Hà Nội

Quan hệ Mỹ - Đức băng giá vì nghe lén

31-10-2013 07:28 | Quốc tế
google news

Theo giới quan sát, mối quan hệ song phương Đức - Mỹ có lẽ đang rơi vào giai đoạn băng giá. Người dân Đức khám phá ra rằng Mỹ không thật sự là bạn. Các lời chỉ trích Mỹ đã vượt qua cả giới hạn chính trị.

Theo giới quan sát, mối quan hệ song phương Đức - Mỹ có lẽ đang rơi vào giai đoạn băng giá. Người dân Đức khám phá ra rằng Mỹ không thật sự là bạn. Các lời chỉ trích Mỹ đã vượt qua cả giới hạn chính trị. Sau đảng Xã hội - Dân chủ, một số chính khách bảo thủ bắt đầu lên tiếng yêu cầu đình chỉ các cuộc thương thuyết về trao đổi tự do mậu dịch cho đến khi nào vụ việc được làm sáng tỏ.

Vụ việc đang đặt bà Angela Merkel dưới áp lực. Tại sao điện thoại của bà không được bảo mật? Liệu bà đã thiếu phản ứng? Dù là Merkel tỏ ra rất tức giận Mỹ nhưng điều đó cũng cho thấy là bà bất lực một phần. Những người "thực tế" nhất xung quanh bà biết rất rõ rằng theo dõi, dù là giữa các nước đồng minh với nhau, là một thực tế. Sự nghi kỵ giữa Berlin và Washington đã đạt đến mức chưa từng thấy kể từ cuộc chiến Iraq năm 2003.

Giờ đây, vụ tai tiếng bắt đầu làm cho các tập đoàn đa quốc gia tại Mỹ quan ngại khả năng trì hoãn, thậm chí là ngưng các cuộc đàm phán về tự do mậu dịch giữa đôi bờ Đại Tây Dương. Sau Đức, Pháp và Ba Lan, đến lượt Tây Ban Nha lên tiếng yêu cầu Mỹ giải thích về việc nghe lén hàng chục triệu cuộc điện đàm của các kiều dân Tây Ban Nha. Trong khi đó, tại Đức, một thăm dò cho thấy có đến gần 60% người được hỏi cho rằng nên đình chỉ các cuộc thương thuyết giữa châu Âu và Mỹ.

Trước mắt, chính quyền Mỹ tìm cách hạn chế tối đa thiệt hại bằng cách thông tin nhỏ giọt nhằm xoa dịu tình hình. Cơ quan tình báo quốc gia NSA phủ nhận mọi nguồn tin do báo chí Đức đưa ra, theo đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã biết việc nghe lén các cuộc điện đàm của bà Angela Merkel từ năm 2010. Dĩ nhiên, Nhà Trắng phải phản công lại khẳng định rằng chương trình đã được chấm dứt ngay khi ông Obama biết sự việc.

Quan hệ Mỹ - Đức băng giá vì nghe lén 1
 Scandal nghe lén đe dọa nghiêm trọng mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Một số quan chức khác Chính phủ có những lời lẽ không mấy ôn hòa lắm. Cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright kêu gọi châu Âu không nên có thái độ đạo đức giả. Bà nhắc lại rằng các cơ sở tình báo của Pháp cũng từng nghe lén bà khi bà còn giữ chức đại sứ tại Liên hợp quốc.

Người ta đặt câu hỏi: NSA nghe lén bằng cách nào? Có nơi nào tốt hơn một đại sứ quán đặt tại đường Pariser Platz ở Berlin? Nó chỉ cách tòa nhà Quốc hội Đức Reichstag có vài bước chân. Khi vị đại sứ Mỹ bước chân ra khỏi sứ quán, ông ấy nhìn trực tiếp ra cổng Brandenburg. Đây là trung tâm chính trị của CHLB Đức, nơi ngân sách hàng tỷ euro được thương thảo, luật pháp được hình thành và quyết định gửi lính tới các cuộc chiến. Đây cũng là nơi lý tưởng cho các nhà ngoại giao và cả gián điệp.

Quan hệ Mỹ - Đức băng giá vì nghe lén 2

Điều tra của các phóng viên Spiedel ở Berlin và Washington qua các cuộc nói chuyện với các quan chức tình báo đánh giá, tài liệu nội bộ của NSA và các nguồn thông tin khác chủ yếu từ tài liệu có được từ cựu nhân viên tình báo Mỹ đang cư trú tại Nga Edward Snowden - đã đưa tới một kết luận rằng: Phái đoàn ngoại giao của Mỹ ở Đức không chỉ đơn thuần thúc đẩy mối quan hệ Đức - Mỹ. Ngược lại, nó là một ổ gián điệp.

Từ mái nhà trong suốt bằng kính của đại sứ quán, một đơn vị đặc biệt của Cục Tình báo liên bang Mỹ (CIA) và NSA rõ ràng có thể giám sát phần lớn các cuộc liên lạc di động trong khu vực Chính phủ Đức đóng đô. Và có bằng chứng rằng các mật vụ Mỹ đóng tại đường Pariser Platz đã ngắm mục tiêu nhiều nhất vào chiếc di động mà bà Merkel sử dụng.

Theo Spiegel, khó có chủ đề nào nhạy cảm hơn đối với bà Merkel như việc theo dõi điện thoại di động của bà. Điện thoại di động là công cụ quyền lực của bà. Bà sử dụng nó không chỉ để lãnh đạo Đảng của bà - đảng cánh tả Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo CDU mà còn để thực hiện phần lớn các công việc quốc gia. Bà Merkel sử dụng điện thoại di động thường xuyên đến nỗi đã có cuộc tranh luận hồi đầu năm nay rằng liệu hoạt động nhắn tin của bà có nên được lưu trữ như một phần của hoạt động điều hành. Do đó, scandal nghe lén của NSA đã đạt "đỉnh" mới, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.
 

Nghị sĩ Cộng hòa (Mỹ) ông Peter King, chuyên gia phản gián cho là "Tổng thống Mỹ phải chấm dứt việc xin lỗi và phải giữ thế tự vệ. Trên thực tế là NSA đã cứu sống hàng ngàn nhân mạng, không chỉ có ở Mỹ mà cho cả Pháp, Đức và nhiều nơi khác trên toàn châu Âu". Trên báo chí Mỹ, Nhà Trắng cũng ngầm bắn đi một thông điệp rằng châu Âu cũng nên hạ bớt cơn giận, bằng không họ sẽ gánh lấy rủi ro thấy các chương trình nghe lén của châu Âu bị tiết lộ.

Song Minh (Theo Les Echos, L’Humanite, Spiegel)

Ý kiến của bạn