Quần âu giúp người teo cơ di chuyển
Các kỹ sư tại Đại học Bristol, Anh đã sáng tạo quần dài với cơ bắp nhân tạo để hỗ trợ cơ bắp chân yếu ở người cao tuổi và những người khuyết tật, giúp họ có thể di chuyển, đi lại dễ dàng. Ngoài chức năng hỗ trợ cơ bắp, loại quần này còn được trang bị cảm biến để phát hiện xem người đeo đang di chuyển hay đứng yên. Khi cảm biến cảm nhận chuyển động, những túi nhựa được gắn ở mỗi chân sẽ phồng lên, làm cho bao chặt quanh các khớp hoặc cơ bắp giúp chúng vững vàng hơn khi người mặc cần hoạt động như đứng lên hay di chuyển. BS. Tim Allardyce - một nhà vật lý trị liệu tại Anh cho biết, ông đã gặp nhiều bệnh nhân gặp khó khăn khi đi bộ, đứng hay rời khỏi ghế do teo cơ và viêm khớp, chứng bệnh thường gặp và tăng dần theo tuổi thọ của con người nhưng khi được trang bị loại quần này, họ có thể thực hiện những việc này một cách dễ dàng hơn, đồng nghĩa với việc họ tự chủ hơn trong cuộc sống của mình.
Áo ngực cảnh báo nguy cơ ung thư vú
Hiện nay, các nhà khoa học từ Higia Technologies của Anh đang thử nghiệm loại áo ngực có thể phát hiện ung thư vú và so sánh nó với các kỹ thuật cận lâm sàng thông thường chụp Xquang và sinh thiết tuyến vú. Theo đó, loại áo ngực này được chế tạo với loại cảm biến được gắn ở mỗi bên ngực để phát hiện những thay đổi trong nhiệt độ của da - một dấu hiệu nhận biết sớm khối u. Margaret Wexler - người đứng đầu về nghiên cứu khoa học tại Breast Cancer UK cho biết, khi các tế bào ung thư phát triển, nhiệt độ da tăng lên do lưu lượng máu và sự trao đổi chất cao hơn. Sau đó, thông tin từ cảm biến được gửi đến một ứng dụng trên điện thoại và sẽ có cảnh báo nếu có bất thường. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy điều này là tốt trong việc phát hiện ung thư vú sớm. Ngay cả khi áo ngực này được chứng minh là có hiệu quả thì người bệnh vẫn cần phải thực hiện thêm những kiểm tra sức khỏe khác để chẩn đoán bệnh ung thư như xem xét những khối u bất thường, những thay đổi về hình thái hoặc mủ chảy ra từ núm vú...
Áo phông gắn cảm biến theo dõi bệnh hô hấp như hen suyễn, ngưng thở khi ngủ...
Tất phát hiện vết loét chân
Một vấn đề lâu dài đối với những người mắc bệnh đái tháo đường là mức đường trong máu cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở chân, làm giảm độ nhạy cảm. Kết quả là mọi chấn thương không được phát hiện sớm, dẫn đến loét, có trường hợp phải cắt cụt chân. Để hạn chế điều này, các nhà khoa học Anh đã sản xuất loại tất có gắn cảm biến nhỏ trong vải để đo nhiệt độ liên tục trên 6 điểm của bàn chân. Nếu nhiệt độ tăng thì nó có thể biểu hiện tình trạng viêm do chấn thương. Dữ liệu này được gửi không dây đến điện thoại và cảnh báo nếu rủi ro được xác định. Theo chuyên gia Dan Howarth thuộc tổ chức từ thiện Đái tháo đường của Anh, loại tất này có thể phù hợp với một số trường hợp nhưng họ không bao giờ nên tin tưởng hoàn toàn vào loại tất này mà bỏ lỡ một cuộc kiểm tra chân kỹ lưỡng vì một số vấn đề ban đầu có thể bị bỏ qua như mụn nước hoặc tổn thương móng...
Áo phông theo dõi hô hấp
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Laval ở Canada đang phát triển loại áo phông có chứa cảm biến như một cách để chẩn đoán và theo dõi các vấn đề hô hấp như hen suyễn, ngưng thở khi ngủ (ngừng thở tạm thời trong khi ngủ) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Theo đó, có một ăng-ten được làm từ sợi dây cáp quang được nhúng ở giữa áo phông, giúp xác định chuyển động của thành ngực và ghi lại nhịp thở của người đeo. Dữ liệu này được truyền tải không dây đến máy tính, cho phép bác sĩ phát hiện những bất thường. Nick Hopkinson - bác sĩ tại Bệnh viện Hoàng gia Brompton ở London, Anh cho biết, chiếc áo này sẽ giúp cho người bị bệnh phổi được giám sát tại nhà mà không cần đến phòng khám thường xuyên. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để xem liệu chiếc áo phông này có thể chẩn đoán chính xác vấn đề của người bệnh không.
Thắt lưng chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Bằng cách sử dụng thiết bị nghe tinh vi, các nhà khoa học đã phát triển một thắt lưng ghi lại âm thanh hoạt động khác lạ của hệ tiêu hóa để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích (IBS). Do đó, chiếc thắt lưng này được thiết kế có micro và phần mềm nhận ra những âm thanh khác biệt mà ruột tạo ra khi nó co bóp và thư giãn ở những người có IBS. Trong các thử nghiệm trên một nhóm nhỏ người mặc một mẫu thử nghiệm (được phát triển bởi dự án The Noisy Guts tại Đại học Tây Úc) trong khi ăn chay và sau bữa ăn, nó có thể xác định 87% bệnh nhân được chẩn đoán trước đó với IBS. Tuy nhiên, TS. Ayesha Akbar - chuyên khoa tiêu hóa tại Trung tâm tiêu hóa London cho biết, có rất nhiều lý do tại sao ruột tạo ra âm thanh ùng ục khi người đó bị căng thẳng hay chỉ là đói hoặc do dùng thuốc nên để phân biệt một “tiếng ồn” nhất định để chẩn đoán IBS sẽ khó khăn và không biết liệu chiếc thắt lưng này có đảm bảo sự chính xác hay không.