Tên khoa học của táo ta là ziziphus mauritiana, thuộc họ Táo (Rhamnacaeae).
Đây là loại cây ăn quả, thân cây nhỏ có gai, cành thõng xuống, lá mọc so le. Mặt trên lá màu xanh lục và nhẵn, mặt dưới có lông, mép có răng cưa và 3 gân chạy dọc theo chiều lá dễ thấy, dài 2 - 7cm, rộng 0,75 - 1,5cm. Hoa trắng nhỏ có 5 cánh màu vàng nhạt tạo thành chùm ở kẽ nách lá. Quả hạch, vỏ ngoài nhẵn bóng, màu vàng xanh, thịt dày, vị ngọt. Tùy theo giống táo mà quả cũng to nhỏ khác nhau.
Đông y cho rằng, táo tính mát, vị ngọt, ra mồ hôi, dừng khát, giải nóng, trừ phiền, hòa tỳ, ngưng tả... Còn hạt táo phơi khô gọi là táo nhân. Hạt táo có vị ngọt hơi đắng, thơm, tính bình, có tác dụng an thần, tiêu viêm, chữa mất ngủ... Dùng lá táo đắp ngoài chữa lở loét, ung nhọt...
Y học hiện đại cũng đã phân tích thành phần dinh dưỡng trong táo thấy chứa nhiều dinh dưỡng và đặc biệt nhiều vitamin C. Một ngày nếu ăn 2 quả táo sẽ giúp cơ thể chống xơ hóa động mạch. Táo còn có thể điều tiết sự trao đổi natri và muối canxi trong cơ thể, làm tăng cường hưng phấn và sức co bóp của cơ trơn, khiến cho da dẻ trơn nhẵn, sắc mặt hồng hào. Vì nhiệt lượng trong táo thấp nên táo có thể trở thành món ăn cần thiết cho những người mắc chứng béo phì muốn giảm béo.
Những món ăn - bài thuốc từ táo
Chữa tim hồi hộp hay bị mất ngủ: lấy nhân táo giã nhỏ 1 - 2g, sắc uống trong ngày (trường hợp chữa mất ngủ thì phải sao cháy nhân táo trước khi sắc lấy nước thuốc uống).
Chữa lở loét, ung nhọt: lấy lá táo (lượng vừa đủ) rửa sạch, giã nát cho vài hạt muối giã cùng lấy đắp, rịt lên nơi mụn nhọt.
Chữa đau bụng do lạnh ở trẻ em: táo 5 quả, quan quế 10g, thịt dê 1.500g, đậu xanh 500g, gạo tẻ 500g, hương liệu 5g, muối ăn, rau thơm. Rửa sạch thịt dê, táo, đậu xanh bỏ vỏ, giã nhỏ cho vào nồi cùng thịt dê, đổ đủ nước. Nổi to lửa đun sôi, hạ lửa nấu thành canh, rồi lọc lấy nước cho vào nồi tra gạo, hương liệu, muối ăn vừa miệng, đun nhỏ lửa đến nhừ, cho rau thơm vào cháo, thái thịt dê thành miếng, múc cháo đầy bát, ăn thịt dê, húp cháo.
Dùng cho viêm dạ dày mạn, buồn nôn, khạc ra đờm, phân khô nhờ tác dụng làm thông dạ dày, hòa tỳ: táo 750g, trứng gà 3 quả, tinh bột 100g, bột mì một ít, đường trắng dầu hạt cải, dầu vừng. Rửa sạch táo rồi gọt bỏ vỏ, băm thành miếng trộn đều với bột mì cho vào bát nhỏ. Đập trứng gà vào đánh tan, bỏ tinh bột vào trộn đều thành bột sền sệt. Bắc chảo để nóng, đổ dầu cải bỏ bột này vào rán chín đều có màu vàng tươi thì vớt ra đặt vào bát. Lại lấy chảo sạch cho ít nước lã, bỏ đường trắng vào đánh tan, cho nhỏ lửa đến khi bọt đường ít và chuyển sang màu vàng mới thả miếng táo đã rán vào, đảo nhanh tay cho đều rồi đổ ra đĩa đã trộn dầu vừng là xong. Ăn ngày 1 - 2 lần.
Trị bệnh đi ngoài mạn, viêm kết tràng: hòa tan 15g bột táo khô vào nước, mỗi ngày ăn 2 - 3 lần trước bữa ăn.
