Tổng số giường bệnh đến năm 2018 đạt 252.717 giường bệnh, tương ứng với 26,3 giường/vạn dân. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh...
Đây là một trong những nội dung được Chính phủ đề cập tại Báo cáo số 413/BC-CP vừa báo cáo Quốc hội về thực hiện nhiệm vụ lớn tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội giao Chính phủ thực hiện.
Hơn 5.000 khoa lâm sàng, cận lâm sàng được cải tạo, nâng cấp và xây mới
Về nhiệm vụ “Đến năm 2020, giảm ít nhất 50% tình trạng quá tải bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương”, báo cáo đề cập đến một số kết quả triển khai thực hiện Đề án Giảm tại quá tải bệnh viện giai đoạn 2018 - 2019.
Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực tổ chức, triển khai, chỉ đạo, xây dựng văn bản, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm quá tải bệnh viện tuyến tỉnh (chủ yếu ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) và tuyến Trung ương. Các giải pháp được thực hiện gồm: đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng bệnh viện; xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách y tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu, hầu hết các mục tiêu của Đề án đã được thực hiện và bảo đảm tiến độ. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Tình trạng quá tải từng bước được giải quyết góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Ảnh: T.Minh.
Theo kết quả khảo sát tại các bệnh viện trên toàn quốc năm 2018 cho thấy, so với thời điểm trước khi triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện (năm 2013) đã có 5.078 khoa lâm sàng, cận lâm sàng được cải tạo, nâng cấp và xây mới.
95% các bệnh viện tuyến TW đã đảm bảo cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24h
Báo cáo cũng chỉ rõ, tại bệnh viện tuyến Trung ương, những chuyên khoa quá tải hàng đầu là: Khoa ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi cũng đều có xu hướng giảm như: Bệnh viện Bạch Mai có công suất sử dụng giường bệnh 168% năm 2011 giảm còn 112% năm 2018; Bệnh viện K, công suất sử dụng giường bệnh 249% năm 2011 giảm còn 98% năm 2018; Bệnh viện Chợ Rẫy, công suất sử dụng giường bệnh 154% năm 2011 giảm còn 95% năm 2018...
Đối với TP. Hà Nội, trong những năm trước khi triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện, tình trạng quá tải diễn ra liên tục từ nhiều năm tại hầu hết các bệnh viện của thành phố, năm sau cao hơn năm trước dù các bệnh viện đã khắc phục bằng cách kê thêm giường bệnh từ 50-100% giường so với kế hoạch. Nếu như năm 2011, một số bệnh viện quá tải cao như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; công suất 230%, Bệnh viện huyện Mê Linh công suất 159.8%; Bệnh viện Ung bướu Hà Nội công suất 158,8%; Bệnh viện Đức Giang là 148%, Bệnh viện Xanh Pôn là 145,8%, Bệnh viện Sóc Sơn 141%, Bệnh viện Thanh Nhàn 125,4%... Năm 2018, công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện của Hà Nội đã cải thiện đáng kể như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là 84%; Bệnh viện huyện Mê Linh là 74%; Bệnh viện Ung bướu là 100%; Bệnh viện Đức Giang là 90%, Bệnh viện Xanh Pôn là 126%; Bệnh viện Thanh Nhàn 87%, Bệnh viện Sóc Sơn là 76%...
Đối với TP. Hồ Chí Minh cũng tương tự như các bệnh viện của Hà Nội, năm 2011, công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện đa khoa luôn ở mức từ 106% - hơn 200% thì đến năm 2018, công suất giường bệnh đã giảm đáng kể, chỉ còn từ 84 - 114%...
Như vậy có thể thấy tình trạng quá tải ở khu vực nội trú của các bệnh viện tuyến TW và bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là có xu hướng giảm rõ rệt. Phần lớn các bệnh viện không còn tình trạng nằm ghép; 95% bệnh viện tuyến TW đã đảm bảo cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24h hoặc 48h kể từ khi nhập viện.