Quả la hán tên khoa học là Momordica grosvenori Swingle., họ bí (Cucurbitaceae). Cây la hán là cây đặc sản vùng Quảng Tây, Quế Lâm - Trung Quốc, hiện nay có rất nhiều dạng chế phẩm hoặc dạng quả khô được bán tại các cửa hàng thuốc bắc hay các quán giải khát. Quả la hán chứa đường fructose và glucose, saponin tritecpen, chất nhày, protein, vitamin C và nhiều nguyên tố vi lượng Mn, Fe, Zn, Se, iốt... Theo Đông y, la hán vị ngọt, tính mát; vào phế, đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế, nhuận tràng thông tiện. Dùng cho các trường hợp cảm sốt, viêm khí quản, ho gà, lao phổi gây ho, viêm họng, mất tiếng, ho nhiều đờm, táo bón,... Nghiên cứu gần đây cho thấy, la hán cũng có tác dụng chống ung thư, kháng khuẩn, chống viêm, chống lão hoá. Đặc biệt, tác dụng làm dịu các kích ứng niêm mạc họng hầu trong các trường hợp viêm thanh khí quản, viêm họng, rất thích hợp cho các giảng viên, ca sĩ và được làm chế phẩm chữa ho long đờm, giải khát. Hằng ngày có thể dùng 9 - 15g bằng cách sắc, hãm.
Nước la hán quả.
Nước la hán hạnh nhân: la hán 1 quả, hạnh nhân 10g. La hán nghiền, đập vụn, sắc cùng hạnh nhân lấy nước. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, cảm mạo ho có đờm nhiều.
Nước la hán mứt hồng: la hán 1 quả, mứt hồng 1 quả. Các vị thái lát, đập vụn, thêm nước nấu sắc ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp dị ứng, ho gà (ho dài ngày thành cơn).
sirô bối mẫu quả la hán: xuyên bối mẫu 10g, la hán quả 1 trái. La hán nghiền vụn, thêm ít đường mật với lượng thích hợp, nấu sắc kỹ, chia 2 lần ăn trong ngày. Dùng cho các trường hợp lao phổi, viêm khí phế quản, viêm họng khô có nóng sốt, ho khan ít đờm.
Nước la hán quả: la hán 1 - 2 quả. Đập giập, thái vụn, pha hãm như pha trà hoặc nấu thành nước uống ngày 1 - 2 lần. Dùng cho các trường hợp viêm họng, mất tiếng, cảm nắng, táo bón.
Canh la hán: quả la hán 50g, thịt lợn nạc 100g. Các vị thái lát, nấu kỹ với lượng nước làm canh, thêm ít muối, ăn với cơm trong ngày. Hỗ trợ điều trị lao.
TS. Nguyễn Đức Quang