Hà Nội

Qua vụ lừa đảo khoá tu mùa hè, phụ huynh cẩn trọng để tránh 'sập bẫy'

20-03-2024 12:29 | Xã hội

SKĐS - Chỉ 2 tháng nữa là kết thúc năm học, nhu cầu đăng ký cho con tham gia các khoá tu mùa hè, trại hè… được quảng cáo rầm rộ trên khắp mạng xã hội. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của phụ huynh.

Hàng loạt chiêu trò lừa đảo khoá tu mùa hè, nhiều phụ huynh đã "dính bẫy"

Mới đây, Công an TP.Hà Nội cho biết, một phụ nữ tên H. đã "sập bẫy" khoá tu mùa hè và bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng. Cụ thể, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H. có kết nối với tài khoản Facebook "Tu Sinh Mùa Hè" để đăng ký. Đối tượng đưa chị H. vào nhóm trên mạng xã hội Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy, vì họ là nhà tài trợ chính cho khóa tu.

Khi mua vật phẩm, sau 3 - 5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền phụ huynh sẽ mua. Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền vật phẩm, chị H. được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do: sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, hoàn thành điểm tín nhiệm. Chỉ trong vòng 2 ngày, chị H. đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.

Qua vụ lừa đảo khoá tu mùa hè, phụ huynh cẩn trọng để tránh 'sập bẫy'- Ảnh 1.

Công an TP. Hà Nội cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo "Khoá tu mùa hè 2024".

Một vụ việc khác cũng xảy ra tại Hà Nội vào cuối tháng 2 năm nay, Công an thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) đã tiếp nhận đơn trình báo của chị N. về việc có lên mạng xã hội Facebook để tìm hiểu và đăng ký cho con làm người mẫu ảnh nhí. Với lời mời chào hấp dẫn, chị N. đã bị dẫn dụ làm nhiệm vụ mua sản phẩm, sau đó mới được đăng ký cho con làm người mẫu ảnh nhí. Chị N. đã đến cơ quan công an trình báo khi chị đã chuyển 11 lần với số tiền hơn 300 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng đã không được hoàn lại.

Hay như vào năm ngoái, dư luận bàng hoàng trước vụ việc "trải nghiệm kinh hoàng" tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà (xã Cự Khê, H. Thanh Oai, Hà Nội). Cụ thể, một tài khoản đăng bài viết trên mạng xã hội về việc gia đình đăng ký khóa tu mùa hè 5 ngày cho con tại chùa Cự Đà để con trải nghiệm. Ban tổ chức quy định không được liên lạc hay gọi điện thoại để các con khỏi nhớ nhà.

Tài khoản viết: "Đến ngày thứ 5, tôi tới đón con thì sốc bởi nhìn con quần áo, người ngợm bẩn thỉu, hôi hám, chân tay muỗi đốt chi chít. Hỏi ra mới biết là ở chùa đông lắm, tắm sau là hết nước nên con không tắm được". Sau đó, gia đình còn phát hiện tay trái của con bị sưng to chỗ khủy tay và tay bất thường nên hỏi. Con chị cho biết ở chùa đã xảy ra xô xát và bị bạn dùng ghế gỗ đập vào đầu và tay. Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, các khóa tu hè cũng đã tạm dừng để kiểm tra điều kiện.

Nhiều sự cố về lừa đảo và chiếm đoạt tiền của phụ huynh cũng như những trải nghiệm kinh hoàng về khoá tu mùa hè như trên là bài học để phụ huynh cẩn trọng hơn khi tìm hiểu, đăng ký cho con tham gia sinh hoạt vào mùa hè này.

Có nên cho trẻ học khoá tu mùa hè không?

