SKĐS - Sau bao ngày tăm tối, đôi mắt bỗng được nhìn thấy lại cả bầu trời xanh… Những chuyện cổ tích ấy chẳng ở đâu xa mà ngay quanh chúng ta...

Những giác mạc hiến tặng được xem như những viên ngọc quý, như hoa trái ngọt và chứng nhân sống động của tình yêu, như Đức Kitô đã dạy: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì anh em của mình. Chúa đã dạy - Yêu tha nhân như chính mình"… Đây là chia sẻ của linh mục Giuse Trần Hưng Đạo giáo xứ Bùi Chu.

Chuyện giáo xứ Bùi Chu tỉnh Nam Định có đông giáo dân hiến tặng giác mạc đã được biết đến nhiều. Tuy nhiên, hành trình của linh mục vừa một lúc kiêm nhiệm vào hoạt động bác ái, chăm lo cho nhiều xứ đạo, họ đạo thì không phải là chuyện ai cũng tường.

Gần 20 năm làm linh mục, cha Giuse Trần Hưng Đạo đã phụ giúp cho nhiều cảnh đời, nhưng món quà ý nghĩa của vị linh mục này là sự đồng cảm, đồng hành với những giáo dân hiến tặng giác mạc khi lìa đời...

Quà tặng ánh sáng nơi thánh đường - Ảnh 1.

Linh mục Giuse Trần Hưng Đạo giáo xứ Bùi Chu phát biểu tại lễ tri ân những người hiến giác mạc

Người xây nhịp cầu ánh sáng ở Bùi Chu

Tòa Giám mục Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc – Xuân Trường Nam Định nổi tiếng với nét kiến trúc cổ kính, cùng những tiếng chuông nhà thờ và bài thánh ca ngân vang. Người Công giáo luôn tin rằng con người có linh hồn và thể xác, phần xác tan trong lòng đất (như cát bụi lại trở về với cát bụi) còn linh hồn vẫn sống.

Theo linh mục, cha Giuse Trần Hưng Đạo, người Công giáo làm việc thiện, phúc, đức để lại phần thưởng đời sau là hạnh phúc ở bên Chúa mãi mãi. Việc hiến tặng giác mạc là nghĩa cử cao đẹp phù hợp với giáo lý, giáo luật và kinh Thánh.

Quà tặng ánh sáng nơi thánh đường - Ảnh 2.

Cán bộ Ngân Hàng Mắt Trung ương và linh mục nghiêng mình trước nghĩa cử hiến giác mạc củamột giáo dân

Với những quan niệm trên, việc hiến tặng giác mạc sau khi qua đời của người công giáo được khuyến khích. Đó cũng là một việc thiện cuối cùng của một con người, nên đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo giáo dân nơi đây. Đặc biệt, việc đồng tình, ủng hộ của Linh mục, ông trùm của giáo xứ càng làm cho giáo dân tin tưởng trong các công tác từ thiện, hiến giác mạc và mô tạng sau khi chết.

Trong số 27 Giáo phận của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, Giáo phận Bùi Chu là Giáo phận có diện tích nhỏ nhất. Diện tích của Giáo phận Bùi Chu chỉ khoảng 1.350 km2, trên địa bàn của 6 huyện thuộc tỉnh Nam Định: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh và Nam Trực. Nhưng giáo phận Bùi Chu lại là Giáo phận có số giáo dân khá cao tại Việt Nam.

Theo con số thống kê, số người Công giáo của Giáo phận Bùi Chu đứng thứ tư sau các Giáo phận Xuân Lộc, Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh và Giáo phận Ban Mê Thuột, và là một trong những Giáo phận có tỷ lệ người Công Giáo cao nhất so với tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam. Đây cũng là một lợi thế của các phong trào bác ái phát triển mạnh mẽ trong đó có phong trào hiến giác mạc.

Quà tặng ánh sáng nơi thánh đường - Ảnh 3.

Trẻ em tại cô nhi viện Thánh An - Bùi Chu.

Mỉm cười khi được hỏi về "chuyện cũ", linh mục Giuse Trần Hưng Đạo vui vẻ kể lại ngọn ngành. Vị nguyên Giám đốc Casitas Giáo Phận Bùi Chu kể, hiến tặng một bộ phận nào đó của cơ thể để cứu người khác là một việc làm cao thượng được cả thế giới tôn vinh. Điều này cũng đang được tiến hành khá tốt đẹp tại giáo phận Bùi Chu.

