Sau mùa giải mở màn khá thành công hồi năm ngoái, chương trình So you think you can dance - Thử thách cùng bước nhảy đang háo hức trở lại với mong muốn, mùa giải thứ hai cũng thành công mỹ mãn. Khán giả mong ngóng dõi theo từ vòng sơ loại, quy mô và cách thức tổ chức cũng y như năm ngoái, bộ “ghế nóng” vẫn là những gương mặt gạo cội trong làng nhảy múa chuyên nghiệp như: Biên đạo múa Trần Ly Ly, vũ công Viết Thành... Nhưng để ý kỹ mới thấy, đây không phải chương trình So you think you can dance - Thử thách cùng bước nhảy mùa giải thứ hai mà là “đối thủ” mới mang cái tên cũng “na ná”: Got to dance - Vũ điệu đam mê. Không ít khán giả sững sờ với sự trùng hợp này. Rõ ràng đây là hai cuộc thi tìm kiếm tài năng nhảy múa vô cùng chuyên nghiệp được mua bản quyền từ nước ngoài, xuất xứ khác nhau nhưng vì các êkíp tổ chức khá hấp tấp, vội vã nên dẫn đến sự hiểu lầm này.
Có thể nói, sự xuất hiện của Got to dance đã khiến So you think you can dance giảm đến 50% độ nóng so với mùa giải trước. Vì là “ma mới” nên Got to dance gây được nhiều sự chú ý hơn. Không chỉ “chia sẻ” tài năng, “ma cũ” So you think you can dance còn phải chấp nhận giảm giá trị và sức lan tỏa - những điều họ đã nỗ lực gây dựng từ mùa giải trước.
Cách đây không lâu, khi So you think you can dance còn “một mình một ngựa”, khán giả đam mê nghệ thuật nhảy múa đã mừng thầm, đây chính là cuộc thi thú vị và chất lượng, một “gia vị” mới trong “bữa tiệc” gameshow của màn ảnh nhỏ. Nhưng sự xuất hiện của Got to dance đã làm hỏng tất cả. “Tai nạn” này làm khán giả nhớ đến một “người cũ” của làng showbiz: Vietnam Idol. Bất ngờ bị The Voice “nuốt chửng” nên Vietnam Idol chấp nhận “nằm thở”. Biết làm sao được, The Voice quá hiện đại, quá mới mẻ và cá tính. Vietnam Idol không phải là một format tồi, êkíp thực hiện cũng không phải không có “máu mặt” trong làng giải trí. Cùng là một Quốc Trung với vị trí cầm cân nảy mực, nhưng sao Quốc Trung trên ghế nóng Vietnam Idol cứ nhạt nhòa, hiền hiền, còn Quốc Trung trên ghế nóng The Voice lại sắc sảo, hóm hỉnh và lôi cuốn khán giả thế!
“Có mới nới cũ”
Không thể trách khán giả nếu họ trót “có mới nới cũ” với những chương trình họ từng yêu thích. Với công nghệ tìm kiếm tài năng như hiện nay, khi mà mọi cuộc thi đều biến thành chiến dịch thu về lợi nhuận của các đơn vị tổ chức, các công ty giải trí thì khán giả chính là thượng đế, tất nhiên, thượng đế có quyền lựa chọn sản phẩm tốt nhất. Vấn đề nan giải mà công chúng ái ngại chính là lực lượng sao trẻ siêu hùng hậu bước ra từ các cuộc thi tìm kiếm tài năng sẽ vùng vẫy như thế nào trong môi trường giải trí mang tính đào thải khắc nghiệt này.
Trao danh hiệu cho một tài năng xứng đáng, dường như những người “vẽ” ra các cuộc thi không hề nghĩ đến tương lai cho các tài năng. Lời hứa “sẽ đi đến tận cùng con đường” gần như chỉ là... hứa hão. Việc trao giải thì cứ trao, còn người khác làm gì với giải thưởng thì... mặc kệ. Hiện nay, không ít tài năng Việt rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này. Còn nhớ chàng nông dân Yasuy “chân ướt chân ráo” đi thi Vietnam Idol và sửng sốt giật giải cao nhất. Từ lúc “ôm cúp” về nhà đến nay, khán giả hầu như chưa gặp lại anh, nghe nói, Yasuy đang theo học thanh nhạc một cách bài bản và biết đâu sẽ trở lại trong vài năm tới, nhưng lúc đó, ai còn nhớ đến anh?
Có thể nói, các cuộc thi tìm kiếm tài năng đang diễn ra đều như... vắt chanh, nhưng chất lượng lại ở mức báo động. Cũng chính vì quá vội vã, hấp tấp nên nhiều công ty giải trí và đơn vị tổ chức đã “vấp” phải sự phản ứng mạnh mẽ từ giới truyền thông và công chúng. Mải chạy theo con số nên những người có trách nhiệm quên cả... trách nhiệm của mình. Tổ chức thành công một cuộc thi là điều vô cùng khó khăn, nhưng để giữ được sức lan tỏa của nó, thử thách này còn khó gấp nhiều lần. Giá như Vietnam Idol hay So you think you can dance được nâng niu và chau chuốt hơn nữa thì chất lượng cũng như sức lan tỏa của các tài năng sẽ bền hơn, chứ không “đều đều” như hiện nay!
Minh Hà