Quái chiêu giả điên sau khi gây án để trốn tội

20-06-2016 13:58 | Pháp luật
google news

SKĐS - Sử dụng thủ đoạn “giả điên” sau khi gây ra các vụ án nghiêm trọng về hình sự, ma túy đang được nhiều đối tượng tội phạm áp dụng nhằm đối phó với việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Sử dụng thủ đoạn “giả điên” sau khi gây ra các vụ án nghiêm trọng về hình sự, ma túy đang được nhiều đối tượng tội phạm áp dụng nhằm đối phó với việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Qua đây có thể thấy sự tinh vi của tội phạm là không có giới hạn khi chúng sẵn sàng biến mình thành kẻ điên để trốn tránh tội ác. Thực trạng này đã và đang gây bức xúc trong nhân dân cũng như đối với cơ quan công an trong điều tra, xử lý các vụ án.

Ðang điều trị bệnh tâm thần... vẫn buôn bán ma túy

Một đối tượng lợi dụng bệnh án tâm thần để tránh né việc xử lý của các cơ quan chức năng sau khi phạm tội là Hoàng Thế Bảo (SN 1982, ĐKHK tại xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cũng đã bị Công an TP. Hà Nội vạch trần. Mặc dù các đầu mối có quan hệ làm ăn với Bảo đã bị bắt giữ nhưng với “bùa hộ mệnh” là bệnh nhân đang điều trị bắt buộc tại bệnh viện tâm thần, trùm ma túy Hoàng Thế Bảo không dừng lại mà tiếp tục mua bán ma túy với các đối tượng ở ngoài. Liều lĩnh hơn, Bảo trực tiếp trốn bệnh viện ra ngoài vận chuyển ma túy với số lượng lớn.

Nguyễn Ngọc Bình tức Ngọc “chập” bị cơ quan công an bắt giữ.

Sau khi bắt giữ Hoàng Thế Bảo, Cơ quan CSĐT, Công an TP. Hà Nội đã đưa Bảo tới Viện Pháp y tâm thần Trung ương để giám định tâm thần. Ngày 19/4/2016, Viện Pháp y tâm thần Trung ương có kết luận giám định, xác định: Trước khi phạm tội (từ ngày 6/5/2015), trong khi phạm tội (từ ngày 28/6/2015 và 29/6/2015) và sau khi phạm tội, Hoàng Thế Bảo có bệnh trầm cảm tái diễn giai đoạn thuyên giảm. Bị can Hoàng Thế Bảo đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Căn cứ tài liệu, chứng cứ điều tra thu thập được, Cơ quan CSĐT, Công an TP. Hà Nội đã kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đề nghị truy tố Hoàng Thế Bảo về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” theo Khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Cứ bị bắt là giả điên

Một trong những đối tượng sử dụng chiêu bài giả điên hòng trốn tội là Nguyễn Ngọc Bình tức Ngọc “chập” (SN 1970, ở Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội). Gọi là Ngọc “chập” nhưng thực tế thì người đàn bà này lại rất khôn ngoan, ma mãnh, xảo quyệt.

Có tới 3 bản án về tội mua bán trái phép ma túy nhưng Bình chưa thi hành một bản án nào bởi “bảo bối” bệnh án tâm thần. Theo Cơ quan CSĐT, Công an TP. Hà Nội, lần phát bệnh... tâm thần đầu tiên của Bình là từ năm 2001. Khi đó, Bình phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy, bị TAND TP. Hà Nội xử 78 tháng tù giam. Nhưng vì Bình có bệnh án điều trị tâm thần nên thay vì thi hành án trong trại giam, Bình được đi chữa bệnh bắt buộc. Đến đầu năm 2012, nữ quái tiếp tục phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật” bị Cơ quan CSĐT, Công an TP. Hà Nội bắt giữ cùng đám đàn em, nhưng Bình lại “thoát” việc thi hành án bởi bệnh án tâm thần phân liệt. Tiếp đó, đến tháng 5/2014, Bình thuê cùng lúc 3 căn hộ tại một chung cư mini ở tổ 38 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy thành ổ tệ nạn, tụ tập các đối tượng nghiện ma túy. Sau nhiều ngày theo dõi, Công an quận Cầu Giấy đã tổ chức bắt quả tang ổ nghiện hút này, tạm giữ 9 đối tượng đang “phê” ma túy, thu 274,750 gam ma túy các loại, trong đó có 200 viên ma túy tổng hợp, ma túy đá, cân tiểu ly... Trong lúc Cơ quan công an thực hiện việc bắt quả tang, Nguyễn Ngọc Bình lại lên cơn... tâm thần nên một lần nữa lại “né” được việc vào trại. Một điều tra viên cho biết, quy luật của bà trùm ma túy này như sau: Phạm tội, có bệnh án tâm thần nên được đi chữa bệnh bắt buộc. Hết đợt chữa bệnh, ra ngoài lại tiếp tục buôn bán ma túy. Bị bắt, lại đi chữa bệnh tâm thần... Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Bình thể hiện bệnh tâm thần bằng “võ cắn”. Khi bị Cơ quan công an bắt giữ, Bình lập tức phát bệnh... cắn người. Trong thời gian tạm giữ, tạm giam, Bình nhằm phạm nhân cùng buồng mà cắn. Hỏi tại sao lại cắn, Bình ra vẻ ngây ngô, mặt tỉnh bơ: “Em tưởng nó là... chó”.

Ðừng để bệnh án tâm thần thành “bùa hộ mệnh” của tội phạm

Không chỉ có tội phạm ma túy, thời gian gần đây, ở Hà Nội và nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng nhiều tội phạm hình sự thuộc diện giang hồ cộm cán bỗng dưng... tâm thần sau khi gây ra các hành vi nguy hiểm như siết nợ tín dụng đen, sử dụng hung khí, vũ khí “nóng” đánh chém, truy sát người.

Theo luật sư Hoàng Nguyên Bình, Văn phòng Luật sư Bình An (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), theo quy định của Bộ luật Hình sự thì những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng nêu trên trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đây chính là chính sách khoan hồng thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với đối tượng mắc bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội mà không kiểm soát, điều khiển được hành vi của mình. Thế nhưng thực tế trong thời gian qua, đã có một số đối tượng phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt cao như tội giết người, tội phạm ma túy, kinh tế... đã lợi dụng chính sách nhân đạo này, dùng bệnh án tâm thần để đối phó với các cơ quan pháp luật, trốn tránh việc thi hành án, thậm chí liên tiếp gây án...

Để xử lý loại tội phạm lợi dụng bệnh án tâm thần, giả điên nhằm mục đích thoát khung hình phạt cao nhất, trì hoãn, né tránh việc thi hành án hoặc để được miễn trách nhiệm hình sự, thiết nghĩ các cơ quan thực thi pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và công tác giám định của hội đồng giám định pháp y cần nâng cao trách nhiệm, nhằm ngăn chặn triệt để thực trạng này, đảm bảo tình hình trật tự an toàn xã hội cho người dân.


V.Hương - M.Khoa
Ý kiến của bạn