế, có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp châu Âu, đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) xem xét các biện pháp đáp trả. Trước đó, ngày 28/7, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ lệnh trừng phạt mới nào của Mỹ nhằm vào Nga, gây ảnh hưởng tới các công ty châu Âu.

Trong một động thái mới nhất, Nga tuyên bố có thể áp dụng các biện pháp bổ sung chống lại Mỹ, nhưng sẽ không làm điều này vì điều đó gây phương hại đến quan hệ quốc tế. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh về mặt lí thuyết, khi các biện pháp chống Nga gây tác hại tiêu cực lớn, Nga có thể xem xét các phương án đáp trả khác nhằm vào Mỹ.


N.Minh
Ý kiến của bạn