Lễ phát động hưởng ứng "Ngày Asean phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 14 năm 2024" của quận Ba Đình được tổ chức tại trường Tiểu học Vạn Phúc (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) với sự than gia của ông Bùi Văn Hào - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, bà Phạm Thị Diễm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cùng các lãnh đạo Phòng, Ban, đơn vị và đại diện UBND 14 phường thuộc quận Ba Đình.
Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Lã Ngọc Sang - Trưởng phòng y tế quận Ba Đình cho biết: "Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn quận có 27 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 tăng 20 ca bệnh, phân bố tại 11/14 phường trên địa bàn quận; 3/14 phường chưa ghi nhận ca mắc (Điện Biên, Giảng Võ, Thành Công)".
Ông Sang nhận định, tình hình dịch sốt xuất huyết trên toàn thành phố Hà Nội cũng như trên địa bàn quận Ba Đình có xu hướng tăng nhanh về số ca mắc trong 3 năm gần đây. Để đảm bảo an toàn, khống chế dịch bệnh lây lan, quận Ba Đình đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên người tại 14/14 phường. Đồng thời kiện toàn 141 Tổ giám sát với 428 thành viên tham gia, 784 Đội xung kích với 1.826 người tham gia và mạng lưới 310 cộng tác viên tại cơ sở.
Cũng đánh giá về tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Bùi Văn Hào, Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng tình hình sốt xuất huyết năm nay vẫn có những diễn biến phức tạp và công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn. Đặc biệt trong các tháng tới số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng.
Theo ông Hào, để phòng ngừa dịch sốt xuất huyết, quận Ba Đình nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung cần chủ động trong công tác diệt bọ gậy, không để ao tù, nước đọng, thay nước định kỳ, ngăn chặn muỗi đẻ trứng. "Thậm chí việc này phải tiến hành thường xuyên, trở thành công việc thường ngày và thói quen của người dân mới mong công tác phòng chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả", ông Hào khẳng định.
Kết thúc buổi lễ, bà Phạm Thị Diễm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình phát biểu hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2024. Theo đó, lãnh đạo quận Ba Đình khuyến cáo mỗi hộ dân dành ít nhất 10 phút mỗi ngày, mỗi tuần để tự tìm, phát hiện và xử lý ổ bọ gậy tại chính hộ gia đình mình. Bên cạnh đó, phải ngăn muỗi đẻ trứng bằng cách dọn sạch sẽ các dụng cụ chứa nước hoặc đậy kín khi không sử dụng.
Ngoài ra, khi bị sốt cao liên tục trên 2 ngày, người dân cần thông báo ngay với trạm y tế địa phương để được hướng dẫn, khám, điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Một số hình ảnh trong lễ phát động ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết tại quận Ba Đình, Hà Nội:
Trước đó, vào ngày 6/6, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đan Phượng tổ chức phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2024.
Tại buổi phát động, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Vũ Cao Cương nhận định nhiều năm nay, Hà Nội luôn là địa phương có dịch sốt xuất huyết lưu hành cao. Các địa phương là "điểm nóng" về sốt xuất huyết của thành phố có nhiều yếu tố nguy cơ như: Các công trình xây dựng nhiều, các khu nhà trọ, lán trại tập trung khó kiểm soát, nhiều khu đất bỏ hoang chứa phế thải đọng nước không được xử lý đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, các khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết hằng năm diễn biến phức tạp cả ở các quận nội thành và các huyện ngoại thành. Đặc biệt, các huyện vùng ven tiếp giáp như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai… đều ghi nhận số mắc cao. Riêng năm 2023 toàn thành phố có hơn 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao nhất từ trước tới nay. Từ đầu năm 2024 đến ngày 24-5, thành phố đã ghi nhận 690 ca bệnh tại 30/30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Xem thêm video được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 13/6.