Hà Nội

Quá tải xử lý rác thải y tế trong dịch COVID-19

13-01-2022 16:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Chưa có thống kê về số rác thải phát sinh do dịch COVID-19, tuy nhiên với số lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng thì chất thải y tế tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung, các gia đình có bệnh nhân F0 cũng tăng tỷ lệ thuận theo, khiến việc xử lý nhiều khi quá tải.

Nhiều thời điểm quá tải...

Tại Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng với các công ty môi trường trên địa bàn cũng đã có sự chỉ đạo và chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác thu gom, xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà

Cụ thể, công tác thu gom, xử lý rác thải đã được triển khai đúng quy trình, bảo đảm các điều kiện an toàn, đội ngũ công nhân viên đều được trang bị bảo hộ đầy đủ, dung dịch khử khuẩn, được test COVID-19 hằng tuần và được ưu tiên tiêm chủng.

Từ tháng 4/2021 đến nay, số ca F0, F1 cách ly tại nhà ngày càng tăng và phân bố rải rác trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ riêng Công ty cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội), mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng 2-3 tấn rác thải. 

Do khối lượng rác thải phát sinh lớn nên đã gặp một số khó khăn như: Không đủ nhân lực đáp ứng việc thu gom rác thải nhỏ lẻ tại từng hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà; công tác phân loại rác thải chưa được triệt để dẫn đến khối lượng rác phát sinh nhiều.

Khó khăn xử lý rác thải y tế trong dịch - Ảnh 1.

Nhiều thời điểm lượng rác thải từ dịch COVID-19 quá lớn, đội ngũ vệ sinh hết sức vất vả.

Tại thành phố Cần Thơ, theo lãnh đạo Công ty cổ phần Ðô thị Cần Thơ, hiện thành phố chưa có nhà máy xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế tập trung. Ðến nay, thành phố chỉ được trang bị một lò xử lý với công nghệ hấp tiệt trùng, công suất 2,4 tấn/ngày đêm đặt tại Bệnh viện Lao phổi thành phố để xử lý rác lây nhiễm, rác y tế của các bệnh viện trên địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm hạn chế những rủi ro và nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng nói chung và trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt có chứa nguồn nhiễm, bước đầu theo đề nghị của Sở Y tế, UBND thành phố giao Bệnh viện Lao phổi Cần Thơ thu gom, xử lý rác thải lây nhiễm dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến.

Tuy nhiên, khi số ca mắc tăng cao đã làm quá tải lò xử lý của Bệnh viện Lao phổi. Đáng lưu ý, việc xử lý rác thải do số lượng các hộ gia đình F0, F1 nằm lẫn trong cộng đồng dân cư ngày càng tăng, gây rất nhiều khó khăn đối với các công ty thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn.

Do đó khối lượng rác phát thải từ các hộ này nếu không được quản lý chặt chẽ, kịp thời thì sẽ bị lẫn lộn vào rác sinh hoạt thông thường gây tiềm ẩn rủi ro cho môi trường cộng đồng và trực tiếp là sức khỏe công nhân thu gom, vận chuyển.

Tăng cường quản lý rác thải từ các ca F0 tại nhà, nơi lưu trú

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng vừa ban hành phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm SARS-CoV-2 trong điều kiện cách ly người mắc COVID-19 và người tiếp xúc gần tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND các quận, huyện khảo sát, chọn hoặc chỉ đạo UBND phường, xã chọn một số vị trí tập kết tạm thời đối với rác thải lây nhiễm tùy theo số lượng hộ dân, nơi cư trú có F0 và F1 trên địa bàn, gồm: trạm y tế phường, xã; trung tâm y tế quận, huyện; hoặc địa điểm công cộng phù hợp.

Tại các khu cách ly, phong tỏa, các phường, xã khảo sát và chỉ định vị trí trong khu vực này để đơn vị thu gom đặt 2 loại thùng rác đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để lưu chứa riêng biệt (1 thùng chứa rác sinh hoạt thông thường, 1 thùng chứa rác có nguy cơ chứa SARS-CoV-2).

Các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có F0, F1, bỏ rác thải có nguy cơ lây nhiễm trong túi màu vàng rồi để tại vị trí thuận lợi trước nhà, nơi lưu trú.

Đơn vị thu gom, vận chuyển bố trí phương tiện thu gom và vận chuyển phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và nhân viên thu gom phải tuân thủ chặt chẽ công tác phòng, chống COVID-19. Cụ thể, Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng chỉ đạo tất cả các xí nghiệp môi trường thiết lập tổ thu gom rác thải lây nhiễm phù hợp với tình hình dịch trên từng phường, xã.

Khó khăn xử lý rác thải y tế trong dịch - Ảnh 2.

Việc xử lý rác tại các khu cách ly rất cần thận trọng.

Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội - Chi nhánh Đà Nẵng (Urenco 15) triển khai lực lượng thiết lập tổ thu gom rác thải lây nhiễm trên các tuyến đường mà đơn vị đang thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt thông thường.

Hai đơn vị thu gom sẽ tiếp nhận rác thải lây nhiễm từ nhà, nơi lưu trú; khu vực cách ly, phong tỏa và vận chuyển về vị trí tập kết tạm thời trên địa bàn do chính quyền địa phương xác định trong ngày. Các đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép sẽ vận chuyển rác tại các điểm tập kết tạm này đi xử lý.

Phương án được ban hành nhằm kiểm soát tốt các nguồn thải có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, bảo đảm an toàn cho người lao động làm công tác phòng, chống dịch trong lĩnh vực môi trường.

Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các nội dung về quản lý chất thải y tế tại các khu thu dung, điều trị COVID-19. Yêu cầu các tỉnh chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế.

Ngoài ra, các tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, các cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19, cơ sở cách ly phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lý do gì khiến gia đình nạn nhân bị “dì ghẻ” trút đòn thù mời thêm luật sư hỗ trợ?


Minh Thu
Ý kiến của bạn