Phòng bệnh động mạch vành: mỗi ngày chỉ cần ăn 1 quả táo là có thể làm giảm tới một nửa tỉ lệ tử vong ở những người mắc chứng động mạch vành tim. Đây là kết quả nghiên cứu trong 2 năm của một học giả người Hòa Lan sau khi có cuộc điều tra nghiên cứu dài kỳ trên 805 người ở độ tuổi từ 56 - 84 tuổi mắc chứng động mạch vành, những người này thường xuyên ăn mỗi ngày 1 quả táo thì tỉ lệ tử vong giảm hẳn một nửa so với những người không ăn táo.
Nguyên nhân là do trong một quả táo có chứa khoảng trên 30mg loại xêtôn chống oxy hóa mạnh có tác dụng ngăn cản quá trình xơ vữa động mạch vành trong cơ thể người. So với những người không ăn táo nhiều thì chỉ số chất này chỉ có 19mg lấy từ các nguồn thực phẩm khác nên đã không đủ lượng cần thiết để có thể tác dụng ngăn cản được quá trình gây xơ vữa thành mạch đông mạch.
Tuy nhiên, người ta cũng khuyên những người không thích ăn táo thì hàng ngày có thể ăn thay thế bằng các thức như hành tây, bắp cải, các loại quả có vỏ cứng, hay uống chút rượu nho đỏ đều đặn cũng có thể đạt được lượng chất chống oxy hóa cho cơ thể tương đương với một quả táo.
Những công dụng khác
Để làm hạ huyết áp, giảm béo mỗi tuần nên ăn 1 ngày táo. Theo các thầy thuốc, nên ăn một ngày táo trong tuần để trị chứng cao huyết áp động mạch. Lượng táo cần ăn trong ngày ấy là từ 300 - 400g táo mà không ăn các thức khác. Như vậy, sau năm ngày ăn táo tươi sẽ đạt một lượng táo tươi gần 2.000g sẽ hạ được huyết áp. Sau đó, căn cứ vào tình trạng huyết áp mà quyết định có ăn nữa hay thôi.
Còn ăn để giảm béo cũng ăn 1 ngày táo trong tuần, nên ăn 1.500 táo tươi trong 6 lần, mỗi lần ăn khoảng 250g. Kết quả nghiên cứu của ngoại bang cho thấy mỗi ngày ăn táo này đã làm giảm được 500g - 1.000g thể trọng. Mỗi đợt trị liệu là 18 ngày ăn táo tươi sẽ làm giảm được trọng lượng của cơ thể đáng kể.
Cũng theo tài liệu này lại có lời khuyên rằng: táo có vị chua hay ngọt có thể ăn sống hay chín. Cụ thể nếu như chữa bệnh đái tháo đường nên ăn táo có vị chua. Nếu trị bệnh tại huyết quản tim và chứng béo phì nên ăn táo ngọt. Chữa táo bón, hay chứng bướu cổ nên ăn táo nấu chín. Còn chữa đi ngoài do viêm kết tràng nên ăn táo sống xắt thành sợi. Cần diệt vi khuẩn trong khoang miệng thì ăn táo sống. Chữa ho và khản giọng nên uống nước táo tươi ép. Chữa thiếu máu cũng cần ăn táo sống hay nướng chín…
Người ta còn khuyên phụ nữ khi mang thai nên ăn táo để bổ sung chất kiềm và kali, vitamin, mặt khác có thể điều tiết sự cân bằng của dung dịch muối và chất điện giải để phòng ngừa hiện tượng nôn mửa quá nhiều dẫn tới trúng độc toan (axít).
Trong giai đoạn suy chức năng thận mạn dẫn đến thiểu niệu hoặc không đi được (vô niệu), để chống lại sự trầm trọng thêm của chứng tăng nitơ trong máu thì không sử dụng ngày ăn táo mà cần ăn các loại hoa quả chứa hàm lượng kali không cao, hoặc hàm lượng natri bình thường, lượng magiê ít như quả sơn tra, quýt...
Thường ngày sau mỗi bữa cơm cũng nên ăn táo có thể bổ sung cho cơ thể các chất dinh dưỡng như: đường, axít hữu cơ, vitamin C sẽ duy trì tốt cho sức khỏe.
Đầu xuân mới đôi điều nói về táo để cùng tham khảo đồng thời góp thêm chuyện vui cho ngày tết.
BS. HOÀNG XUÂN ĐẠI