Năm 2012 Caritas Bùi Chu đã chính thức được công nhận và đi vào hoạt động một cách có hệ thống, có tổ chức và công khai. Năm đó là lần đầu tiên Tòa Giám mục Bùi Chu kêu gọi giáo dân hiến tặng giác mạc sau khi qua đời để mang lại ánh sáng cho những người mù.

Quà tặng ánh sáng nơi thánh đường - Ảnh 4.

Lễ tri ân những người hiến tặng giác mạc tại giáo phận Bùi Chu năm 2020

Những năm ở cương vị giám đốc Caritas Bùi Chu, tôi đã tham gia cùng hội đoàn vận động để hỗ trợ cùng bệnh viện Mắt Trung ương khám mổ đục thủy tinh thể cho hàng nghìn người. Mỗi năm trung bình tham gia mổ đục thủy tinh thể cho khoảng 400-500 người bệnh…

Trong thời gian tham gia đồng hành mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho bà con giáo dân thì tôi nhận thấy rằng: "Không chỉ có đục thủy tinh thể quan trọng với đôi mắt mà giác mạc cũng vô cùng quan trọng với ánh sáng của con người…" - Vị linh mục cười nói.
Linh mục Giuse Trần Hưng Đạo giáo xứ Bùi Chu

Năm 2016, tôi bắt tay vào công việc, tôi đã liên hệ tìm hiểu với bác sĩ Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương và anh Hoàng, ngân hàng Mắt. Sau hơn 2 tháng vận động bà con giáo dân hiến tặng giác mạc giúp những người mù tìm lại ánh sáng, chúng tôi đã tiếp nhận 100 lá đơn của bà con giáo dân đăng ký tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Để khích lệ phong trào lan tỏa, tháng 12/2016 tại nhà thờ giáo xứ Phạm Pháo (xã Hải Minh, Hải Hậu) thuộc giáo phận Bùi Chu, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức lễ tiếp nhận. Thật cảm động và may mắn ngay buổi lễ đó chúng tôi đã tiếp nhận được thêm hơn 20 lá đơn tình nguyện hiến tặng giác mạc. Và có một sự ngẫu nhiên cũng xảy ra hôm đó đã tiếp nhận một trường hợp hiếm gặp hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Quà tặng ánh sáng nơi thánh đường - Ảnh 6.

Lễ tri ân những người hiến tặng giác mạc tại giáo phận Bùi Chu

Tôi còn nhớ như in, người hiến tặng là anh Vũ Văn Đông, 40 tuổi, ở xã Hải Minh, giáo họ Phương Minh, giáo xứ Phạm Pháo qua đời sau hơn 1 năm chiến đấu với bệnh tật. Đây có lẽ là ân duyên khiến cho phong trào hiến giác mạc lan tỏa nhanh hơn.

Với những giáo dân chưa hiểu về hiến giác mạc, nhiều người lo sợ về móc mắt rùng rợn… thì ngay lúc ấy thấy mọi việc đơn giản và nhanh chóng, ý nghĩa nhân văn… Lúc đó cùng Ban bác ái - Caritas Phạm Pháo là linh mục Chánh xứ Micael Phạm Văn Tương là cánh tay đồng hành, tiên phong trong việc kêu gọi bà con giáo dân xã Hải Minh, huyện Hải Hậu - linh mục Giuse Trần Hưng Đạo chia sẻ.

Lá thư phân ưu

Chia sẻ về những khó khăn, linh mục Đạo cho rằng thời gian đầu chúng tôi gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhận thức của người dân, cộng đồng và xã hội về hoạt động hiến giác mạc còn hạn chế.

Mọi chuyện không hề xuôi chèo mát mái ở những ngày đầu. Khó khăn khi sát cánh cùng bà con, linh mục Giuse Trần Hưng Đạo gặp phải không ít. "Từ lâu dân gian quan niệm "dương sao âm vậy" nên với suy nghĩ này khiến ban đầu giáo dân không dám hiến giác mạc! Để giải tỏa những vướng mắc này, tôi và các linh mục phải trò chuyện thân tình cũng như giải thích" - Linh mục Đạo chia sẻ.

Quà tặng ánh sáng nơi thánh đường - Ảnh 7.

Chị Nguyễn Thị Thắm - mẹ của bé Mai Đức Hải.

Khi đã thông suốt, chính những người từng sẵn sàng hiến giác mạc lại trở thành người tham gia nhiệt tình nhất sau này. Cư dân các thôn xóm sau này hiểu ra việc thu nhận giác mạc tiến hành rất nhanh, đơn giản, chỉ từ 25 - 30 phút và không làm thay đổi khuôn mặt, mắt của người hiến tặng giác mạc.

