“Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3” với kinh phí lên tới 4.000 tỉ đồng mà Sở GD-ĐT TP.HCM đang dự kiến triển khai khiến tôi thật sự thấy hoang mang”. Một phụ huynh học sinh tại quận Gò Vấp (TP.HCM) đã gửi bài viết cho Phụ Nữ Online.
Hiện đại hóa trường học, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nhà trường nhằm hướng đến sự “tương thích” của nền giáo dục với sự phát triển kinh tế, xã hội là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, đổi mới thế nào? Hiện đại hóa công cụ hỗ trợ học tập ra sao cho hiệu quả và tránh lãng phí là điều những người làm chính sách, quản lý nhất thiết phải quan tâm.
“Đề án thí điểm chương trình sách giáo khoa điện tử lớp 1, 2, 3” với kinh phí lên tới 4.000 tỉ đồng mà Sở GD-ĐT TP.HCM đang dự kiến triển khai khiến tôi, một trong những phụ huynh có con đang đi học, thật sự thấy hoang mang.
Hoang mang không chỉ ở con số khủng khiếp ấy (sẽ bổ đều trên đầu phụ huynh), mà còn nằm ở sự gấp gáp, vội vàng đến kỳ lạ khi bài học lãng phí về Bảng tương tác trong các trường mầm non – tiểu học – trung học cơ sở còn mới nguyên.
4.000 tỉ đồng để trang bị 337.500 máy tính bảng. Trong đó, chỉ 5.334 chiếc được cấp cho học sinh thuộc diện đối tượng chính sách, 321.793 học sinh không thuộc diện này thì phải bỏ tiền túi ra mua. Chưa kể, để “xài” máy tính bảng, cần phải có thêm 6.386 bộ thiết bị dạy học với mức giá thấp nhất là 157,5 triệu đồng, cao nhất là 566,5 triệu đồng/bộ và phải chi hàng ngàn tỉ đồng để đào tạo, tập huấn giáo viên, xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng học...
Số tiền trên lấy từ đâu, nếu không phải từ túi tiền những phụ huynh nghèo như chúng tôi (ngân sách UBND TP.HCM chỉ hỗ trợ một phần)? Câu hỏi đặt ra ở đây là: chúng ta có thật sự cần lãng phí số tiền khủng khiếp trên chỉ để hiện đại hóa nhà trường và giảm gánh nặng sách vở trên lưng học sinh không? Câu trả lời của chúng tôi là chưa cần thiết.
Đồng ý rằng, việc hiện đại hóa nhà trường là để hướng đến một nền giáo dục tiến bộ. Nhưng không vì thế mà chúng ta xóa bỏ hoàn toàn những giá trị cốt lõi thuộc về văn hóa, phương thức giáo dục.
|
Tôi thật không thể hình dung, học sinh lớp 1, 2, 3 sẽ như thế nào khi mọi phương thức giao tiếp, học tập, lĩnh hội tri thức đều thông qua chiếc máy tính bảng kia? Các em sẽ không thể xây dựng được các giá trị văn hóa, nhân văn và cả cái gốc làm người khi không còn được “rèn chữ, luyện nhân”. Còn đâu “nét chữ - nếp người”? Rồi sẽ ra sao khi cả một thế hệ tuổi thơ chỉ suốt ngày dán mắt vào màn hình cái máy tính bảng? Giá trị sống, truyền thống tôn sư trọng đạo không thể được thu gọn một cách đơn giản, xóa nhòa một cách quá phũ phàng chỉ thông qua một cái máy “chà chà chà là ra chữ”.
Không cần nói, nhưng ai cũng có thể biết, khoảng cách và sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục đã và đang ngày càng gia tăng, biểu hiện qua những trường điểm, lớp VIP nơi đô thị. Ấy thế mà, chẳng hiểu vì sao, với một đề án lớn như thế này, ngành giáo dục TP.HCM lại chỉ tập trung hướng đến một bộ phận nhỏ học sinh (300.000 em). Đấy là chưa kể, không phải phụ huynh HS nào trong số đó cũng có đủ khả năng bỏ ra 3 - 5 triệu đồng trang bị một cái máy tính bảng cho con mình.
Phụ huynh chúng tôi vốn dĩ đã quá nặng gánh với hàng chục khoản chi không tên đầu năm cho con, nay lại thêm những khoản chi để hiện đại hóa nhà trường (hết bảng tương tác, giờ đến sách giáo khoa điện tử), thật đã quá ngưỡng chịu đựng.
Tôi không biết khi triển khai thí điểm đề án này, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở - có đặt mình vào vai những phụ huynh là những người lao động nghèo, là cán bộ công chức đang ở nhà thuê, là những người buôn thúng, bán bưng bám lề đường kiếm sống hay không?
Tôi nghĩ là không! Và chắc chắn ông sẽ không thể thấu hiểu cái cảm giác của một người làm cha, làm mẹ đau lòng thế nào khi chứng kiến con mình tủi nhục, thiệt thòi và chịu sự bất bình đẳng trong một môi trường học tập mà chúng bạn nó đang được thụ hưởng.
Vì vậy, chúng tôi thiết nghĩ Sở GD-ĐT, UBND TP.HCM cần nghiên cứu thật kỹ (trước khi cho triển khai) đề án này. Sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục đã quá lớn, đừng làm cho cái “hố sâu” khoảng cách ấy thêm rộng và thêm xa hơn nữa.
Mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Phương châm tối thượng của giáo dục phải là mang đến sự bình đẳng, mọi học sinh đều phải được thụ hưởng các giá trị giáo dục công bằng như nhau. Còn việc chúng ta đang làm là gì, nếu không phải là đang cố gắng xóa mờ đi những giá trị cốt lõi, mỏng manh còn tồn tại.
Một vị hiệu trưởng về hưu từng nói: “Khi môi trường giáo dục ngày càng bị tác động bởi các phương thức kinh doanh, người quản lý ngày càng chịu nhiều sự chi phối, ràng buộc của quá nhiều các mối quan hệ bán - mua, chắc chắn trong thời gian không xa, sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục sẽ rộng mênh mông như lòng sông Hậu”.
Tôi mong các vị sẽ tự hiểu và cảm nhận thấy những gì đã và đang tồn tại trong môi trường giáo dục của chúng ta.