Hà Nội

Quá tải bệnh viện nhìn từ góc độ nhân học y tế

27-11-2013 09:54 | Tin nóng y tế
google news

Từ trước đến nay, dư luận thường đổ lỗi quá tải bệnh viện (BV) do ngành Y tế, đặc biệt là người đứng đầu ngành Y tế. Bài viết này sẽ trình bày những nguyên nhân dẫn đến quá tải BV dưới góc độ nhân học y tế với mong muốn để độc giả hiểu rằng chống quá tải BV không chỉ riêng ngành Y tế mà còn là của t

Từ trước đến nay, dư luận thường đổ lỗi quá tải bệnh viện (BV) do ngành Y tế, đặc biệt là người đứng đầu ngành Y tế. Bài viết này sẽ trình bày những nguyên nhân dẫn đến quá tải BV dưới góc độ nhân học y tế với mong muốn để độc giả hiểu rằng chống quá tải BV không chỉ riêng ngành Y tế mà còn là của toàn xã hội.
 
Quá tải BV là một vấn đề nhức nhối không chỉ của ngành Y mà của toàn xã hội. Từ sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (năm 1975) đến những năm gần đây, hầu như Việt Nam chưa xây mới các BV từ tuyến trung ương cho đến tuyến dưới, trong khi dân số ngày càng đông, đất nước ngày càng phát triển, nhất là sau đổi mới (năm 1986) đến nay, nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của nhân dân tăng cao nên việc quá tải bệnh viện là tất yếu. Hơn nữa, sau 18 năm không thay đổi giá dịch vụ y tế, (từ năm 1994-2012), nên giá dịch vụ y tế đã quá lạc hậu so với thời giá hiện tại, nhất là trong bối cảnh lạm phát tăng cao làm cho đồng tiền Việt Nam mất giá, nên việc thu phí của các BV không đáp ứng được nhu cầu phục vụ người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Vì khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi sẽ cố gắng nêu một cách ngắn gọn về nguyên nhân quá tải BV nhìn từ góc độ nhân học y tế (bao gồm cả số liệu để chứng minh). Chúng tôi tạm chia nguyên nhân quá tải BV thành 2 loại chính gồm: Nguyên nhân từ bên trong ngành Y tế và nguyên nhân từ ngoài ngành Y tế.
 
Về nguyên nhân từ bên trong ngành Y tế được chia thành 2 nhóm.
 
Nguyên nhân từ BV gồm có: Cơ sở vật chất, trang thiết bị của BV lạc hậu, chưa theo kịp thế giới. Chưa hoặc ít xây mới BV từ sau giải phóng (1975) trong khi đất nước ngày càng phát triển, hơn nữa sau 18 năm không thay đổi giá dịch vụ y tế (từ năm 1994-2012), ảnh hưởng đến KCB. Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến quá tải BV.
 
Bên cạnh đó, BV tuyến cơ sở còn hạn chế cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực y tế nên đã dồn bệnh nhân lên tuyến trên. Chính sách chưa theo kịp thực tế (như chính sách thu viện phí, đầu tư cho y tế. Lương cán bộ y tế còn thấp, áp lực công việc, KCB nhiều, ý thức lao động giảm nên thời gian KCB lâu hơn cũng là nguyên nhân dẫn đến quá tải BV.
 
Nguyên nhân thứ hai là từ dân số và y tế. Việt Nam hiện có 90 triệu dân (tăng gấp 1,4 lần so với năm 1989), đứng thứ 14 và mật độ dân số đứng thứ 7 trên thế giới, tạo áp lực quá tải dân số, dẫn đến quá tải BV. Tuổi thọ dân số tăng, già hóa dân số, nhu cầu KCB tăng; Số lượng nạo hút thai tăng, nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tăng cao; Nhu cầu sinh con theo ý muốn tăng, nhu cầu KCB tăng cũng là những nguyên nhân dẫn đến quá tải BV.
 
Nhân lực y tế còn thiếu, hiện trung bình cả nước mới có 7,4 bác sĩ/10.000 dân (còn thiếu nhiều so với mục tiêu 10 bác sĩ/10.000 dân của Bộ Y tế - năm 2020); nhu cầu đào tạo, chất lượng đào tạo và loại hình đào tạo không đáp ứng được thực tế nên đã ảnh hưởng đến công tác KCB.
 
