Hà Nội

Quả lựu - Thực phẩm bổ dưỡng, vị thuốc quý

29-03-2022 08:34 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Quả lựu không chỉ là một loại quả ngon, bổ dưỡng, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn là một vị thuốc quý chữa bệnh.

1. Đặc điểm cây lựu

Cây lựu còn có tên là thạch lựu, an thạch lựu, thìu lựu, tạ lựu, tháp lựu, đan nhược, kim bàng, kim tượng. Tên khoa học Punica granatum L. (giống cho hoa và quả) và Punica granatum L. var. nana. Person (giống chỉ có hoa đẹp). Họ lựu (Punicaceae).

Lựu là loại cây gỗ nhỏ, cao khoảng 2-3m, thân màu xám, vỏ mỏng, đôi khi có gai ở cành. Lá mọc đối thường tụ lại thành cụm lá, cuống ngắn, hình mác thuôn dài khoảng 5-6cm, rộng 1-2cm; đầu tù hoặc hơi nhọn, hai mặt nhẵn.

Hoa lưỡng tính mọc đơn độc hoặc thành xim 3 hoa ở kẽ lá; màu đỏ hoặc vàng hoặc trắng tùy theo giống. Bầu có 2 tầng, tầng trên 6-7 ô, tầng dưới 3-4 ô chứa nhiều noãn.

Ở Việt Nam mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 7. Mùa quả từ tháng 7 đến tháng 9. Quả mọng hình cầu có vỏ dày, to khoảng nắm tay, đài tồn tại ở đỉnh tạo dáng đẹp (trông như vương miện), khi chín màu đỏ tía hoặc vàng có đốm đỏ nâu. Hạt có áo mọng nước màu hồng tạo thành lớp cơm trong, vị chua ngọt.

Quả lựu – thực phẩm bổ dưỡng, vị thuốc quý - Ảnh 2.

Cây lựu.

Ở Việt Nam lựu thường được trồng làm cảnh vì có hoa đẹp kết hợp lấy quả ăn và làm thuốc. Gần đây chúng ta mới nhập giống chỉ có hoa đẹp trồng làm cảnh. Cây lựu có thể trồng trên nhiều loại đất, cây ít bị sâu bệnh, có khả năng chịu hạn, nhưng lại sợ úng.

Vùng trồng lựu nhiều là các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài giá trị làm cảnh và thức ăn (hoa, quả) toàn bộ cây lựu như lá, hoa; hạt, vỏ quả chín đều được dùng làm thuốc.

2. Công dụng của quả lựu

Quả lựu – thực phẩm bổ dưỡng, vị thuốc quý - Ảnh 3.

Quả lựu.

2.1. Nước ép quả lựu

Được chế biến từ quả lựu chín tách bỏ vỏ rồi ép lấy nước của áo hạt (tránh làm dập hạt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước ép) để uống tươi hoặc chế biến, đóng gói thành sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Cách tách vỏ lựu và ép nước lựu thủ công trong gia đình: Cắt đôi quả lựu (theo chiều ngang) rồi rạch vỏ ra làm 4-5 mảnh còn dính nhau ở gần núm quả. Úp quả trên tay rồi lấy thìa to đập mạnh xung quanh vỏ, ta được "hạt lựu" màu hồng bóng mọng nước, gồm áo hạt và hạt. Sau đó cho "hạt lựu" còn nguyên áo hạt vào máy (chuyên dùng ép nước hạt lựu) ép lấy nước và tách riêng hạt.

Người Việt ta nhất là những người già ở nông thôn chưa biết cách làm này nên ngại ăn quả lựu, vì cứ phải lấy tay lẩy từng hạt rồi cho vào miệng nhai.

Quả lựu – thực phẩm bổ dưỡng, vị thuốc quý - Ảnh 4.

Nước ép quả lựu có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nước ép quả lựu có giá trị dinh dưỡng cao do chứa nhiều acid amin thiết yếu; chất béo; các vitamin (vitamin C, tiền vitamin A, vitamin E, F); vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B5, B6, B9), khoáng chất và nguyên tố vi lượng (như kali, canxi, phospho, magie, sắt, kẽm, đồng); acid hữu cơ (như: Citric, D isocitric, malic, punicic, oleic, palmitic, stearic); các chất đường (fructose, glucose, maltose); các chất sinh học quý như: Anthocyanin (có 6 loại anthocyanin tạo nên màu đỏ của nước lựu) và procyanydin, flavonoid, pectin.