Trước thông tin về các khóa tu mùa hè, khóa tu ngắn hạn nở rộ trên mạng xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có cảnh báo: Hiện nay có nhiều đối tượng lợi dụng uy tín và hình ảnh của Phật giáo nhằm kêu gọi tham gia khóa tu mùa hè đăng ký qua các nền tảng mạng xã hội bằng nhiều hình thức như: website, fanpage, hội nhóm trên nền tảng Facebook, Zalo… sau đó lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

"Với hành vi lừa đảo tinh vi thông qua việc giả mạo chữ ký của chư Tôn đức lãnh đạo GHPGVN, tự ý lợi dụng hình ảnh và thông tin của các cơ sở tự viện Phật giáo trong cả nước để thu hút sự tham gia của cộng đồng, đăng tải thông tin tài khoản để kêu gọi chuyển tiền bằng nhiều hình thức. Đây là hình thức lừa đảo, hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức, diễn biến phức tạp trên phạm vi diện rộng và đã có nhiều trường hợp là nạn nhân của các đối tượng này", thông báo chỉ rõ.

Về phía Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu các thông tin về các khóa học trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.

Tư vấn cho phụ huynh về vấn đề này, chuyên gia giáo dục - PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc nở rộ các khóa học kỹ năng sống, trại hè... dành cho trẻ là một xu hướng, nhu cầu phát triển của xã hội. "Việc cho con tham gia những khóa học kỹ năng, trại hè cũng là một giải pháp tình thế giúp phụ huynh yên tâm hơn, nhưng đây cũng chính là tâm lý khiến nhiều bậc phụ huynh rất dễ bị những cá nhân, tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống, trại hè lừa đảo nhằm trục lợi".

Theo chuyên gia giáo dục, để nhận diện những khóa học, chương trình có chất lượng, các bậc phụ huynh cần chọn các khóa học kỹ năng hay chương trình do những đơn vị có tư cách pháp nhân tổ chức, những tổ chức giáo dục đã hoạt động lâu dài ở Việt Nam, có uy tín, lựa chọn nội dung, chương trình của khóa học phù hợp, có tính giáo dục cao, nên tham khảo đánh giá chất lượng từ các khóa trước.

Qua vụ lừa đảo khoá tu mùa hè, phụ huynh cẩn trọng để tránh 'sập bẫy'- Ảnh 2.

Để nhận diện những khóa học có chất lượng, phụ huynh cần chọn các khóa học kỹ năng hay chương trình do những đơn vị có tư cách pháp nhân tổ chức. Ảnh minh hoạ.

Còn theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, khóa tu là một hình thức sinh hoạt cộng đồng dành cho thanh thiếu niên trong chùa. Thời gian gần đây, các khóa tu được nhiều phụ huynh lựa chọn vì con em nghỉ học 2-3 tháng, bố mẹ bận đi làm, khó quản lý nên thường đăng ký cho con tham gia. Khóa tu ở chùa khác với các tổ chức khác là các em được sinh hoạt trong chùa, nghe các nhà sư truyền giáo và tham gia các hoạt động đặc thù trong tổ chức tôn giáo. Các em được tập trung ăn, ngủ, sinh hoạt theo quy định.

Để giúp phụ huynh "tỉnh táo" khi lựa chọn, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu nội dung, thành phần, thời gian, địa điểm, chi phí xem có phù hợp với nội dung mình đề ra rồi lựa chọn. "Phụ huynh cũng có thể đòi hỏi điều kiện tốt nhất cho con như chỉ cho phép chung độ tuổi với nhau, ăn uống, sinh hoạt đảm bảo, đông người quản lý. Càng yêu cầu cao thì chi phí càng cao.

Trường hợp nếu phụ huynh không cho con tham gia khóa tu hè thì có thể gửi con tham gia các hoạt động khác như học kỳ trong quân đội, học kỳ công an... Các khóa học này có ưu điểm là có kỷ luật, kinh nghiệm, điều kiện bài bản, chuyên nghiệp hơn".

Người phụ nữ bị lừa 2,8 tỷ vì sập bẫy khóa tu mùa hè cho conNgười phụ nữ bị lừa 2,8 tỷ vì sập bẫy khóa tu mùa hè cho con

SKĐS - Chị H kết nối với tài khoản facebook "Tu Sinh Mùa Hè" để đăng ký khoá tu mùa hè cho con, sau đó bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn