Quan hệ Mỹ-Eu lại tổn thương vì nghe lén

25-06-2015 14:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sự kiện Wikileaks công bố các tư liệu liên quan đến việc Mỹ theo dõi 3 tổng thống Pháp một lần nữa lại khoét vào vết thương nghe lén vốn chưa kịp lên da non giữa Mỹ và EU.

Sự kiện Wikileaks công bố các tư liệu liên quan đến việc Mỹ  theo dõi 3 tổng thống Pháp một lần nữa lại khoét vào vết thương nghe lén vốn chưa kịp lên da non giữa Mỹ và EU. Trong diễn biến mới nhất, Pháp đã triệu Đại sứ Hoa Kỳ lên chất vấn về thông tin này.

Lần đầu tiên có được bằng chứng Hoa Kỳ giám sát cả các cuộc điện thoại riêng tư của các Tổng thống Pháp

Lần đầu tiên có được bằng chứng Hoa Kỳ giám sát cả các cuộc điện thoại riêng tư của các Tổng thống Pháp

Ngày 23.6, WikiLeaks cho biết họ bắt đầu công bố các tập tin dưới tiêu đề "Espionnage Elysee" – (Theo dõi Elysee), tức nói về theo dõi lén dinh tổng thống Pháp giai đoạn năm 2006-2012. WikiLeaks cho biết các tập tin mật "xuất phát từ hoạt động theo dõi lén liên lạc mà NSA nhắm trực tiếp tới ba tổng thống cũng như các bộ trưởng Pháp và đại sứ  Pháp tại Hoa Kỳ."Một trong các tập tin vào năm 2012 là về ông Hollande thảo luận khả năng Hy Lạp có thể rời khu vực dùng đồng euro, trong khi một tệp tin khác - từ năm 2011 - cáo buộc ông Sarkozy quyết tâm nối lại đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, có thể không có sự tham gia của Hoa Kỳ. Một tệp tin vào năm 2010 nói rằng các quan chức Pháp nhận biết được việc Hoa Kỳ đang nghe lén mình và định sẽ khiếu nại chuyện này. Một tiết lộ khác từ các tài liệu nói trên là sau khi gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Hollande đã liên lạc với lãnh đạo đảng đối lập SPD Sigmar Gabriel và mời ông này đến Paris để thảo luận. Thủ tướng Pháp lúc đó là Jean-Marc Ayrault đã khuyên ông Hollande là nên giữ bí mật cuộc tiếp xúc này để tránh “các vấn đề ngoại giao” với Berlin, nếu bà Angela Merkel biết được là Paris đã lén gặp đối lập Đức.

Hiện chưa rõ liệu các tài liệu xuất phát từ dữ liệu bị đánh cắp của người từng được NSA dùng là Edward Snowden hay không. Bình luận về các thông tin rò rỉ được báo chí đăng tải từ WikiLeaks, người phát ngôn Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nói:"Chúng tôi sẽ không bình luận về các cáo buộc tình báo cụ thể. Xét về bối cảnh chung, chúng tôi không tiến hành các hoạt động do thám tình báo nước ngoài trừ phi vì mục đích an ninh quốc gia có lý và cụ thể. Hoạt động này được áp dụng với công dân thường hệt như với lãnh đạo các nước." Tòa Bạch Ốc cũng không bác bỏ thẳng thừng nhưng nói rằng điện thoại của bà Merkel vào chính khi đó không bị nghe lén và sẽ không bị theo dõi trong tương lai.Truyền thông Đức sau đó đưa tin cơ quan tình báo quốc gia Đức từng theo dõi lén các quan chức hàng đầu của Pháp và những trụ sở chính của EU theo đề nghị của Hoa Kỳ.

Theo các nhà quan sát, để nghe lén điện thoại lãnh đạo Pháp, một đơn vị tình báo đặc biệt chuyên thu thập thông tin – SCS (Special Collection Service ) được đặt tại đại sứ quán Mỹ, ở Quảng trường Concorde, Paris. Vị trí rất tốt vì chỉ nằm cách vài trăm mét nào là Điện Elysée, bộ Nội vụ, bộ Ngoại giao, nào là Quốc hội Pháp... và nhiều đại sứ quán khác. Điện thoại Thủ tướng Đức đã bị NSA nghe lén, nhưng từ 2 năm qua thì bà Merkel cũng bị dính vào scandal tình báo Đức hoạt động cho Mỹ, nghe trôm bộ Ngoại giao Pháp, các tập đoàn, trong đó có Airbus. Dĩ nhiên không chỉ có Pháp mà nhiều nước Châu Âu cũng bị nghe trộm.  NSA theo dõi mọi người, bạn cũng như thù, CIA tuyển mộ người trong  guồng máy của các đồng minh cũng như  địch thủ, đó là những điều không còn làm ai ngạc nhiên. Nhưng cũng không nên tỏ ra quá ngây thơ: Pháp cũng làm như vây, nhưng ở mức độ kém hơn, vì phương tiện không bằng.  

Những tài liệu vừa công bố có tính chất khác : Lần đầu tiên có được bằng chứng không thể chối cãi là ít ra từ năm 2002, Hoa Kỳ giám sát, theo dõi thế giới, cả đến các cuộc nói chuyện riêng tư của các Tổng thống Pháp. Ai cũng biết thái độ nghi kỵ của Mỹ đối với đồng minh Pháp, nhưng phải thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa việc tìm hiểu chương trình hạt nhân của Pháp, với việc đặt nghe điện thoại di động riêng của ông Sarkozy hay ông Hollande. Nếu cư xử như thế thì có nghĩa là đồng minh hay kẻ đối nghịch không có gì khác nhau.  Mỹ thu thập hàng khối thông tin chỉ vì có đủ phương tiện để làm như thế. Điều này không hay cho quan hệ hai nước. Không hiểu một nước như Hoa Kỳ đặt lên hàng đầu quyền tự do cá nhân lại có thể vi phạm, chà đạp nó như vậy. Quan điểm khác thì cho là không quá ngạc nhiên, vì NSA có phương tiện thâm nhập vào các hệ thống điện thoại, internet, để tìm hiểu người ta nghĩ gì, nói gì, thì tại sao họ lại không làm ? Điều này nghiêm trọng, nhưng có thể lường trước được.

Quỳnh Anh (theo Liberation, AFP, BBC)

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn