Tinh trùng được sinh ra từ đâu?
Tinh trùng được sinh ra tại các ống sinh tinh trong tinh hoàn. Sau đó, tinh trùng đi vào mào tinh để trải qua giai đoạn trưởng thành cuối cùng trước khi xuất tinh. Nếu không có hiện tượng phóng tinh, tinh trùng sẽ chết, thoái hóa và bị hấp thu bởi biểu mô của mào tinh.
Sinh tinh là một quá trình phức tạp, không phải chỉ riêng ở tinh hoàn mà còn phụ thuộc hoạt động của các tuyến nội tiết khác, đặc biệt là tuyến yên. Vì thế, mọi yếu tố tác động đến hệ thống này đều có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục và chất lượng tinh trùng.
Quá trình sinh tinh bắt đầu từ khi dậy thì và tiếp diễn liên tục cho tới khi chết. Đây là một quá trình rất hiệu quả với vài chục đến vài trăm triệu tinh trùng được sinh ra ở mỗi tinh hoàn. Tuy nhiên thụ tinh lại là quá trình không hiệu quả, khi hàng chục, hàng trăm tinh trùng được phóng vào đường sinh dục nữ nhưng cuối cùng chỉ có 1 tinh trùng là thụ tinh thực sự với trứng. Do vậy, nguy cơ vô sinh sẽ tăng cao nếu quá trình sinh tinh bị suy giảm kéo theo sự suy giảm về chất và lượng của tinh trùng.
Những yếu tố gây ảnh hưởng và bất thường trong quá trình sinh tinh
Các loại tế bào sinh tinh thường xuyên ở trong trạng thái gián phân hoặc giảm phân tích cực để đảm bảo cho quá trình sinh tinh liên tục. Do đó, các tế bào này rất nhạy với các thay đổi về vật lý, hóa học, sinh học bên trong và bên ngoài cơ thể. Những yếu tố này vì thế có nhiều nguy cơ ảnh hưởng và gây những bất thường trong quá trình sinh tinh.
Nhiều yếu tố của môi trường, yếu tố nội tại cơ thể đã được ghi nhận có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình sinh tinh.
Nội tiết vùng dưới đồi - tuyến yên
Khi hoạt động của vùng dưới đồi- tuyến yên bị suy yếu, không tiết đủ FSH để kích thích tinh hoàn sinh tinh trùng, hoặc vùng này lại tiết nhiều các hormone khác như prolactin sẽ làm giảm cường dương và sinh tinh.
Chế dinh dưỡng không khoa học, thiếu chất
Chế độ ăn thiếu chất: Tinh hoàn sẽ bị suy giảm chức năng gây giảm sinh tinh nếu chế độ dinh dưỡng của bạn thiếu: Vitamin A, vitamin E, một số acid béo, acid amin và kẽm. Đặc biệt nếu vitamin B có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh do ảnh hưởng trực tiếp lên tuyến yên và gián tiếp lên tinh hoàn.
Căng thẳng thần kinh, stress
Stress không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, thần kinh suy nhược mà còn tác động đến sự sản sinh tinh trùng ở nam giới. Các chuyên gia khuyên rằng, trong thời gian bị stress, các cặp vợ chồng không nên lên kế hoạch có con. Thay vào đó, cần tìm cách giải tỏa stress càng sớm, càng tốt. Việc bố trí thời gian nghỉ ngơi, thư giãn đóng vai trò quan trọng, giúp hồi phục sinh lực và tăng cường sức khỏe.
Bức xạ, sóng điện thoại di động
Sóng điện thoại di động có thể hủy hoại tinh trùng của nam giới nếu bạn sử dụng quá nhiều. Những người cho điện thoại di động vào túi quần và đeo ở thắt lưng thường xuyên sẽ bị giảm chất lượng tinh trùng. Sử dụng máy tính xách tay đặt lên đùi cũng làm giảm chất lượng tinh trùng.
Các tế bào sinh tinh trùng rất nhạy cảm với vùng phóng xạ. Xạ trị, tia X, các dạng phóng xạ khác cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất tinh trùng.
Nhiễm trùng, nhiễm độc
Nhiều nam giới vô sinh do giảm sinh tinh trùng sau biến chứng viêm tinh hoàn của bệnh quai bị. Biểu mô sinh tinh bị ảnh hưởng hay bị hủy hoàn toàn có thể do tác động trực tiếp của nhiễm trùng, do hiện tượng viêm, tăng nhiệt độ hoặc do giảm phản ứng miễn dịch sau khi hàng rào máu tinh hoàn bị phá hủy.
Quá trình sinh tinh trùng rất nhạy cảm với nhiều loại hóa chất có nguồn gốc công nghiệp và nông nghiệp. Nhiễm độc một số kim loại nặng như chì, cadmi và thủy ngân có thể gây giảm sinh tinh và gây vô sinh. Các thuốc trừ sâu, diệt cỏ có thể gây ảnh hưởng lên quá trình sinh tinh. Đặc biệt dioxin gây tác hại nguy hiểm cho quá trình sinh tinh và có thể gây vô sinh.
Các bệnh lý toàn thân
Các bệnh lý toàn thân đều ít nhiều có ảnh hưởng đến hoạt động của tinh hoàn, nhưng nhiều khi không được chú ý. Các tình trạng bệnh lý nặng như bỏng, nhồi máu cơ tim, chấn thương, phẫu thuật đều ức chế chức năng tinh hoàn. Suy thận mạn tính dẫn đến rối loạn điều hòa trục hạ đồi – tuyến yên và gián tiếp ức chế chức năng tinh hoàn. Suy gan mạn tính gây ra rối loạn nội tiết, dẫn đến giảm sinh tinh, teo tinh hoàn, nữ hóa, giảm chức năng sinh hoạt tình dục.
Các yếu tố khác
Người bị stress mạn tính, đi xe đạp thường xuyên, chơi thể thao quá sức, mặc quần áo bó sát … sẽ làm giảm khả năng sinh sản tinh trùng. Nam giới mắc chứng béo phì có nguy cơ bị rối loạn hoormon, suy giảm khả năng sinh sản.
Tuổi tác là một trong những chướng ngại lớn, bởi khi tuổi càng cao, thì số lượng và chất lượng tinh trùng càng bị giảm sút, do đó, tỉ lệ thụ thai cũng thấp.
Xem thêm video được quan tâm
Kẻ lạ mặt ném bom xăng vào người nữ chủ quán bán hàng ở Hải Phòng