Nhà cổ trên phố Nguyễn Hữu Huân. |
Phố Bắc Ninh ở đâu nhỉ? Người Hà Nội không sống ở Thủ đô thời Pháp thuộc hẳn khó mà biết. Tên phố ngày nay là Nguyễn Hữu Huân, tên cũ thông thường là Bè Thượng. Khi Pháp mới chiếm còn gọi là rue de la digue (phố đê) vì phố sát sông Hồng (theo Nguyễn Văn Uẩn), trước khi đặt tên phố Bắc Ninh để ghi trận Pháp chiếm Bắc Ninh vào năm 1884. Đến năm 1940, đổi là phố Thống chế Petain (rue marechal Pétain). Thời cách mạng 1945 và tạm chiếm là phố Phan Thanh Giản.
Phố Bắc Ninh (Bè Thượng) cùng mấy phố Hàng Tre, Bờ Sông, Lò Sũ, Hàng Muối, là trung tâm buôn bán gỗ để làm nhà cửa, sửa đình chùa ở các làng, có cửa hàng bán đồ gỗ loại bình thường (giường, tủ, bàn ghế...).
Tôi làm quen với phố Bắc Ninh vào đầu những năm 30 thế kỷ trước, vào tuổi 12 – 13, sau khi đỗ bằng xép - ti - ca (sơ học yếu lược) (certificat). Để chuẩn bị thi cong – cua (cocours) vào Trường Bưởi, bố tôi cho tôi đi học hè bổ túc Pháp văn tại trường tư Nguyễn Ngọ Đằng ở phố Bắc Ninh. Trường chỉ có một phòng ở tầng dưới chứa độ hai ba chục học sinh. Thầy ở trên gác với gia đình. Thầy có lẽ tuổi ngoài 30, nho nhã, trắng trẻo, một bên chân bị liệt. Thầy ăn nói nhẹ nhàng, rất nghiêm mà học trò chúng tôi rất quý mến vì thầy giỏi, có sư phạm, rất tận tâm, thường khuyến khích ai học giỏi bằng những chiếc thiếp nhỏ in phong cảnh Pháp. Thầy sống đạm bạc, học phí lấy phải chăng. Hai phần ba thế kỷ đã trôi qua, nghĩ lại tình sư đệ ngày ấy sao ấm tình người thế.
Một nét tích cực của Khổng học là đào tạo những nhân cách đặc biệt, như cụ Nguyễn Hữu Huân - phố Bắc Ninh nay mang tên cụ. Nhân đây cũng xem lại một thời kỳ lịch sử, thực dân Pháp đánh giá cụ như thế nào trong chiến dịch xâm lược và bình định nước ta: Trong cuốn Nam Kỳ thân thương của tôi (Paris - 1910) viên quan cai trị đồng thời là nhà nghiên cứu G. Durrwell viết như sau: “Kẻ cầm đầu cuộc nổi dậy này không phải là một kẻ vô danh trong xứ thuộc địa. Bị bắt quả tang cầm vũ khí chống Pháp ngay từ những cuộc rối loạn sau khi ta chiếm đóng, y thoát được do những công chức Việt theo Pháp can thiệp. Từ đó, y định cư ở Chợ Lớn, mở trường dạy chữ Nho. Y lợi dụng lòng tin mù quáng đối với y và những quan hệ với những cấp cao nhất trong chính quyền; được sự giúp đỡ của hai phái viên Trung Quốc làm việc cho triều đình Huế, y đã ngấm ngầm thực hiện âm mưu đen tối dẫn đến cuộc nổi dậy tràn lan. Một hôm, Thủ khoa Huân đột nhiên biến mất, sau khi đã táo bạo nhận sự khoản đãi của quan cai trị Tân An mà y làm quen ở Chợ Lớn. Y tới chợ Co Chi giữa Tân An và Mỹ Tho.
Từ nơi đây cuộc nổi dậy bùng lên: theo tiếng gọi của y, cả vùng bị y thuyết phục đã đứng lên!!! (đô đốc Duperre, thống đốc Nam Kỳ cử người đáng tin cậy nhất là Đốc Phủ Lộc đi bắt cho kỳ được Huân. Đốc Phủ Đức phó của Lộc, canh gác mặt bể còn Lộc khép vòng vây trên cạn). “Sau 15 ngày bị lùng kiếm, bị bịt các ngả đường, Thủ khoa Huân bị dồn về phía Chợ Gạo. Sắp bị bắt, y nhảy xuống ao tự tử, nhưng Cai Cang đã kéo được y lên”. Cuộc điều tra được tiến hành ngay. Sự việc quá rõ ràng, khó mà chối cãi, Huân thú nhận ngay, một mình can trường nhận tất cả trách nhiệm lãnh đạo phong trào khởi nghĩa, y bị xử tử ở Bến Tranh vào những ngày cuối năm 1875...”.
Durrwell tác giả những dòng trên là quan cai trị, nhưng cũng có văn hóa, nên cuốn Nam Kỳ thân thương của tôi cũng có giá trị dân tộc ký, tuy nhiên thể hiện sự trịch thượng của người da trắng . Dưới mắt y, các nhà Nho yêu nước (văn thân) đều là giặc cỏ (bandits). Y đề cao Đốc Phủ Lộc người diệt được Thủ khoa Huân, trong cả một chương viết về Tổng đốc Thuận Khánh Trần Bá Lộc một nhân vật An Nam vĩ đại. “Xuất thân từ một gia đình công giáo sống dở chết dở vì chính sách tàn sát giáo dân từ thời Minh Mạng, Lộc đi lính cho Pháp ngay từ khi Nam Kỳ bị xâm lược. Căm thù triều đình Huế đến xương tủy lại dũng cảm và mưu mẹo, y đã giúp Pháp bình định hết trận này đến trận kia và được thưởng Bắc đẩu bội tinh, y tỏ ra rất xuất sắc trong chiến dịch Bình Thuận - Phú Yên - Bình Định, nhưng làm đổ máu dân quê quá nhiều nên cũng bị khiển trách”.
Đặt tên phố Bắc Ninh, thực dân ca ngợi một chiến công xâm lược, nay với tên phố Nguyễn Hữu Huân, ta tôn vinh một sĩ phu yêu nước chống thực dân anh hùng.
Nguyễn Hữu Huân (1820 - 1875) quê ở Định Tường nay thuộc Tiền Giang đỗ thủ khoa thi hương, được bổ làm giáo thụ. Khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, ông tổ chức kháng chiến. Ông bị bắt đày sang Guyane. Được tha về, ông lại tổ chức đánh Pháp (khi Pháp đã chiếm nốt Nam Kỳ) ông lại bị bắt, Pháp dụ dỗ không được đem chém, ông để lại một số thơ văn yêu nước, khảng khái ngâm thơ cho đến khi chết. Khi đi đày, ông ngâm: