Quả mướp - Thuốc quý mùa hè

SKĐS - Các bộ phận của cây mướp lúc còn non cũng như khi đã già đều dùng làm thuốc để chữa bệnh. Đặc biệt, cây mướp chữa bệnh thấp nhiệt thường xảy ra vào mùa hè.

Mướp ngọt (khác mướp đắng) có mướp ta và mướp khía. Bài này nói về mướp ta. Tên Hán là Ty qua và nhiều tên khác tùy theo địa phương. Tên khoa học là Luffa cilindrica (L) Roem, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae.

Về tính vị, phần lớn các sách ghi tính bình, vị ngọt (đối với quả, hạt, vỏ, dây cuốn, xơ, dễ) riêng lá có vị đắng, tính lạnh. Nhưng các sách y gia có kinh nghiệm thì xem như toàn bộ cây mướp có tính hàn lương (mát). Cho nên, cần khuyên ăn mướp nấu chín, không nên xào tái.

Nói chung, cả cây mướp có tính thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, trừ thấp, tiêu viêm, cầm máu, giảm đau (lưng, khớp). Chữa các chứng bệnh ngoài da (rôm sảy, ngứa lở, mụn nhọt, sởi đậu, mụn trứng cá, tàn nhang, vết nhăn), bệnh đường hô hấp (viêm mũi, họng, phế quản ho có đờm), tiết niệu (tiểu tiện không bình thường do thấp nhiệt).

Thành phần hóa học: quả mướp non để ăn cứ 100g phần ăn được có 0,8 - 1,2g protein; 0,2 lipit; 3,04g gluxít, các vitamin: caroten (tiền sinh tố A) vitamin C, B1, B2, B3, PP. Các chất khoáng canxi, phốt pho, sắt.

Quả:

Thức ăn uống chống nóng: quả mướp tươi nấu canh dùng tốt cho những người làm việc ngoài đồng, công trường dưới trời nắng nóng, phòng chống say nắng nóng.

Quả nấu canh cua, rau đay: món ăn dân dã mát ngọt, xua tan nóng hè oi bức, để ăn đủ suất cơm, giúp trẻ con và người già giữ được sức khỏe.

Cháo cho người già và trẻ em mùa hè: lấy 30g gạo nấu nhừ cho vào 1 quả mướp đã thái thành miếng nhỏ. Khi ăn cho thêm ít muối hoặc đường. Cháo này làm mát máu, trừ cảm gió, giải độc, thông kinh lạc, hành huyết mạch, trừ đàm. Thích hợp nhất cho người đang bị viêm khí quản mãn, lở loét ngoài da…

Bảo vệ da mùa hè: quả mướp tươi rửa sạch thái nhỏ cho vào lọ sạch để qua đêm chắt lấy nước mướp đã tiết ra, xoa lên mặt bảo vệ da như một loại mỹ phẩm.

Viêm da do tiếp xúc, dị ứng, lang ben trên mặt: quả mướp rửa sạch để ráo, giã nhuyễn với ít muối đắp lên chỗ tổn thương.

Nếp nhăn trên mặt: ép mướp tươi lấy nước trộn mật ong, xoa mặt có thể trộn với nước ép dưa chuột để bôi cùng.

Tàn nhang: quả mướp 200g phơi khô tán bột hòa nước bôi.

Trĩ chảy máu, người nóng khát: mướp 250g, thịt lợn nạc 100g hầm nhừ, nêm gia vị. Hoặc quả mướp non 120g đậu phụ mềm 280g nấu canh.

Tiết sữa: quả mướp tươi nấu móng giò hoặc chân gà làm cho bà mẹ nhiều sữa, hoặc quả mướp 10g, 1 con cá mè, gạo tấm 100g. Luộc cá lấy nước nấu cháo với mướp thái lát (bỏ vỏ).

BS. Phó Thuần Hương


Ý kiến của bạn