Trong một cuộc họp báo hôm 27/12, khi các phóng viên hỏi về khả năng đảo chính, tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh lục quân Thái Lan, nói rằng "cánh cửa không mở nhưng cũng chẳng khép", Reuters đưa tin.
"Hành động của quân đội sẽ phụ thuộc vào tình hình. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện hành động đúng đắn, bằng biện pháp hòa bình và chúng tôi mong các bên giải quyết tình hình bằng thương lượng", ông Prayuth nói.
Lời nói đầy ẩn ý của tướng Prayuth là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trong thời điểm quan trọng. Bà đã giải tán quốc hội và ấn định bầu cử sớm vào ngày 2/2/2014. Khả năng đảng Pheu Thai của bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử rất cao. Vì thế, những người chống chính phủ muốn bầu cử sớm không diễn ra. Theo họ, Yingluck nên từ chức và một hội đồng nhân dân sẽ thay chính phủ điều hành đất nước, đồng thời thực hiện các cải cách bầu cử. Ủy ban Bầu cử đã kêu gọi chính phủ hoãn tổng tuyển cử sớm để ngăn chặn sự leo thang của bạo lực, song bà Yingluck tuyên bố chính phủ không có quyền thực hiện việc đó.
Bế tắc chính trị và bạo lực đã trở nên quá quen thuộc đối với người dân tại Thái Lan, nơi quân đội đã đảo chính hoặc âm mưu đảo chính 18 lần trong 81 năm qua.
Tin đồn về đảo chính đã lan truyền tại Thái Lan trong vài tuần gần đây. Ba nguồn tin thân cận với quân đội nói với Reuters rằng hai người tiền nhiệm của tướng Prayuth đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với phong trào biểu tình chống chính phủ. Hai vị tướng này tuy đã nghỉ hưu song ảnh hưởng của họ đối với quân đội vẫn khá lớn.
53 đảng đã đăng ký để tham gia bầu cử sớm vào ngày 2/2/2014. Ủy ban Bầu cử Thái Lan thông báo họ sẽ đàm phán với cả chính phủ và những người biểu tình để phá thế bế tắc.
"Chúng tôi hy vọng các bên sẽ tìm ra một giải pháp trước năm mới", Somchai Srisuthiyakorn, một thành viên của Ủy ban Bầu cử, nói.
Theo ZingNews