Hà Nội

Qua khám chữa bệnh từ xa, bác sĩ tim mạch Thủ đô tư vấn điều trị cứu sống nhiều ca bệnh khó

25-09-2020 13:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Từ điểm cầu BV Tim Hà Nội, qua các buổi tư vấn hội chẩn khám chữa bệnh từ xa, các chuyên gia của BV Tim Hà Nội đã cùng các đông nghiệp ở các BV tuyến tỉnh trao đổi về chuyên môn, đưa ra phương án xử trí nhanh chóng các ca bệnh khó...

Tại buổi tư vấn khám chữa bệnh từ xa của BV Tim Hà Nội vừa diễn ra, nhóm phẫu thuật của BVĐK tỉnh Phú Thọ trình bày về trường hợp bệnh  nhân (nữ 39 tuổi) được chẩn đoán thông liên thất ngay dưới van động mạch chủ. Sau khi làm các xét nghiệm huyết học sinh hoá, đông máu bình thường, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật vá lỗ thông liên thất. Nhóm phẫu thuật xin ý kiến chuyên gia BV Tim Hà Nội trong quá trình phẫu thuật và xử lý các tình huống.

Từ điểm cầu BV Tim Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền – Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, với bệnh nhân thông liên thất dưới van động mạch chủ rất dễ có biến chứng và gây tổn thương van động mạch chủ.

Đã có nhiều ca phải vá lỗ thông, thay van động mạch chủ. Do vậy, dù bệnh nhân chưa có biến chứng nhưng với chẩn đoán chính xác của các đồng nghiệp BVĐK tỉnh Phú Thọ, có thể phẫu thuật vá thông liên thất. Các bác sỹ tiến hành mổ thường quy, gây mê. Trong quá trình mổ, sau khi xem hình ảnh tổn thương chúng tôi sẽ có tư vấn tiếp theo

Tiếp thu những giải đáp từ Giám đốc BV Tim Hà Nội, nhóm phẫu thuật tiến hành đưa bệnh nhân vào mổ gây mê, phẫu thuật.

Ca mổ tim trực tuyến đầu tiên cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Phú Thọ được hỗ trợ chuyên môn bởi các chuyên gia của BBV Tim Hà Nội

 

Trước đó, tại buổi khai trương Đề án khám chữa bệnh từ xa của BV Tim Hà Nội, tại điểm cầu BVĐK tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ đã xin ý kiến hội chẩn từ các bác sĩ BV Tim Hà Nội về trường hợp một bé gái (55 tháng tuổi ở Phú Thọ) bị thông liên thất. Bệnh nhi này được phát hiện thông liên thất từ 1 tháng tuổi.

Căn bệnh đã khiến bệnh nhi chậm tăng cân, thể trạng gầy yếu, nhất là thường xuyên bị viêm phổi, viêm phế quản tái diễn nhiều lần.

Từ điểm cầu của BV Tim Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền sau khi nghe báo cáo và xem bệnh án, các kết quả xét nghiệm, siêu âm, X-quang… của bệnh nhi đã đưa ra chỉ định, với trường hợp này, để bảo đảm an toàn cho người bệnh không thể áp dụng phẫu thuật nội soi mà phải chỉ định can thiệp phẫu thuật tim mở (nên mở qua động mạch phổi), đồng thời thiết lập hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể… để từ đó tìm tổn thương thông liên thất và vá lỗ thông.

Ngay lập tức, các bác sĩ của BVĐK tỉnh Phú Thọ đã chuyển bệnh nhi đến phòng phẫu thuật.

Toàn bộ hình ảnh từ cuộc can thiệp được truyền trực tiếp từ phòng phẫu thuật BVĐK tỉnh Phú Thọ về đầu cầu BV Tim Hà Nội để các bác sĩ cùng theo dõi, hướng dẫn xử trí từng bước. Cuối cùng, ca can thiệp tim mạch đã diễn ra thành công.

 

Tại buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa mới đây nhất, một ca bệnh khác cũng được nhóm bác sỹ BVĐK Bắc Ninh đã trình bày đó là trường hợp bệnh nhân 73 tuổi trước khi vào viện bị đau bụng nhiều, đau âm ỉ.

Từ hình ảnh chụp cắt lớp vi tính 128 dãy động mạch chủ cho thấy: bệnh nhân phình đoạn ngay dưới động mạch thận phải, từ động mạch thận phải đến cổ túi phình dài 2mm, có huyết khối bám thành dày nhất 10mm, có ổ đọng trong màng xơ vữa đường kính 12mm và sâu 5mm. Túi phình kéo dài đến đoạn dưới động mạch thận trái, chiều dài 69mm, chỗ rộng nhất 28mm…

Từ những triệu chứng và hình ảnh chụp cắt lớp, BVĐK Bắc Ninh xin ý kiến chuyên gia BV Tim Hà Nội tư vấn đối với trường hợp này có chỉ định can thiệp hay không? Lựa chọn can thiệp mổ hay stent Graft?

Sau khi xem hình ảnh tổn thương của bệnh nhân, TS.BS. Hoàng Văn (Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Can thiệp Tim mạch – BV Tim Hà Nội) nêu quan điểm, đây là dạng tổn thương động mạch chủ khá thường gặp. Phình động mạch chủ bụng xử trí can thiệp hay phẫu thuật phụ thuộc 3 tiêu chuẩn: Triệu chứng bệnh khối phình, đường kính lới nhất của khối phình và tiến triển của khối phình/năm. Đối với trường hợp ca bệnh của BV Bắc Ninh, do đường kính khối phình nhỏ, triệu chứng đau không điển hình nên điều trị nội khoa. Khi điều trị nội khoa cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và sử dụng statin cường độ mạnh

TS.BS Hoàng Văn cho biết thêm về tiên lượng loét xuyên thành động mạch chủ cần dựa vào 2 yếu tố: Đường kính và độ sâu ổ loét. Đường kính trên 20 mm và độ sâu trên 10mm thì có nguy cơ lóc tách thành động mạch chủ; huyết khối trong thành và vỡ thành động mạch chủ. Nên cần chỉ định đặt stentgraft cho nhóm đối tượng này.

Trước câu hỏi của các đồng nghiệp BVĐK Bắc Ninh về việc trường hợp loét thành mạch chủ, đánh giá và theo dõi ổ loét như thế nào? TS.BS. Hoàng Văn trả lời: Tuỳ theo kích thước, nếu kích thước khá to chụp CTA động mạch chủ 6 tháng/lần, nếu đường kích ổ loét tiến triển kích thước trên 20mm và độ sâu trên 10mm thì có chỉ định đặt stent graft.

Tại buổi hội chẩn, lần lượt các đầu cầu BV C Thái Nguyên, BVĐK Đông Anh; BVĐK huyện Quốc Oai; BVĐK Sơn Tây cũng đã xin ý kiến các chuyên gia của  BV Tim Hà Nội về các trường hợp bệnh cụ thể...

 

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền cho biết, BV Tim Hà Nội được Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội giao là BV tuyến cuối về chuyên môn kỹ chuật chuyên ngành tim mạch, hỗ trợ phát triển tim mạch cho 13 BV vệ tinh; 37 BV thuộc dự án Norred; 60 BV/ trung tâm y tế thuộc Hà Nội và nhiều BV ngoại tỉnh có hợp tác.

Trong quá trình triển khai đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, BV Tim Hà Nội đã thường xuyên gắp kết với việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với các bác sỹ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber…

“Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa góp phần giảm quá tải BV tuyến trên, nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh”- Giám đốc BV Tim Hà Nội nhấn manh

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn