Ông Palisa kêu gọi một "quá trình chuyển đổi có cấu trúc" để người dân làm quen dần với ý tưởng rằng mọi công dân, bất kể giới tính, đều có thể được kêu gọi phục vụ trong quân đội.

Phó giám đốc chính quyền tổng thống Ukraine, Đại tá Pavel Palisa. (Nguồn: Bihus.info)
Ông nhấn mạnh, nếu một người muốn được hưởng quyền lợi từ nhà nước như việc làm trong khu vực công, giáo dục, hay các khoản trợ cấp xã hội, thì họ cũng cần thực hiện nghĩa vụ với quốc gia, chẳng hạn thông qua một hợp đồng quân sự tối thiểu trong vòng 1 năm.
Không giấu giếm sự ngưỡng mộ với mô hình của Israel, quốc gia đã áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho cả nam và nữ trong nhiều thập kỷ, ông Palisa cho rằng Ukraine nên học hỏi mô hình này. Theo ông, trong một đội quân hiện đại, vai trò không còn chỉ là cầm súng mà có thể bao gồm nhiều vị trí khác nhau, phù hợp với thể chất và kỹ năng của từng người, bất kể giới tính.
Đằng sau đề xuất táo bạo này là một thực tế đầy thách thức: cuộc khủng hoảng nhân lực trong quân đội Ukraine, đang ngày một nghiêm trọng.
Kể từ khi Nga mở rộng chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, Ukraine đã ban hành tình trạng thiết quân luật và lệnh tổng động viên, cấm tất cả nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 60 rời khỏi đất nước.
Nhưng qua thời gian, những biện pháp này dần mất hiệu quả trước làn sóng trốn nghĩa vụ, nạn tham nhũng trong hệ thống tuyển quân và sự kiệt quệ về tinh thần trong xã hội.
Chính phủ Ukraine đã phản ứng bằng cách giảm độ tuổi nhập ngũ xuống còn 25 và thắt chặt các hình phạt với hành vi đào ngũ. Đồng thời, Bộ Quốc phòng Ukraine cũng triển khai nhiều chiến dịch truyền thông để kêu gọi thanh niên tự nguyện nhập ngũ, trong đó nổi bật nhất là khoản thưởng một triệu hryvnia (khoảng 24.000 USD) cho nam giới trong độ tuổi 18–24 cam kết phục vụ quân đội trong 1 năm.
Các video quảng bá mô tả số tiền này như một cơ hội "thay đổi cuộc đời", giúp người trẻ mua nhà, xe hơi hoặc khởi nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả lại không như kỳ vọng. Theo ông Palisa, từ đầu năm đến nay, chưa đến 500 người ký hợp đồng nhập ngũ theo chương trình này. Nhiều người dù đồng ý "bằng miệng" nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện. Một số bị cha mẹ ngăn cản, số khác đơn giản tin rằng "hòa bình sẽ đến sớm, không cần thiết phải đi lính".