Hà Nội

Qua phố Lãn Ông

28-03-2010 10:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Vào những năm 80, có lần tôi đưa một ông bạn là một bác sĩ người Anh dạo chơi khu phố cổ Hà Nội. Từ phố Hàng Ngang rẽ sang phố Lãn Ông,

Vào những năm 80, có lần tôi đưa một ông bạn là một bác sĩ người Anh dạo chơi khu phố cổ Hà Nội. Từ phố Hàng Ngang rẽ sang phố Lãn Ông, đi được một quãng, đến giữa phố thì ông hít hít không khí, có vẻ thú vị và nhận xét: "Ồ! Mùi gia vị thơm quá"!

Quả là đối với khứu giác người phương Tây, các mùi quế, mùi hồi, mùi gừng, mùi nghệ, các mùi gia vị nói chung có một sức hấp dẫn lãng mạn của xứ sở xa lạ (exotique) phương Đông.

Tôi giải thích cho ông bạn: Đúng là phố Lãn Ông có bán quế, hồi, gừng, nghệ... nhưng dùng để bào chế thành thuốc nam chứ không phải là thực phẩm. Phố này chuyên bán thuốc đông y, nhưng chủ yếu độc quyền bán thuốc bắc nhập từ Trung Quốc. Có thời người Hoa kiều ở đây xuất nhiều vị thuốc nam sang Trung Quốc như hạt sen, tu sen, xương nai, xương hổ đóng thành kiện. Độc quyền thuốc bắc hàng trăm năm nay trong tay Hoa kiều từ tỉnh Phúc Kiến sang, họ tổ chức thành bang, có nhà Hội quán rất to. Cho nên thời Pháp thuộc, tên phố  là  rue Phúc Kiến (phố Phúc Kiến), tên Lãn Ông là sau này do ta đặt.

Độc quyền thuốc bắc thực sự chuyển sang tay người Việt Nam chỉ từ cuối những năm 70, sau khi người Hoa bỏ về nước. Thực ra, buôn bán chỉ khởi sắc lại từ sau đổi mới. Vì từ sau cải tạo công thương năm 1958, nghề bán thuốc bắc chỉ còn vài cửa hiệu công tư  hợp doanh.  Cửa hàng tư nhân không còn, các thày lang  không được ngồi cửa hàng kê đơn bốc thuốc nữa.

 Phố Lãn Ông - Phố thuốc Đông y.    Ảnh: TL

Giờ thì phố Lãn Ông lại trở thành nơi buôn bán thuốc đông y sầm uất, không những thuốc bắc bán cả ở các cửa hàng ngóc ngách, mà cả nhiều vị thuốc nam chưa bào chế bay trong các bị to ngập  cả vỉa hè. Có cả cửa hàng bán sâm và  linh chi Hàn Quốc choáng lộn và hiện đại. Các thày lang lại bốc thuốc, có thày như thày Quang ở  đối diện Hội quán Phúc Kiến đề ra những lý thuyết đông y kỳ quặc viết bằng chữ Pháp, Anh, khiến Tây ba-lô tò mò chú ý.

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai, dĩ nhiên có ít nhiều kỷ niệm với phố  Phúc Kiến xưa.

Tôi nhớ đến bác Hai Hàng Đường là chị ruột  mẹ tôi, người Bắc Ninh, có cửa hàng ở phố Hàng Đường - Phúc Kiến, cái tên này ngày xưa chỉ đoạn ngắn phía Đông phố Lãn Ông, giữa ngã tư phố Chả Cá - Hàng Cân và ngã tư Hàng Đường - Hàng Ngang. Bác tôi bán hàng khô như măng miến, mộc nhĩ, nấm hương, bột tẻ, bột nếp, chè sao hay ướp. Quãng phố này toàn cửa hàng bán đồ khô, không bán thuốc. Gia đình bác tôi điển hình cho một tầng lớp người Hà Nội trung lưu, nửa cổ nửa kim. Chồng bác to béo, không hiểu có phải là nhà nho bất đắc chí không, chẳng làm gì cả, suốt ngày rong chơi bè bạn. Bác gái một tay tần tảo, với căn nhà nhỏ xíu mà nuôi cả gia đình. Hai bác lại có tiền cho con trai độc nhất là Lương Văn Bê theo học trường Tây An-be Sarô, về sau đi Mỹ học, lấy vợ Mỹ rồi chết ở Mỹ.

Trước đây, ở phố Phúc Kiến (Lãn Ông), làm nghề bán thuốc đều là phụ nữ. Đàn bà con gái đều biết chữ nho, biết tên và thuộc mặt các vị thuốc, biết kê đơn bốc thuốc. Mẹ tôi ở phố Hàng Gai, con một ông lang ở Bắc Ninh, cũng như vậy. Tôi còn nhớ nhà buôn thuốc bắc người Việt lớn nhất ở phố Phúc Kiến là Phó Gia Tường. Thuở trẻ tôi vào Vinh dạy học, ở Vinh có cửa hàng Phó Đức Thành. Còn ở Hải Phòng thì có cửa hàng Phó Đức Trân. Con Phó Gia Tường là Phó Gia Địch mở chi nhánh ở Hồng Kông. Họ Phó cùng họ Hoàng gốc làng Đa Ngưu (Văn Giang - Hưng Yên) thuộc loại người đầu tiên đến ngụ cư ở phố Phúc Kiến và mở đầu nghề bán thuốc bắc của người Trung Hoa (họ Phó, gốc Phúc Kiến, Trung Quốc) đã mười mấy đời ở Việt Nam (Đa Ngưu) nên họ tự xác định là người Việt và cạnh tranh với Hoa kiều và người Trung Quốc.

Chính Phó Gia Tường đã phá được độc quyền buôn thuốc bắc của người  Hoa. Năm 1925, được một tài phú Trung Quốc giúp đỡ, ông đã tạo được mối giao  dịch thẳng và mua thuốc bắc tận các cơ sở ở Trung Quốc. Doanh nghiệp Phó Gia Tường đang phất thì bị người Hoa liên kết đánh cho lụn bại. Ông cầu cứu người trong họ là Phó Đức Thành ở Vinh, người này tuy không có vốn nhưng có tài, nổi tiếng về đông y dược, tự học mà viết báo Việt, Pháp, rất tháo vát. Hai bên ký giao kèo hợp tác, bên bỏ của, bên bỏ công, lãi chia đôi. Ông Thành có con mắt chiến lược: không địch được thuốc của Tàu ở miền Bắc, miền Nam thì mở chiến dịch ở miền Trung là trận địa bỏ trống. Đúng như ông dự tính, việc đã thành công: Vốn ban đầu chỉ có 4 vạn đồng Đông Dương, mười năm sau thành 40 vạn. Gia đình ông Tường bịa chuyện kiện ông Thành là gian dối về tài chính, vụ kiện kéo dài 7 năm. Ông Thành thất thế thua kiện, gia đình lâm vào túng bấn. Năm 1944, nhờ bạn bè giúp đỡ, ông Thành kiện lại và thắng kiện. Về sau, gia đình ông Tường cũng không có hậu vận. Còn ông Thành vừa có tâm vừa có đức, đi với cách mạng từ đầu, được coi là người có công đặt nền móng cho đông y dược mới, theo lời đề xướng của cụ Hồ.  Một người con của ông Thành là bác sĩ đông tây y Phó Đức Thảo cũng theo được y đức, gia phong. 

Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn