1. Nguyên nhân gây bệnh quai bị
Bệnh quai bị do virus gây nên, bệnh có tên là virus quai bị (Mumps virus), thuộc giống Rubulavirus, họ Paramyxoviridae. Khả năng tồn tại của virus có thể khá lâu ở môi trường ngoài cơ thể: Từ 30 – 60 ngày ở nhiệt độ 15 – 20 độ C, khoảng 1 - 2 năm ở nhiệt độ âm sâu (- 25 tới - 700C). Virus bị diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 56 độ C, hoặc dưới tác động của tia tử ngoại, ánh sáng mặt trời và những hóa chất khử khuẩn chứa clo hoạt và các chất khử khuẩn bệnh viện thường dùng.
Ở nước ta bệnh quai bị có thể tản phát quanh năm, tuy nhiên thường gặp hơn vào các tháng thu - đông. Khí hậu mát, lạnh và khô hanh giúp cho bệnh quai bị có thể lan truyền mạnh hơn. Dịch quai bị thường xảy ra trong nhóm trẻ em đi nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc trường phổ thông, cũng có thể gặp trên nhóm trẻ lớn hoặc thanh niên và người lớn tuổi với tỷ lệ thấp hơn, thường là các trường hợp tản phát. Tỷ lệ mắc ở nam giới thường cao hơn nữ.
2. Đường lây truyền bệnh quai bị
Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên.
Virus có trong các hạt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện... Người lành hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Những hạt nước bọt chứa virus sống gây bệnh kích thước nhỏ, có thể phát tán mạnh trong phạm vi 1,5 m. Những hạt cực nhỏ, dạng khí dung có thể bay lơ lửng nhiều giờ trong không khí ở những không gian kín, gặp gió các hạt khí dung chứa virus có thể phát tán xa hơn.
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần, trung bình 18 ngày. Thời kỳ lây truyền virus quai bị có trong nước bọt của người bệnh trước khi khởi phát từ 3 đến 5 ngày và sau khởi phát từ 7 đến 10 ngày, khoảng thời gian này chính là giai đoạn lây truyền của bệnh. Trong đó, một tuần xung quanh ngày khởi phát là thời gian lây truyền bệnh mạnh mẽ nhất. Ngoài trú ngụ trong nước bọt, virus quai bị còn có trong nước tiểu người bệnh trong vòng 2 tuần.
3. Biểu hiện của bệnh quai bị
Triệu chứng của bệnh quai bị thường xuất hiện từ 2 đến 3 tuần sau khi bị nhiễm virus, sau đó giảm dần trong tuần tiếp theo.
- Sưng đau ở một hoặc cả hai tuyến nước bọt mang tai (ở vùng má và hàm) là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh.
- Tình trạng sưng đau có thể diễn biến nặng đến mức phần góc của xương hàm dưới mang tai không còn nhìn thấy được.
- Một bên mang tai có thể bị sưng trước bên kia và có khoảng 25% người bệnh quai bị chỉ sưng một bên. Trong một số trường hợp ít gặp, các tuyến nước bọt ở hàm dưới và dưới lưỡi cũng có thể sưng đau.
Triệu chứng của bệnh quai bị đôi khi bị nhầm lẫn với sưng hạch bạch huyết hay sưng tuyến nước bọt do bệnh cúm.
Ngoài triệu chứng sưng đau điển hình ra, một số triệu chứng không điển hình có thể xuất hiện trước đó như:
- Sốt nhẹ kéo dài 3 đến 4 ngày.
- Đau đầu.
- Đau cơ.
- Chán ăn.
- Mệt mỏi.
Một số người nhiễm virus quai bị chỉ biểu hiện một số triệu chứng không đặc hiệu, thậm chí không có triệu chứng.
4. Biến chứng bệnh quai bị
Bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp, nhưng thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể gặp các biến chứng sau:
- Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thừng. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3 - 7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.
- Nhồi máu phổi: Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.
- Viêm buồng trứng: Có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh.
- Viêm tụy: Có tỷ lệ 3% - 7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.
- Các tổn thương thần kinh: Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.
Một số biến chứng khác: Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.
5. Phòng bệnh quai bị
Phương pháp hiệu quả, tiết kiệm và an toàn nhất để dự phòng bệnh quai bị là tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch. Tất cả các đối tượng từ trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành chưa có miễn dịch cần tiêm chủng phòng ngừa bệnh quai bị.
Vaccine phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh kháng thể kháng quai bị, kháng thể đạt mức độ cao nhất sau khi tiêm chủng 6 – 7 tuần.
- Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi: Tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4 - 12 tuổi.
- Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi: Tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi, lần 2 từ 4 - 12 tuổi.
Tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng chưa có tiền sử mắc quai bị và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị. Trong trường hợp không có chống chỉ định, vaccine cần được tiêm không muộn hơn 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với bệnh nhân.
6. Phương pháp điều trị bệnh quai bị
Hiện nay, bệnh quai bị vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ là điều trị triệu chứng. Khi phát hiện bệnh, nên cách ly người bệnh trong khoảng 2 tuần.
Trong trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể được cách ly và điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của các cơ sở y tế. Trong thời gian cách ly, bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc, thường xuyên đeo khẩu trang.
Đồ dùng cá nhân của người bệnh và dụng cụ y tế có liên quan cần phải được khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin 2% hoặc các chất khử khuẩn khác. Sau khi hết thời gian cách ly, các dụng cụ cá nhân của người bệnh và buồng bệnh cần được khử khuẩn lần cuối để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Những thói quen sinh hoạt cùng các phương pháp hỗ trợ sau có thể giúp giảm triệu chứng của bệnh quai bị:
- Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh vận động mạnh.
- Uống nhiều nước, tránh nước ép trái cây có vị chua, vì sẽ làm kích thích tuyến nước bọt, khiến tình trạng bệnh xấu đi.
- Chườm lạnh có thể giúp xoa dịu cơn đau.
- Chườm ấm và dùng thêm thuốc Paracetamol có thể giúp hạ sốt.
- Giữ vệ sinh vòm họng bằng cách súc nước muối sinh lý, nước muối ấm hay nước súc miệng.
- Ăn thức ăn mềm hoặc lỏng, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và cần tránh những loại thức ăn có tính axit xitric như cam, chanh, bưởi... những loại thức ăn cay, những loại thức ăn làm từ nếp và thịt gà.
- Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung thêm những loại rau xanh, dưa đỏ...
- Vệ sinh môi trường sống, làm thông thoáng nhà ở, tận dụng ánh sáng mặt trời.