Vừa qua, một học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Lợi (Đăk Lăk) học tiết Giáo dục thể chất với các bài học chạy ngắn, chạy bền. Trong lúc lớp chạy bền được khoảng 250m, nữ sinh này đi bộ để về đích và có biểu hiện loạng choạng rồi ngã xuống. Lúc này, thầy giáo cho học sinh gọi bộ phận y tế của nhà trường tiến hành sơ cứu theo nghiệp vụ, đồng thời gọi xe cấp cứu và báo cho gia đình em H. Nữ sinh được đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Lợi, trước thời điểm xảy ra sự việc, nữ sinh hoàn toàn khỏe mạnh, đi học bình thường. Tuy nhiên, sau đó các bác sĩ cho biết, nữ sinh mắc bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.
Nên tập môn Thể dục thế nào để an toàn?
Thực tế, nhiều trường học yêu cầu học sinh học môn Thể dục nhằm đạt mục tiêu giáo dục toàn diện nhưng chưa quan tâm đúng mức đến tình trạng sức khỏe của từng học sinh. Học sinh dù khỏe hay yếu vẫn phải tập cùng một chương trình thể dục và phải đúng thời khóa biểu, trong khi có những học sinh không đảm bảo sức khỏe để tập luyện.
Vậy với các em học sinh mắc bệnh tim mạch và những bệnh khác nên tập môn Thể dục như thế nào?
Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, thầy Nghiêm Xuân Hùng (giáo viên dạy môn Thể dục Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, trong các môn thể dục nói chung và môn chạy bền nói riêng thì yêu cầu phù hợp cho từng đối tượng là rất quan trọng. Học sinh nam khỏe chạy bao nhiêu mét, nam yếu bao nhiêu mét, nữ khỏe bao nhiêu mét, nữ yếu bao nhiêu mét… tức là lượng vận động phải hợp lý, phù hợp với đối tượng để học sinh không bị chấn thương, ngất xỉu do quá sức trong quá trình luyện tập.
Về phương pháp luyện tập cho học sinh, theo thầy Nghiêm, trong quá trình dạy, giáo viên thể dục cần tìm hiểu từng đối tượng học sinh có mắc bệnh lý gì không. Nếu em nào có bệnh lý thì cần đánh dấu vào sổ để lưu ý.
Trường hợp học sinh bị bệnh lý tim mạch, hô hấp… cần có chế độ tập luyện đặc biệt, không phải gắng sức. Các em sẽ chỉ khởi động nhẹ nhàng, lượng vận động sẽ được ưu tiên và miễn nội dung hoạt động mạnh.
"Những em thuộc đối tượng này chỉ tập thiên về kỹ thuật, chạy bộ nhẹ nhàng và không tính giây, không bắt các em chạy hết sức và thường đối tượng này sẽ được miễn nếu học sinh có bệnh án hoặc giấy chứng nhận do bệnh viện cấp và có đơn xin miễn môn này gửi trường.
Trong quá trình tập luyện nếu thấy mặt các em biến sắc thì cho dừng lại ngay. Với những em có biểu hiện loạng choạng rồi ngã thì cần sơ cứu kịp thời rồi gọi bộ phận y tế của nhà trường tiến hành sơ cứu theo nghiệp vụ, đồng thời gọi xe cấp cứu và đưa đến bệnh viện", thầy Hùng nói.
Thầy Hùng cho biết thêm, khi thời tiết nắng nóng gay gắt thì thầy cô cũng nên linh hoạt lựa chọn các môn thể thao cho học sinh tập luyện hoặc cho học sinh hoạt động thể thao ở nơi có bóng mát, có mái che và đặc biệt là dặn học sinh bổ sung nhiều nước.
Những lợi ích mà tập thể dục mang lại
Nhiều người nghĩ rằng luyện tập thể dục thể thao đơn giản chỉ là để thư giãn và rèn luyện cơ bắp, tuy nhiên, thực tế cho thấy luyện tập thể dục thể thao còn có nhiều lợi ích khác nữa. Vì chưa biết đến tác dụng của việc tập luyện thể dục thể thao nên nhiều người chưa coi trọng, trong đó có một bộ phận không nhỏ học sinh có tâm lý luyện tập.
Thầy Hùng cho rằng, tập thể dục mang lại rất nhiều lợi ích cho học sinh.
Thứ nhất, thể dục thể thao góp phần hình thành nhân cách học sinh, giúp học sinh có được sức khỏe tốt, từ đó có thể học tập tốt và tham gia các hoạt động ở nhà trường đạt hiệu quả cao hơn. Thể dục thể thao góp phần nâng cao chất lượng giáo dục giúp các em trở thành con người có ích cho xã hội.
Khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao đòi hỏi học sinh phải có tính kỷ luật cao, tinh thần và trách nhiệm trước tập thể, tác phong nhanh nhẹn, sự cố gắng, tính thật thà, trung thực… Vì vậy, thể dục thể thao góp phần giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách học sinh. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên có kế hoạch giúp các em có một nếp sống lành mạnh vui tươi, học tập và làm việc khoa học.
Thứ hai, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đúng phương pháp khoa học sẽ làm cho cơ thể phát triển, thể hiện ở sức nhanh, sức bền độ đàn hồi và linh hoạt của cơ tăng lên.
Thứ ba, tập luyện thể dục thể thao còn giúp làm tăng hệ thống miễn dịch, tốt cho tim, có một thân hình thon thả, làm giảm stress, giúp tăng cường trí nhớ…
Một số người bị bệnh tim tiềm ẩn nhưng sức khỏe không có biểu hiện gì bất thường. Đột tử có thể xảy ra với bất kỳ độ tuổi nào.
Theo TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do ngừng tim, nhồi máu cơ tim. Để phòng ngừa đột tử, mọi người cần theo dõi sức khỏe, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp, kịp thời thăm khám để được tư vấn.
Người mắc bệnh tim mạch nên tập luyện thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày 15 - 30 phút như tập yoga, đi bộ, bơi; không tập ngoài trời khi thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng.