Nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Megastar Vincom Centre đã chiêu đãi những nhà làm phim Việt Nam, những nghệ sĩ sáng tạo và những nhà quản lý văn hóa nghệ thuật một bộ phim “bom tấn” nhan đề Oblivion (tên Việt là Bí mật trái đất diệt vong). Bộ phim đã thu được 36 triệu Mỹ kim chỉ trong 3 ngày chiếu tại Bắc Mỹ.
Phim khoa học viễn tưởng, sử dụng kỹ xảo điện ảnh tuyệt đỉnh và một dàn sao tài - đẹp - diễn xuất cực kỳ có nghề, âm thanh nổi, màn ảnh rộng... Câu chuyện khoa học viễn tưởng kể về chiến binh Jack Harper (Tom Cruise), một trong số ít còn sống sót sau cuộc chiến tranh, được giao nhiệm vụ sửa chữa máy bay không người lái và trở về từ những đám mây để tìm kiếm nguồn sống trên một hành tinh (trái đất) đã bị hoang tàn, hủy hoại do chiến tranh và do chính con người tàn phá bởi các hóa chất... Cuộc trở về của Jack đầy thử thách, trước hết bởi sự lãng quên vì mất trí nhớ của chính mình, sau đó là cuộc chiến tiếp theo với các vật thể lạ, các quái thú trong sự đơn độc. Trong hành trình gian nan của mình, Jack đã giải cứu được một cô gái, là vợ của anh, cách đó 60 năm mà anh không nhớ (Câu chuyện xảy ra vào năm 2017 và sự trở về trái đất kiếm tìm của Jack là 2077). Sống ở giữa các tầng mây, Jack cũng đã yêu một người con gái xinh đẹp cùng nhiệm vụ. Một tình - một nghĩa, tình yêu tay ba là câu chuyện muôn thuở của đàn ông dù họ có là người của kỷ nguyên chưa hiện diện. Tình yêu đôi lứa, tình yêu con người và cuộc sống khiến cho Jack càng quyết tâm khám phá sự thật, khám phá những bí mật với hy vọng mở ra cánh cửa hạnh phúc...
Poster phim Bí mật trái đất diệt vong. |
Câu chuyện tình cổ điển được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại với nhiều pha thắt tim. Tính nhân văn của câu chuyện làm cho những người dù dị ứng với “súng ống, tiếng nổ, chết chóc hay phục trang khô cứng, máy móc lạnh lùng” cũng vẫn thích thú.
Phía chủ nhà (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội) thật khéo khi chiêu đãi một bộ phim trong dịp kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới. Nó là quà tặng rất trang nhã cho giới sáng tạo, vừa nhân đó nói chuyện sở hữu trí tuệ. Chuyện tài sản của ai người đó có quyền tưởng là xưa như trái đất, nhưng không phải ai cũng nhớ, cũng biết và thấy cần phải làm. Cụ thể là, nếu xem phim thì mua vé, hoặc mua đĩa có bản quyền, nghe nhạc hay đọc sách cũng vậy, mua vé vào nghe hoặc mua sách, mua đĩa, mua các ân phẩm có bản quyền để nghe chứ không mua băng đĩa lậu, “sài chùa”... Nhờ sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ mà các đạo diễn, diễn viên, các nhà sản xuất điện ảnh Mỹ ngày càng cho ra đời các tác phẩm hay (nhất thế giới).
Các ý kiến phát biểu của bà Tham tán đại sứ, bà Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Mỹ hay lời đáp từ của bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam và đạo diễn điện ảnh Vương Đức tựu chung đều có một ý chính, diễn nôm rằng: muốn có thêm những sáng tạo mới không chỉ trông chờ suông vào tài năng của người sáng tạo mà hãy trả công họ xứng đáng bằng cách sử dụng thì phải trả tiền, không dùng đồ lậu, hãy tôn trọng quyền của tác giả.
Trần Thị Trường