Sau tất cả những căng thẳng trong suốt tháng sáu vừa qua sau vụ đặc nhiệm Israel tấn công một đoàn tàu cứu trợ nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ cho dải Gaza làm thiệt mạng nhiều người, giờ đây mọi sự có vẻ như bắt đầu dịu lại. Bằng chứng: chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Benyamin Netanyahu.
Không khí chuyến thăm Mỹ lần này của ông Netanyahu hoàn toàn khác hẳn với chuyến viếng thăm hồi tháng 3. Nếu như chuyến thăm trước được coi là thể hiện một sự lạnh nhạt và bất đồng giữa hai bên thì giờ đây, dường như gió đã đổi chiều. Báo chí được mời đến, và rất nhiều ảnh chụp của hai vị nguyên thủ đã thể hiện một thái độ nồng ấm trở lại, một quyết tâm giải quyết bất đồng giữa hai bên. Nhân dịp này, Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI đã dẫn lại một lời tuyên bố vô cùng tích cực của ông Obama về đối tác Do Thái của mình: "Tôi đặt lòng tin vào Ngài thủ tướng Netanyahu ngay từ khi tôi gặp ông lần đầu, thậm chí còn trước cả khi tôi được bầu làm Tổng thống, và tôi sẽ vẫn tiếp tục nhắc lại điều này, một cách công khai cũng như ở chốn riêng tư. Tôi tin rằng Ngài Thủ tướng đang phải xoay sở trong một tình thế phức tạp của một khu vực vô cùng khó khăn, và điều tôi vẫn luôn nói với ông, đó là ý chí của tôi muốn cộng tác với ông, để chúng ta cùng thúc đẩy tình hình để đạt tới một nền hòa bình đảm bảo cho an ninh của Israel trong vài thập niên tới. Để đạt được điều đó, sẽ phải có những lựa chọn khó khăn. Và có những thời điểm chúng tôi đã phải tranh luận một cách nảy lửa về những quyết định. Nhưng đường hướng tiếp cận có tính nền tảng sẽ không hề thay đổi. Hoa Kỳ luôn cam kết đảm bảo an ninh cho Israel; chúng tôi trung thành trong mối quan hệ hết sức đặc biệt của hai quốc gia và chúng tôi sẽ làm hết sức mình cho điều đó, không chỉ bằng lời mà còn bằng hành động".
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Israel Netanyahu. |
Chắc chắn sẽ không còn lời nào hơn nữa để nói về một mối quan hệ liên minh. Nhưng điều gì đã dẫn đến sự thay đổi này nếu như trước đó mấy tháng, tình hình vẫn đang trong trạng thái "đóng băng" và trong suốt tháng sáu vừa qua, nhiều lần Mỹ đã tỏ ra không hài lòng với đồng minh của mình về nhiều vụ việc. Quan sát kỹ cục diện khu vực, ta sẽ thấy điều này là có thể lý giải được. Đúng là tình hình khu vực đang có những khó khăn, nhất là sau vụ đặc nhiệm Israel tấn công đẫm máu đoàn tàu cứu trợ nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ và làm thiệt mạng một số công dân Thổ. Vụ việc này đã làm "mất mặt" Israel và làm cho quan hệ Israel - Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi một cách trông thấy. Suốt tháng sáu vừa qua người Thổ đã gây sức ép đòi Israel phải công khai xin lỗi, bồi thường cho các nạn nhân và điều tra các nguyên nhân dẫn đến thảm kịch.
Nhưng vấn đề là liệu tất cả có thể đi đến một sự đổ vỡ hoàn toàn hay không? Chắc chắn là không. Đơn giản chỉ là vì tất cả đều đang cần đến nhau. Không cần phải nhắc lại cũng biết Israel, giống như Nhật Bản, là những đồng minh tối quan trọng, không thể thay đổi của Hoa Kỳ. Người Do Thái bảo đảm cho thành công của những chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Hơn thế nữa, như báo cánh tả Pháp Libération đã lưu ý rất chính xác là để được lên làm tổng thống, ông Obama đã nhận được sự ủng hộ của 60% cộng đồng Do Thái và cộng đồng này luôn là một thế lực chính trị mạnh trong chính trường Hoa Kỳ. Tất nhiên, Mỹ không thể quá "nuông chiều" Israel để đến mức làm "khó xử" chính mình trên trường quốc tế nhưng Mỹ cũng không thể quá "cứng rắn" với đồng minh này. Vấn đề chỉ là Israel biết cách hành xử một cách tế nhị hơn mà thôi. Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, thái độ cứng rắn của Ankara là hoàn toàn có thể hiểu được nhưng tình thế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến quốc gia này cần có một quan hệ với cả khối Mỹ - Israel. Vấn đề lớn nhất của Thổ là những nhóm nổi loạn người Kurde ở vùng biên giới giáp với Irac. Chỉ mới hôm 6/7, những cuộc tấn công của người Kurde đã khiến ba lính biên phòng Thổ thiệt mạng. Chính người Thổ cũng cần hợp tác với Israel để chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và cần đến Mỹ để qua đó, có được một hợp tác tốt với Irac trong việc giải quyết tốt vấn đề người Kurde.
Cuối cùng là về phía Israel, nước này cũng không thể bị cô lập hơn nữa trên trường quốc tế và hơn nữa, trong nội bộ Israel, sức mạnh của những tiếng nói đòi có một giải pháp hòa bình trong vấn đề với Palestine không phải là không hiện hữu. Báo Pháp Le Figaro cho biết chính ông Netanyahu cũng đang bị sức ép của Công đảng của ông Ehoud Barak đe dọa giải tán liên minh trong chính quyền nếu không có những giải pháp ngăn chặn sự lan tràn không kiểm soát của các khu định cư Do Thái (đây cũng là yếu tố làm "đóng băng" tiến trình hòa bình với Palestine). Tất cả những điều này cho thấy chỉ trong một sớm một chiều, Israel, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải có những giải pháp có tính hòa giải để ổn định lại tình hình bởi thực ra, tất cả đều cần có nhau.
Xuân Thạch (Theo Le Figaro)