Lê còn có tên khoái quả, ngọc nhũ, mật văn… Lê là loại quả ngon, món tráng miệng nhiều người ưa thích. Theo y dược học cổ truyền, lê tính mát, hơi chua, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, giảm ho, thanh tâm giáng hoả, dưỡng huyết, sinh tân dịch, nhuận trường, tiêu độc.
Quả lê rất giàu chất dinh dưỡng: nhiều nước, chất béo, protein, carbohydrat, xơ, canxi, phospho, sắt, vitamin PP, các vitamin nhóm P, C, betacaroten, axit folic.
Ngoài là vị thuốc quý trị bệnh đường hô hấp, lê còn được dùng chữa các bệnh ở tuần hoàn, tim mạch, tăng huyết áp, tiêu hoá, bệnh gan, nhãn khoa, răng-hàm-mặt, bệnh xương khớp kể cả thống phong (gút), dưỡng da. Sau đây là một số món ăn thuốc từ quả lê:
Lê ép hoặc xay: Uống tươi nguyên chất hoặc cho thêm đường hay sữa. Lê phải gọt vỏ, bỏ lõi. Dùng giải khát, trị khô miệng, họng, ho khản tiếng.
Nước ép quả lê giải khát, trị khô miệng, họng, ho khản tiếng.
Cao lê: Lấy 1,5 kg lê bỏ lõi và hạt, ninh nhừ, cho mật ong lượng vừa phải, trộn đều, đánh nhuyễn. Cho vào lọ ăn dần. Mỗi lần 2 thìa cà phê hoà vào nước sôi. Trị bị ho đờm lẫn máu, họng khô, khản tiếng.
Lê gừng: Lê 1,5 kg bỏ lõi và hạt, ninh nhừ, cho gừng, mật ong lượng vừa phải, trộn đều, đánh nhuyễn. Cho vào lọ ăn dần, mỗi lần 2 thìa cà phê hoà vào nước sôi. Chữa ho có đờm đặc vàng.
Nước lê - ngó sen: Lê 500g gọt vỏ bỏ hạt, vắt lấy nước. Ngó sen 500g bỏ đốt, lọc vỏ, thái vụn vắt lấy nước. Trộn 2 thứ với nhau. Uống thay nước. Chữa ho khan, họng khô khát.
Lê - la hán: Lê 1 quả, la hán 1/2 quả. Thái nhỏ sắc lấy nước uống. Các ca sĩ, thầy cô giáo, người có âm hư nội nhiệt nên dùng thường xuyên.
Lê - củ cải: Lê 1 kg (gọt vỏ, bỏ hạt), củ cải trắng 1 kg, gừng sống 250g, sữa đặc 250g, mật ong 250ml. Lê, củ cải, gừng vắt nước riêng từng thứ. Cho nước lê, củ cải vào nồi nấu sôi mạnh rồi dịu xuống cho chín nhừ sền sệt như keo thì cho nước gừng, sữa nóng, mật ong khuấy đều, đun tiếp nhỏ lửa cho đến khi sôi thì bắc ra, để nguội cho vào bình. Thích hợp với chứng phế âm hư nhược (sốt về chiều, ho kéo dài, đờm ít và đặc, táo bón, tiểu tiện vàng và ít, suy nhược).
Lê - trần bì: Hai quả lê ép lấy nước sắc với 20g vỏ quýt khô lâu năm. Uống chữa ho khản tiếng, viêm họng mạn.
Lê - bách hợp: Lê 1 quả to, bách hợp 10 - 15g đều thái nhỏ, đường phèn vừa đủ. Tất cả đun sôi kỹ. Ăn cái uống nước. Dùng cho người lao phổi thể âm hư (sốt nhẹ về chiều, má đỏ, ra mồ hôi, ho tức ngực, mạch vi).
Lê hoa hồng ngân nhĩ: Lê 2 quả, hoa hồng bạch 3 bông, ngân nhĩ 50g, bối mẫu 5g, đường phèn 100g. Lê thái miếng, hoa hồng rửa sạch, ngân nhĩ ngâm mềm, bối mẫu ngâm dấm. Cho nước nấu lê, ngân nhĩ, bối mẫu đường phèn trong 1/2 giờ. Sau đó cho hoa hồng nấu thêm chút nữa. Trị phế hư, ho khan, khó thở, đoản hơi .
Lê - củ ấu: Nước lê, nước củ ấu, nước rễ cỏ tranh, nước ngó sen, nước đại mạch nấu lên uống nóng hoặc nguội đều được. Tác dụng tiêu đờm, thông đại tiện.
Mứt lê thập cẩm: Lê 20 quả, ngó sen 1 kg, cà rốt 1 kg, mạch môn 100g, sinh địa 100g, rễ cỏ tranh 100g, mật ong 250g, mạch nha 150g, gừng tươi 50g. Luộc kỹ mạch môn, sinh địa, rễ cỏ gianh, lấy nước bỏ bã, lê bỏ vỏ hạt, ngó sen, cà rốt, gừng tươi giã vắt lấy nước. Tất cả trộn quấy đều cô đặc, cho mật ong, mạch nha vào, cô quánh cho vào lọ dùng dần. Sáng và tối ngậm mỗi lần 1 thìa. Trị ho lao, đờm có máu, sốt về chiều, thổ huyết, ho lâu ngày mất tiếng...