Các nhà khoa học trên thế giới cũng dành nhiều công sức để nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe của nước ép quả lựu:

  • Các nhà khoa học Israel dùng nước ép quả lựu cho bệnh nhân hẹp động mạch cảnh.
  • Nước ép lựu còn có tác dụng hỗ trợ tăng lưu lượng máu trong mạch vành tim, hỗ trợ giảm cholesterol xấu trong máu.
  • Tiến sĩ Sergio Streitenberger - Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm Probelte Bio Tây Ban Nha nghiên cứu những người uống nước lựu ép hàng ngày thấy tác dụng làm chậm quá trình lão hóa của AND.
  • Các nhà khoa học Anh quốc phát hiện: Người uống nước ép quả lựu có tác dụng hỗ trợ giảm căng thẳng, hỗ trợ giảm nếp nhăn trên da ở người trung niên, hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim, hỗ trợ giảm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ, cải thiện khả năng cương dương.

2.2. Vỏ quả lựu

Còn gọi là thạch lựu bì, tây lựu bì, thạch lựu xác (Pericarpium Granati) chỉ dùng vỏ quả lựu chín có thể dùng tươi hoặc phơi sấy khô (hạn dùng tối đa 2 năm).

- Thành phần hóa học vỏ quả lựu chín có: Tanin và granatin; các acid (betulic, ursolic và isoquercetin; cyanidin và pelargonidin).

- Theo Đông y, thạch lựu bì vị chua chát, tính ấm, chỉ huyết, chỉ tả, khử trùng; chữa băng huyết, xuất huyết tiêu hóa, đại tiện ra máu; viêm kết tràng mạn tính, kiết lỵ mạn tính, lỵ amip; lở ngứa ngoài da.

2.3. Hạt lựu

Chứa 83 - 84% chất béo gồm 11 loại trong đó những loại có tỷ lệ cao là: Acid punicic 65%, acid stearic 2,5%, acid linoleic 10,3%, acid oleic 5,1%.

Acid punicic còn gọi là omega 5 có tác dụng:

  • Ngăn cản sản xuất prostaglandin và leucotrienes là các tác nhân gây viêm.
  • Giúp tái tạo tế bào.
  • Kiểm soát nồng độ glucose trong tế bào, đặc biệt với người nhạy cảm insulin.
  • Hỗ trợ hệ thống miễn dịch giúp phòng ngừa bệnh tật

Dầu hạt lựu (Pomegranate Seed Oil) loại tốt phải chế bằng phương pháp ép lạnh sẽ giữ được nguyên giá trị sinh học của hạt lựu (tuy sản lượng có thấp hơn 10% so với các phương pháp khác). Dầu có màu cam nhạt, hương thơm dễ chịu, bôi trên da, tóc, môi, móng mỗi lần 1-2g.

Quả lựu – thực phẩm bổ dưỡng, vị thuốc quý - Ảnh 6.

Dầu hạt lựu dưỡng da, tóc...

Cụ thể:

- Bôi da để dưỡng da, chống lão hóa, chống các tia cực tím độc hại, phục hồi lượng elastin cho da, làm mờ nếp nhăn ở người trung niên, săn chắc da, giúp da trẻ khỏe; hỗ trợ điều trị ung thư da; trị các bệnh trên da như: Vẩy nến, eczema, chàm, vết thương lâu lành.

- Bôi tóc để dưỡng ẩm, phục hồi tóc khô, kích thích mọc tóc làm cho mái tóc dày và dài.

- Bôi môi: Chống khô môi, giảm thâm môi.

- Bôi móng: Làm móng chắc khỏe.

Cách bảo quản quả lựu tươi

Chọn quả chín, không sứt sẹo, dập nát, rửa sạch để ráo nước, lau khô cho vào túi PE, mỗi túi 3-4 quả. Bảo quản lạnh ở nhiệt độ dưới 5 độ C là tốt nhất (có thể giữ lựu tươi để ăn từ mùa này sang mùa sau, trong thời gian bảo quản trái lựu vẫn tiếp tục chín chậm nên các dưỡng chất ít bị hao phí so với bảo quản ở nhiệt độ thông thường).

Quả lựu sau khi tách vỏ thường gọi là "hạt lựu" có màu hồng bóng đẹp, gồm áo hạt và hạt; có thể dùng tươi để ép nước hoặc chế các món ăn, tăng hương vị và hình thức hấp dẫn hoặc sấy khô để bảo quản được lâu. Có thể bảo quản "hạt lựu" tươi bằng cách cho vào túi PE (túi mới chưa dùng) khoảng 200 -500g mỗi túi rồi dán kín, sau đó cho vào ngăn đá tủ lạnh để ăn dần.

Thận trọng: Người đang dùng thuốc trị tăng huyết áp cần hạn chế ăn lựu hoặc uống nước ép lựu (sẽ làm tăng tác dụng của thuốc làm hạ huyết áp quá mức yêu cầu). Người đang dùng thuốc chống đông máu không ăn quả lựu hoặc uống nước ép lựu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn cách tập thở và vận động tại nhà nhằm nâng cao miễn dịch phòng ngừa COVID-19.


DS. Trần Xuân Thuyết
Ý kiến của bạn