Theo các chuyên gia ngoại giao, những nỗ lực nói chuyện của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong un về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân có lẽ không bao giờ đi đến đâu cả.
Nỗ lực nhiều - kết quả ít
Hai cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên trước đó đã đem lại sự gián đoạn các cuộc thử nghiệm hạt nhân, nhưng thực tế lai hoàn toàn khác. Nhân kỷ niệm 2 năm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên tại Singapore, Triều Tiên tuyên bố từ bỏ chính sách ngoại giao với Mỹ, đồng thời hứa mở rộng chương trình vũ khí của mình, ngay cả khi các chuyên gia vũ khí lên tiếng cảnh báo rằng tên lửa tầm xa của Triều Tiên có thể tiếp cận và phá hủy một thành phố của Mỹ.
Ông Trump, vì thế, lại lọt vào danh sách dài các Tổng thống Mỹ đã cố gắng và thất bại trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, dù ông là người đầu tiên gặp gỡ trực tiếp với người đứng đầu Triều Tiên.
“Đây là một nỗ lực ngoại giao mà ông Trump đã bỏ hết công sức của mình vào đó” - ông Victor Cha, cựu cố vấn Nhà Trắng cho cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush và hiện là cố vấn cấp cao của Trung tâm Chiến lược và Quốc tế Mỹ nhận định. Đã có thời điểm, ông Trump nghĩ rằng mối quan hệ của ông với Chủ tịch Kim rất tốt. Ông Trump đã thực hiện hàng loạt các nhượng bộ đối với Triều Tiên, bao gồm cả việc hủy bỏ đơn phương các cuộc tập trận tên lửa chung của Mỹ với Hàn Quốc song sự hồi đáp của Triều Tiên lại quá ít.
Cuối tuần qua, chính quyền Triều Tiên chính thức tuyên bố, mọi thỏa thuận với Mỹ bây giờ là vô hiệu.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau trong thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hay chỉ là sự ủng hộ bầu cử?
“Hy vọng cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên từng rất cao và được cả thế giới theo dõi cách đây 2 năm giờ biến thành tuyệt vọng và bị xuống cấp nhanh chóng” - Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon phát biểu. Theo nhà lãnh đạo ngoại giao Triều Tiên này, các cuộc đàm phán mà Mỹ thực hiện với Triều Tiên chỉ là một mánh khóe khiến Triều Tiên bị ràng buộc phải đối thoại và được sử dụng để lấy sự ủng hộ tình hình chính trị và bầu cử ở Mỹ, chứ không đem lại lợi ích gì cho Triều Tiên. “Mục tiêu chiến lược của Triều Tiên là xây dựng một lực lượng đáng tin cậy hơn để đối phó với các mối đe dọa quân sự lâu dài từ phía Mỹ” - ông Son-gwon nhấn mạnh.
Ông Ri Son Gwon đưa ra những phát biểu trên chỉ vài giờ sau khi Mỹ tuyên bố rằng vẫn quyết tâm áp dụng thỏa thuận được ký tại thượng đỉnh Singapore giữa hai nguyên thủ Kim Jong -un và Donald Trump.
Ông Jeffrey Lewis - một chuyên gia về không phổ biến các loại vũ khí hủy diệt thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey, Mỹ đã tiếp cận được tài liệu tham khảo về cuộc bầu cử Mỹ. “Triều Tiên chưa bao giờ đề nghị giải giới. Những gì họ đề nghị là cung cấp cho ông Trump những tin tức tốt cho chiến dịch chính trị của ông này tại Mỹ, để đổi lại không nhận các lệnh trừng phạt” - ông Lewis tiết lộ.
Đầu tuần qua, Triều Tiên cũng chỉ trích Mỹ xen vào các vấn đề giữa hai miền Triều Tiên, yêu cầu Washington nên giữ im lặng nếu muốn kỳ bầu cử tổng thống cuối năm nay diễn ra suôn sẻ. Đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ lẫn Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận gì.