Quản chặt xe đạp điện, nên không?

07-09-2018 14:54 | Thời sự

SKĐS - Xe đạp điện, phương tiện được đánh giá là thân thiện với môi trường, vận hành tiện lợi lại đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi lưu thông và trở thành ẩn họa gây tai nạn trong khu vực đô thị. Do đó, cần thiết quản lý xe đạp điện như đối với phương tiện cơ giới.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất sửa quy định trong Luật GTĐB đối với xe đạp điện, coi phương tiện này là phương tiện cơ giới để phục vụ quản lý phương tiện, quản lý lưu thông, hạn chế TNGT... Bởi theo ý kiến của nhiều cơ quan chức năng, xe đạp điện là loại phương tiện lưỡng tính, sử dụng được cả trạng thái động cơ và thô sơ (đạp để di chuyển). Phương tiện có khả năng mất an toàn nhất ở trạng thái dùng động cơ, nhưng quy định quản lý hiện nay mới chỉ ở trạng thái xe thô sơ. Nên quản lý xe đạp điện ở mức cao hơn, đưa vào nhóm xe cơ giới để quản lý phù hợp về mặt vận hành, tham gia giao thông.

Những năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến của học sinh phổ thông cho đến người lớn tuổi ở các thành phố. Đặc biệt, thời gian qua, xe đạp điện trở thành phương tiện ưa thích của giới trẻ do không cần bằng lái, không tốn tiền mua xăng mà vẫn có thể chạy với tốc độ tương đương xe máy.

Thực tế cho thấy, các quy định về quản lý vận hành đối với xe đạp điện đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là việc để loại xe này lưu thông trên đường dành cho xe cơ giới. Điều này dẫn đến tình trạng dù là xe đạp điện nhưng lưu thông không khác xe máy, gây nguy hiểm cho chính người điều khiển. Trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 7.000 xe đạp điện, xu hướng sử dụng ngày càng tăng cao, đặc biệt nhóm đối tượng học sinh. Đây là loại hình phương tiện mới. Tuy nhiên, xe đạp điện được sử dụng với công dụng tương tự như xe máy điện hoặc xe máy (vận tốc có thể đạt được đến 50km/h). Theo phân tích của đại diện Cục Đăng kiểm, tuy được coi như xe thô sơ nhưng bản chất xe đạp điện là phương tiện có gắn động cơ và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện này. Thời gian qua, khá nhiều trường hợp học sinh, người điều khiển xe đạp điện bị tai nạn thương tâm. Theo Ban An toàn giao thông các địa phương, từ đầu năm 2018 đến nay xảy ra hàng chục trường hợp tai nạn liên quan đến xe đạp điện, trong đó có trường hợp tử vong.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, một số tiêu chuẩn cơ bản được quy định đối với xe đạp điện là có vận tốc thiết kế không quá 25km/h, công suất ắc quy không quá 250W, trọng lượng toàn bộ xe không được quá 40kg và có bàn đạp. Hiện toàn quốc có hơn 310.000 xe đạp điện đã được cấp chứng nhận hợp tiêu chuẩn, được phép bán ra thị trường và lưu thông, trong đó hầu hết được sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng xe đạp điện lớn hơn nhiều lần do tình trạng sản xuất, lắp ráp chui hoặc nhập lậu. Điều bất cập là hiện Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện là loại xe thô sơ, không phải đăng ký như xe máy điện, xe máy. Do không phải đăng ký quản lý khi lưu thông nên trên thực tế xuất hiện nhiều xe không được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng nhưng vẫn tham gia giao thông. Vì vậy, cần sửa quy định trong Luật GTĐB đối với xe đạp điện, coi phương tiện này là phương tiện cơ giới để phục vụ quản lý phương tiện, quản lý lưu thông, góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Hơn nữa, hiện tại đang quy định xe hai bánh sử dụng điện thành xe đạp, xe máy và mô tô điện là bất hợp lý, chỉ nên phân loại thành xe máy điện và mô tô điện. Điều này đồng nghĩa với việc thay đổi cách quản lý đối với xe đạp điện hiện nay, quản lý như xe máy (dùng xăng) có phân khối dưới 50cc để người điều khiển phải trang bị, tuân thủ quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm.

Theo ghi nhận, trên thị trường xe đạp điện, xe máy điện tại Hà Nội đang tồn tại một số bất cập về loại xe dễ khiến cho người tiêu dùng hiểu sai, đặc biệt là loại xe điện mà giới kinh doanh gọi là xe “bò nhỏ”. Các cơ sở lắp ráp đã lách luật để “biến hoá” xe máy điện thấp cấp thành xe đạp điện cao cấp nhằm thu lời. Đáng nói là những xe này không có giấy tờ chứng nhận là xe máy điện nên khi mua, người tiêu dùng được quảng cáo là không phải làm thủ tục đăng ký biển số.

Do những bất cập nêu trên, việc quản lý chặt xe đạp điện là cần thiết.


XUÂN TÙNG
Ý kiến của bạn