dùng lâu dài có hại cho sức khỏe nên chị rất lo lắng. Không tô son thì thiếu tự tin mà tô son chị lại lo ngại cho vấn đề sức khỏe...
Rồi chị thấy bạn bè xăm môi với màu sắc tự nhiên, đặc biệt là khi xăm môi rồi khi đi ăn uống mà môi vẫn luôn giữ được màu tươi hồng nên cũng thấy thích. Sau khi đắn đo, tìm hiểu thấy biện pháp xăm môi hiện đại ít đau và ít phù nề, nên chị quyết định một phen làm đẹp. Ai dè, sau khi xăm xong, nhìn vào gương chị thấy môi sưng mọng ngoài sức tưởng tượng, chị hốt hoảng và nghĩ ngay đến cách làm sao cho giảm sưng nề một cách nhanh nhất. Thế là ngoài đắp đá, chị còn bảo con gái lớn đi mua 2 vỉ alphachymotrypsin về ngậm. Suốt đêm trằn trọc không ngủ vì đôi môi rấm rứt và hình ảnh sưng nề ám ảnh, nên cứ tan hết 2 viên alphachymotrypsin, chị lại lấy tiếp 2 viên nữa để ngậm. Và chỉ sau một đêm và đến gần trưa ngày hôm đó, 2 vỉ thuốc đã hết veo...
Tuy nhiên, khi soi gương chị Hà cũng không thấy môi bớt sưng mà còn kèm theo hiện tượng đau tức vùng thượng vị. Lúc này, chị mới lôi tờ hướng dẫn sử dụng thuốc ra đọc. Theo đó chị mới biết, thuốc alphachymotrypsin có tác dụng kháng viêm, chống phù nề, tan máu bầm trong các chấn thương. Thuốc cũng có tác dụng làm lỏng các dịch tiết đường hô hấp trên. Tuy nhiên, khi dùng đường ngậm dưới lưỡi chỉ 4-6 viên mỗi ngày và chia làm nhiều lần. Đằng này chị Hà lại dùng tới 20 viên trong vòng 16 giờ nên đã dẫn đến hiện tượng quá liều thuốc.
Gọi điện cho bác sĩ để hỏi về hiện tượng mình gặp, chị Hà được BS. Hoàng Mai Phương (Trung tâm bác sĩ gia đình Hà Nội) tư vấn: Mặc dù trong tờ hướng dẫn của thuốc alphachymotrypsin không ghi rõ về các tác dụng phụ cũng như các dữ liệu về quá liều thuốc, nhưng hiện tượng tác dụng ngược, không làm giảm sưng mà còn gây tác dụng phụ của thuốc là có thể gặp. Khi quá liều, bệnh nhân còn có thể gặp phải hiện tượng viêm dạ dày cấp như chị Hà đã gặp phải. Do đó, cần ngừng ngay thuốc alphachymotrypsin và đi khám tiêu hóa. Trong trường hợp viêm dạ dày cấp cần phải điều trị thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị như với viêm dạ dày cấp thông thường.
Sau khi đi khám, tuy chị Hà chưa cần điều trị viêm dạ dày cấp, nhưng hiện tượng đau tức thượng vị cũng diễn ra vài ngày rồi mới hết. Thế là chị vừa phải chịu đau sưng môi, vừa phải chịu âm ỉ cái bụng vì thuốc. Thế mới biết câu “dục tốc bất đạt” luôn đúng trong mọi tình huống.