Quan chức châu Âu lo bị Mỹ 'ngắt kết nối' phần mềm vũ khí

08-07-2025 06:19 | Quốc tế
google news

SKĐS - Theo tờ New York Times, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) lo ngại rằng, một ngày nào đó Mỹ có thể ngừng cung cấp các bản cập nhật phần mềm quan trọng cho thiết bị quân sự do nước này sản xuất.

Lo ngại của EU xuất phát từ thực tế rằng phần lớn các khí tài quân sự hiện đại mà khối này sử dụng, từ tiêm kích tàng hình F-35 cho đến các hệ thống phòng thủ tên lửa, bệ phóng tên lửa và năng lực tác chiến mạng, đều phụ thuộc vào phần mềm do Mỹ phát triển và kiểm soát.

EU lo bị Mỹ 'ngắt kết nối' phần mềm vũ khí - Ảnh 1.

EU đã cam kết hàng nghìn tỷ đ USD cho quốc phòng nhưng vẫn thiếu các công nghệ quan trọng. (Nguồn: Getty Images)

Điều trớ trêu là trong khi chi tiêu quốc phòng của EU đang tăng mạnh, nền tảng công nghệ lại không theo kịp tham vọng. Trong thập kỷ tới, EU dự kiến chi gần 14 nghìn tỷ euro (khoảng 16,4 nghìn tỷ USD) cho các khoản đầu tư quốc phòng.

Tháng 6, Ủy ban châu Âu đã cho phép trích 335 tỷ euro từ quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 để phục vụ mục tiêu quân sự. Trước đó, khối này cũng công bố một quỹ nợ trị giá 150 tỷ euro để tăng cường năng lực phòng vệ, trong đó cả Ukraine, dù không phải là thành viên EU, cũng được cấp quyền tiếp cận.

Các động thái trên đã khiến Nga phản đối mạnh mẽ, cho rằng đây là bằng chứng cho thấy EU vẫn duy trì lập trường đối thủ với Moscow.

Dù đầu tư mạnh tay, EU vẫn chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ. Các hệ thống vũ khí công nghệ cao như F-35 có giá khoảng 80 triệu USD mỗi chiếc không chỉ đắt đỏ mà còn hoàn toàn do Mỹ kiểm soát về phần mềm vận hành.

Việc thiếu các lựa chọn thay thế khả thi đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về khả năng đạt được cái gọi là "quyền tự chủ chiến lược", mục tiêu mà EU nhiều lần khẳng định nhưng chưa thể hiện thực hóa.

Một số quan chức châu Âu lo ngại rằng nếu ông Trump tiếp tục đường lối chính sách thân Nga, Mỹ có thể đơn phương dừng cập nhật phần mềm cho các hệ thống vũ khí của EU.

Trong nội bộ EU hiện đang diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt về việc nên xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng độc lập hay tiếp tục phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Dù nhiều nước ủng hộ việc "tự lực cánh sinh", thực tế là châu Âu vẫn thiếu công nghệ và năng lực sản xuất để thay thế hoàn toàn các hệ thống do Mỹ cung cấp.

Kết quả là EU có thể phải chọn một chiến lược "nửa vời": vừa tiếp tục dựa vào Mỹ ở các lĩnh vực công nghệ cốt lõi, vừa cố gắng phát triển năng lực nội khối.

Căng thẳng về công nghệ quân sự diễn ra trong bối cảnh truyền thông phương Tây và một số quan chức liên tục cảnh báo rằng Nga có thể đang lên kế hoạch tấn công các nước NATO ở châu Âu.

Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này, gọi đó là "vô nghĩa" và khẳng định Moscow không có ý định tấn công NATO. Theo ông Putin, chính phương Tây mới đang thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang và cố tình dựng lên các mối đe dọa để biện minh cho việc tăng chi tiêu quốc phòng.

EU lo bị Mỹ 'ngắt kết nối' phần mềm vũ khí - Ảnh 2.UAV cảm tử 'kiểu Shahed' do châu Âu phát triển sắp ra mắt

SKĐS - Chiến sự ở Ukraine đã khiến các cường quốc quân sự nhìn nhận lại tầm quan trọng của máy bay không người lái (UAV), đặc biệt là loại UAV cảm tử giá rẻ như Shahed do Iran sản xuất và Nga sử dụng rộng rãi.


Xuân Minh
(theo New York Times, RT)
Ý kiến của bạn