Quan chức nên "vi hành" trên Facebook

25-04-2014 09:35 | Thời sự

SKĐS - “Vi hành” qua Facebook là phương thức đơn giản nhất để giới quan chức, nhà quản lý hiểu được cộng đồng xã hội.

“Vi hành” qua Facebook là phương thức đơn giản nhất để giới quan chức, nhà quản lý hiểu được cộng đồng xã hội.

Các quan chức có chơi Facebook không? Câu trả lời là có! Trước những trường hợp trẻ em tử vong thương tâm do bệnh sởi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến bệnh viện thị sát. Ông nắm tình hình bệnh qua Facebook và lắng nghe tâm trạng người dân cũng qua mạng xã hội này...

Facebook không chỉ tiện ích, phổ biến, đại chúng mà nó chứa những công cụ để chúng ta có thể soi mình. Vẫn biết ở đời ai chả thích lời khen, câu nịnh, khó chịu với câu mắng, lời chê, nhưng đã đến lúc cần phải thiết lập cơ chế tự phản biện, giống như cộng đồng đang làm tốt vai trò phản biện xã hội. Muốn phản biện mình thì phải biết lắng nghe, biết chấp nhận những lời nhắc nhở, và tỉnh táo trước câu khen ngợi của người khác.

Quan chức nên lập Facebook để hiểu được suy nghĩ của xã hội

Mỗi khi đưa ra trạng thái cảm xúc thật nhất của mình lên trang cá nhân, chúng ta cũng cần biết tiếp nhận những câu khó nghe để gạn lọc những sự thật đắng lòng. Và cũng nên biết chối từ những dòng “like” (thích), những lời phỉnh nịnh màu hồng. Gạn lọc như thế để chúng ta chủ động ngăn chặn nguy cơ từ những cơn bão. Các nhà lãnh đạo, quản lý đón nhận thật tỉnh táo những comment, status... mang tính xây dựng, họ sẽ xử lý kịp thời nhiều mầm mống nguy hại.

Đừng nghĩ trên cộng đồng mạng rộng lớn đó chỉ toàn chuyện riêng tư, cá nhân “vô thưởng vô phạt”, chửi bới, bất mãn, mắng nhiếc, xu nịnh... mà còn có không nhỏ những phần trăm sự thật, những phân tích sâu sắc và những lời cảnh báo chuẩn xác.

Hành động “ngược đời” của dân làng cổ Đường Lâm khi trả danh hiệu di tích là câu chuyện xuất hiện lần đầu trong lịch sử bảo tồn văn hóa nước nhà. Nhưng vấn đề đó không mới, mà đã âm ỉ cháy trong một thời gian dài. Sự thụ động đến khó hiểu của lãnh đạo Hà Nội, giới chức văn hóa thủ đô... trước những vấn đề dân sinh, trước bài toán muôn thuở: bảo tồn và phát triển đã góp phần làm bùng đám cháy. Và trên thực tế còn nhiều vụ việc, nếu không có các cơ quan truyền thông, các mạng xã hội lên tiếng, chúng sẽ rơi vào im lặng trong sự thờ ơ của giới chức.

Sẽ chẳng có những câu chuyện buồn nếu như nhà chức trách, quản lý xã hội chịu lắng nghe nỗi niềm của người dân, vấn đề của cuộc sống, từng ngày soi lại công tác quản lý của mình để xử lý kịp thời mọi sự cố trước khi nó vỡ lở và để lại hậu quả. Nếu không duy trì cơ chế tự phản biện thì chắc chắn sự lãnh đạm, ì trệ vẫn còn tiếp tục xảy ra.

Đến đây tôi chợt nhớ đến một câu chuyện: có một ông quan tự răn mình bằng cách cứ tối đến, điểm lại trong ngày làm được một việc tốt cho mình và gia đình. Ông bỏ vào lọ thứ nhất một hạt gạo, làm tốt cho dân chúng bỏ vào lọ thứ hai một hạt gạo, làm hại dân thì bỏ ra lọ thứ ba một hạt gạo. Và cứ thế năm tháng qua đi, kiểm lại, ông thấy lọ thứ nhất và lọ thứ ba đầy tràn, còn lọ thứ hai thì chả có lấy một hạt gạo nào. Ông bèn soi gương và chợt thấy rõ gương mặt thật của mình. Ông từ quan trong nỗi xấu hổ nhưng mọi sự đã quá muộn. Làng quê hiu hắt, tang thương...

Quay lại chuyện thời này. Thử hình dung thế này, một nhà lãnh đạo, nhà quản lý cập nhật trạng thái của mình lên mạng xã hội, ngay lập tức sẽ nhận được những lời khuyên, những trách móc, thậm chí lời nói không hay, thiếu thiện chí... Không sao, lắng nghe nỗi niềm, cảm xúc của người dân, sẽ gần hơn, hiểu được tiếng nói cộng đồng và sẽ có những hành xử đẹp đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Hạ cố “vi hành” qua Facebook, thâm nhập vào cộng đồng xã hội qua một công cụ tiện ích chính là thái độ tiếp nhận thông tin nhiều chiều cho một vấn đề. Đắp thành lũy cho riêng mình, ngăn cánh cổng sẻ chia, xu hướng đó chỉ làm xã hội nghèo đi những giá trị liên kết và phản biện

 


Ý kiến của bạn