Cũng từ tấm gương anh Đông, trong nhiều buổi lễ hay qua những lần gặp gỡ giáo dân, nhất là thời điểm thực hiện lễ cầu nguyện cho người đau ốm, các linh mục luôn đưa câu chuyện hiến giác mạc vào. Nhiều người ngay trên giường bệnh đã gọi các thành viên gia đình tới để truyền ý nguyện, được hiến giác mạc khi về với Chúa. Những hình ảnh như thế đã làm rung cảm tâm hồn nhiều người.

Thời gian cứ thế trôi, mỗi khi có cuộc điện thoại của người báo gia đình có người mất muốn tặng giác mạc dù bất cứ đêm hay ngày ông thông báo cho ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt trung ương là anh Nguyễn Hữu Hoàng và lên xe đến gia đình động viên, thăm hỏi, chia sẻ. Những chuyến đi bất ngờ, có khi là sáng sớm, đêm khuya, có khi ngay trước bữa tối, khi mâm cơm đã bày.

"Những ngày đầu có bao giờ linh mục thất bại?". "Có chứ! Linh mục chia sẻ: Có trường hợp khi người hiến giác mạc mất đi thì người thân trong gia đình thực hiện di nguyện ấy. Tôi đã thông báo cho cán bộ Ngân hàng mắt từ Hà Nội vượt hơn 100 km về, thì con trai cả đi làm ăn xa về chịu tang mẹ lại không đồng ý hiến giác mạc. Lúc đó chúng tôi đành chịu, họ cũng phải đấu tranh tư tưởng ghê lắm".

Với những khó khăn đó, và làm gì để thúc đẩy phong trào hiến giác mạc, làm gì để động viên kịp thời tấm lòng của người hiến giác mạc và gia đình… suy nghĩ mãi, để giúp phong trào lan tỏa rộng hơn khiến cho tôi đau đáu trong lòng.

Quà tặng ánh sáng nơi thánh đường - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương trong một lần nhận giác mạc

Sau đó tôi đã nghĩ và viết gửi một bức thư phân ưu để chia sẻ động viên, tri ân. Bức thư đó được đánh máy và có chữ ký của tôi. Mỗi khi có người mất và hiến giác mạc bức thư đó được vị linh mục sở tại đọc ngay trong buổi lễ tiễn người đã mất...

Điều này thực sự là nguồn động viên kịp thời, là sự hãnh diện được đức cha chia sẻ bởi tấm lòng yêu thương, bởi đức tin mà Chúa đã dạy "Yêu tha nhân như chính mình". Linh mục Giuse Trần Hưng Đạo nhớ lại.

Thật không ngờ bức thư đó như những ánh lửa thắp sáng lên những niềm tin, thắp lên ngọn lửa yêu thương về sự sẻ chia món quà ánh sáng khi hằng ngày, hằng giờ có rất nhiều người mù đang chờ được ghép giác mạc.

Hiện không còn ở cương vị Giám đốc Casitas Giáo Phận Bùi Chu nữa nhưng vẫn có nhiều trường hợp vẫn gọi điện cho tôi để thông báo hiến giác mạc, vị linh mục tâm sự.

Chia sẻ về những xúc động của những lần tham dự lễ tôn vinh hiến giác mạc ở Bùi Chu, linh mục Giuse Trần Hưng Đạo cho biết, mỗi trường hợp hiến giác mạc đều đem lại cảm xúc lẫn lộn đó là chia sẻ, xúc động khi nhận giác mạc hiến tặng và hạnh phúc khi được gặp những người sáng mắt trở lại. Như bé Mai Đức Hải, 10 tuổi ở Xóm 6, Xã Hải Vân, huyện Hải Hậu (Nam Định) mãi mãi ra đi trong tai nạn bất ngờ. Khi nhận được tin báo, chị Nguyễn Thị Thắm mẹ của bé đã khóc không ngừng nhưng trong giây phút đau thương ấy, chị và chồng đã quyết định hiến đôi giác mạc của bé để mang ánh sáng cho các bạn khác.

Quà tặng ánh sáng nơi thánh đường - Ảnh 9.