Nhiều loại dịch bệnh mới như: SARS, Cúm A/H5N1, H1N1, H7N9; một số dịch bệnh khác như tay-chân-miệng, sốt xuất huyết; bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường… có xu hướng gia tăng, nhu cầu KCB và phòng chống dịch tăng, dẫn đến quá tải BV.
Quá tải bệnh viện nhìn từ góc độ nhân học y tế 1
Chống quá tải BV không chỉ riêng ngành Y tế mà còn là của toàn xã hội. Ảnh minh họa.
Về nguyên nhân từ bên ngoài ngành Y tế được chia thành 3 nhóm
 
Nguyên nhân từ kinh tế. Kinh tế phát triển: Năm 1988 GDP của Việt Nam đạt 86 USD/người đến năm 2012 đạt 1.540 USD/người tăng 18 lần so với năm 1988. Giường bệnh năm 1988 đạt 21,8 gb/10.000 dân, năm 2012 đạt 22,5gb/10.000 dân (chỉ tăng 1,03 lần). Đầu tư cho y tế của Việt Nam trong khoảng 6,5-7,0% so với ngân sách cả nước, tương đương khoảng trên 30 USD/người/năm (tức hơn 600.000 đồng/người/năm), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Singapore trên 1.400 USD/người/năm, Hoa Kỳ 8.000 USD/người/năm. Theo báo VnExpress.net số ra ngày 1/11/2013 có bài 'Công sở thì sang, BV thì chật', nội dung bài báo có nêu ý kiến của đại biểu Quốc hội Đồng Hữu Mạo, tỉnh Thừa Thiên - Huế: “Có phải đất nước chúng ta quá nghèo nên không có tiền để xây BV đủ chỗ cho bệnh nhân?”. Mặc dù được đầu tư thấp như vậy, việc quá tải BV là điều tất yếu, nhưng nền y học của Việt Nam đã đạt được trình độ ngang bằng những nước có thu nhập khá, đặc biệt một số kỹ thuật cao, chuyên sâu đã đạt trình độ bằng những nước phát triển. Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là một điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về y tế. Đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên, số lượng KCB đông, đặc biệt là tuyến trung ương, dẫn đến quá tải BV.
 
Kinh tế phát triển, đời sống phát triển, xe máy, ô tô tăng nhiều, cùng với y thức giao thông kém dẫn đến TNGT nhiều (mỗi ngày có khoảng gần 30 người tử vong do TNGT và gần gấp đôi số đó bị thương là một gánh nặng cho gia đình và xã hội), làm cho nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tăng cao.
 
Đường sá đã được cải thiện hơn trước nhiều nên việc đi lại thuận tiện giữa các vùng, miền đo đó người dân dễ dàng lên tuyên trên để KCB, dẫn đến quá tải BV.
 
Nguyên nhân từ văn hóa, xã hội gồm có: Lao động, lối sống sinh hoạt, lạm dụng chất kích thích như: Hút thuốc lá, uống rượu bia, nghiện ma túy, nhiễm HIV (Theo báo cáo mới nhất của Cục phòng, chống HIV/AIDS, mỗi ngày có khoảng 34 người nhiễm HIV mới, hơn với số tử vong do TNGT) và còn tai nạn do lao động, đánh nhau (Thống kê tới nay có 1.350 vụ giết người – Nguyên Bộ trưởng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 10/2013)… làm cho bệnh tật tăng, nhu cầu KCB và sử dụng dịch vụ y tế tăng.
 
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, năm 2012 thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ đứng ở hàng thứ 142 của thế giới nhưng uống bia, rượu  của Việt Nam lại nằm trong tốp đứng đầu thế giới. Hãng Heineken đưa ra dự báo chắc nịch, đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn nhất thế giới, với khoảng 4 tỷ lít bia/năm. Một tiến sĩ chuyên nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng đã phát biểu trong Hội nghị nhằm ám chỉ những người hay uống rượu, bia rằng: “Việt Nam có rất nhiều người mất tiền đi mua bệnh vào người mà họ vẫn muốn mất tiền để mua”.
 
Ý thức người dân: sử dụng hóa chất có hại liên quan đến thực phẩm, sinh hoạt, kể cả đồ uống làm cho bệnh tật tăng (Mỗi năm Việt Nam có khoảng 150-250 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000-7.800 nạn nhân và 30-60 ca tử vong), nhu cầu KCB tăng.
 
Dân trí tăng cao, xã hội phát triển, nhu cầu KCB tăng; Quan niệm BV trung ương, tuyến trên tốt hơn đẫn đến quá tải BV. Chính sách ưu việt của Việt Nam là miễn phí BHYT cho các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số… nhu cầu KCB tăng cao (do được miễn phí)…
 
Nguyên nhân do ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm từ phát triển kinh tế, do xây nhiều nhà máy, nhiều khí thải, sinh bệnh tật nhiều. Ô nhiễm do con người gây ra; ô nhiễm không khí, tiếng ồn; biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, bão, lũ, thiên tai… sinh bệnh tật nhiều, nhu cầu KCB tăng cao dẫn đến quá tải BV.
Quá tải bệnh viện nhìn từ góc độ nhân học y tế 2
Những nguyên nhân từ bên trong hoặc liên quan đến ngành Y tế, Bộ Y tế tiến hành tất cả các hoạt động có thể nhằm giảm quá tải BV. Có thể kể ra một số hoạt động chính như sau: Mặc dù còn kinh tế khó khăn nhưng trong mấy năm gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ vẫn ưu tiên dành kinh phí để nâng cấp và xây mới các BV, nhất là nhóm 5 chuyên khoa quá tải (Ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi); Xây dựng 48 BV tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 BV hạt nhân (dự kiến sẽ có thêm trên 7.000 giường bệnh); Thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình; Hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới (đề án 1816); Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở KCB (Quyết định 14-2013/QĐ-TTg); Hướng dẫn quy trình khám bệnh tại  Khoa Khám bệnh của BV (Quyết định số 1313/QĐ-BYT); Thông tư số 01/2013/TT-BYT hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở KCB; Quán triệt và triển khai nhiều lớp tập huấn về quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở KCB…
 
Ngoài ra, Bộ Y tế đã thực hiện các biện pháp như: Giảm diện tích khu hành chính, tăng diện tích khu khám bệnh và điều trị để kê thêm giường bệnh; Mở rộng loại hình điều trị ngoại trú và triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong KCB; Cải cách thủ tục hành chính, tăng ca, tăng giờ làm việc, tăng giờ khám bệnh từ 6 giờ sáng thay vì 7h30 (từ năm 2008) và khám thông tầm tới 19h00. Khám bệnh cả những ngày nghỉ, thứ bảy, chủ nhật; Mở dịch vụ tư vấn và đặt lịch hẹn khám bệnh, tái khám qua điện thoại; Ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB; Thiết lập hệ thống tự động hẹn trả kết quả xét nghiệm cụ thể theo từng mốc thời gian trong ngày, đặt camera tại các khoa phòng, đường dây nóng… Bộ Y tế vẫn kiên trì thực hiện các biện pháp giảm quá tải BV và đang trình Thủ tướng Chính phủ việc sử dụng nguồn vốn đặc biệt để đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của một số BV tuyến cuối tại thành phố Hà Nội (BV Bạch Mai và BV Việt Đức) và TP. Hồ Chí Minh (BV Nhi đồng 1, BV Ung bướu và Viện Chấn thương chỉnh hình - BV 175 Bộ Quốc phòng), khi đó việc quá tải BV sẽ được cải thiện đáng kể.
 
Các biện pháp trên đã phát huy tác dụng và tình trạng quá tải BV đã được cải thiện một phần, mỗi năm số giường bệnh đã tăng thêm trên 6% so với năm trước, số giờ chờ đợi khám bệnh giảm từ 4-7 giờ xuống còn 2-4 giờ. Tuy nhiên, tình trạng quá tải BV vẫn còn. Như trên đã nói, quá tải BV còn có nguyên nhân ngoài ngành Y tế, nên không thể một sớm một chiều đã giảm ngay được mà cần có sự phối hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, ban, ngành và đặc biệt của toàn xã hội. 
 
Trường Giang - Quốc Hoàng
 

Ý kiến của bạn