PGS-TS Phạm Ngọc Đông Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Trung Ương trao tặng quà cho linh mục Giuse Trần Hưng Đạo

Hoặc những chia sẻ của người con trai - anh Ngô Văn Chung đồng ý hiến tặng giác mạc của cha - ông Ngô Viết Ân - người tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời xúc động: "5 năm trước đây, mẹ tôi qua đời cũng di nguyện hiến giác mạc, sau đó bố tôi là Ngô Viết Ân cũng có di nguyện hiến tặng giác mạc. Nguyện vọng ấy của bố mẹ tôi đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ tất cả những người thân trong gia đình. Chúng tôi thấy đây một việc làm có ý nghĩa cao cả, giúp những người mắc bệnh mù loà thấy được ánh sáng trở lại".

Còn trường hợp của một em học lớp 9 ở Hải Hậu bị hỏng mắt, không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng. Lúc đó, phương án được đưa ra là mổ cấy ghép giác mạc để mang lại ánh sáng cho em. "Ca mổ thành công, em nhìn thấy ánh sáng, thấy mặt trời qua kẽ lá bên cửa sổ em đã khóc sung sướng. Em cảm ơn các bác sĩ và đặc biệt là người đã hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho mình", vị linh mục kể lại lời của em bé được hiến giác mạc thành công.

Tôi bỗng nhớ lại, trong phần phát biểu ngắn của các gia đình tại Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc tại nhà Thờ Bùi Chu năm 2020 đã ngừng lại vài lần do gia đình người hiến khóc vì quá xúc động…

Giờ đây, người dân đã hiểu hơn về mục đích và ý nghĩa của việc hiến giác mạc cũng như hiến tặng mô tạng. Đã có những câu chuyện thấm đẫm tình người được lan tỏa, truyền đi thông điệp của lòng nhân ái. Đó là nghĩa cử cao đẹp mà bao người đã dành tặng món quà ánh sáng trước khi mãi mãi ra đi.

Song song với hoạt động vì ánh sáng của người khiếm thị, linh mục Giuse Trần Hưng Đạo còn lập ra quỹ bác ái, với hơn trăm thành viên ở giáo xứ, trợ giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cũng như những vùng xa xôi. Đặc biệt hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ tại cô nhi viện Thánh An - Bùi Chu.

Hiến giác mạc là điều kì diệu - tình yêu của Chúa Giêsu sáng lên

Theo linh mục Giuse Trần Hưng Đạo chia sẻ, thật ra, thực thi bác ái là then chốt của đời sống đức tin Công giáo vì "cứ dấu này người ta biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" và "không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu".

Trong bài giảng, các vị linh mục mời gọi cộng đoàn suy ngẫm những điều kỳ diệu Chúa thực hiện cho nhân loại. Việc một người ra đi để lại giác mạc cho người khác là điều kì diệu bởi người trao tặng không những tiếp tục hiện diện nơi người nhận giác mạc mà còn làm cho tình yêu của Chúa Giêsu sáng lên trong một nhân loại còn đầy lạnh lùng, hận thù, chia rẽ.

Quà tặng ánh sáng nơi thánh đường - Ảnh 10.

Sự sẻ chia món quà ánh sáng cho nhiều người mù đang chờ được ghép giác mạc.

Với công tác tuyên truyền vận động hiến giác mạc, phong trào tự nguyện hiến tặng giác mạc đã lan rộng khắp các xã. Nghĩa cử cao đẹp của anh Đông, Bác Hải- người đầu tiên hiến giác mạc đã có sức lan toả lớn trong vùng quê giáo thanh bình. Chẳng thế mà con số người đăng ký hiến giác mạc ở Bùi Chu cứ ngày một càng tăng lên. Hiện số lượng người hiến giác mạc Ngân hàng mắt Trung ương thu được là 908 người, trong đó Nam Định là 315, là một trong 2 tỉnh có số lượng người hiến dẫn đầu trong cả nước. Chỉ tính riêng huyện Hải Hậu đã có 119 người hiến giác mạc.

Như lời của linh mục Giuse Trần Hưng Đạo nói: "Bầu trời Giáo xứ Bùi Chu hôm nay sáng hơn nhiều…".  Ước mong có nhiều người hiểu được sự cao quý của việc hiến tặng giác mạc để họ thực thi công việc này trong tinh thần bác ái: " Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương". Câu nói của linh mục Giuse Trần Hưng Đạo như thắp lên ngọn lửa yêu thương về sự sẻ chia món quà ánh sáng cho nhiều người mù đang chờ được ghép giác mạc.

Rời Bùi Chu, tôi thấy lòng mình vui hân hoan đến lạ! Tôi lại chợt nhớ đến lời bài hát của cố Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi! Để gió cuốn đi...".

Ý kiến của bạn