Quả dướng, bổ thận, mạnh gân cốt

02-08-2017 17:40 | Giới tính
google news

SKĐS - Cây dướng còn có tên khác: chử thực, rau ráng, câu thụ,... Tên khoa học: Broussonetia papyrifera (L.) L’Hérit. ex vent., họ dâu tằm moraceae. Bộ phận dùng là nhựa cây, vỏ rễ, vỏ thân, lá, quả chín.

Cây dướng còn có tên khác: chử thực, rau ráng, câu thụ,... Tên khoa học: Broussonetia papyrifera (L.) L’Hérit. ex vent., họ dâu tằm  moraceae. Bộ phận dùng là nhựa cây, vỏ rễ, vỏ thân, lá, quả chín. Dướng mọc hoang nhiều ở miền Bắc nước ta. Vỏ thân và vỏ rễ có chứa flavonoid (brousoflavonol...) và một số chất khác.Quả chứa saponin, coumarin, vitamin B, chất béo, acid cerotic, lignin; men lipaza, proteaza và zymaza.Hạt chứa dầu béo.Vỏ rễ có vị ngọt, tính bình, chữa phù thũng, đau mỏi cơ khớp.Vỏ cây có tác dụng lợi tiểu, trị phù thũng, khí đầy. Lá có vị ngọt nhạt, tính hàn, có tác dụng trị tả, cầm máu, chữa viêm ruột, nôn ra máu, chảy máu cam, lỵ, tử cung xuất huyết, vết thương chảy máu, xông để trị cảm. Quả có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng bổ thận, thanh can, minh mục, lợi niệu. Chữa dương vật không cương cứng lên được do tinh khí kiệt. cảm, ho, lưng gối mỏi nhừ, nóng ở trong xương cốt, đầu choáng, mắt mờ, mắt có màng mộng, phù thũng trướng nước. lại có công hiệu tiêu phù, mạnh gân cốt, sáng mắt, mạnh dạ dày và đẹp da. Quả và hạt làm thuốc cường tráng. Nhựa cây có tác dụng sát khuẩn; dùng ngoài trị viêm da thần kinh, nấm tóc, eczema, rắn cắn, sâu bọ đốt; có thể bôi lên vết rắn cắn, ong đốt, rết và chó cắn, chữa hắc lào. Liều lượng, cách dùng: Vỏ rễ, vỏ thân và quả: 10 - 15g dạng thuốc sắc. Lá: 10 - 15g khô hoặc 50 - 100g tươi.

Nhiều bộ phận của cây dướng như nhựa cây, vỏ rễ, vỏ thân, lá, quả chín đều được sử dụng làm thuốc trị bệnh.

Chữa khí lực suy tổn, thân thể gầy yếu, chân tay nhức mỏi, di tinh, đái đục: Quả dướng 12g, ngưu tất 12g, ba kích 12g, hoài sơn 12g, viễn chí 12g, ngũ vị tử 12g, thục địa 12g, đỗ trọng 12g, xương bồ 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Dùng cho người già, người suy giảm tình dục, cơ thể suy nhược, tiểu tiện nhiều lần: Quả dướng 12g, phục linh 10g, đỗ trọng 10g, kỷ tử 10g, bạch truật 10g, ngưu tất 8g, tiểu hồi hương 3g. Sắc ngày 1 thang, chia làm 3 lần

Chữa rong kinh: vỏ cây dướng (cạo lớp vỏ ngoài) 12g, kinh giới (sao) 12g. Sắc uống.

Hoặc: vỏ cây dướng sao cháy đen uống với rượu hoặc nước nguội có hòa rượu, ngày uống 2 lần sáng tối, mỗi lần 8-10g.

Chữa da dẻ thô xấu, mụn trứng cá loang lổ, tàn nhang, mặt ám không tươi: Quả dướng 150g, thăng ma 15g, đinh hương 15g, sa nhân 15g, lục đậu 1.000g, bạch cập 30g, cam tùng 21g, nhu mễ 2.500g, địa liền 15g, tạo giác 1.500g. Các vị tán thành bột mịn, trộn đều.Dùng bột xoa lên da mặt; ngày 2 lần (sáng, tối).

Chữa lỵ: Lá dướng tươi 100g, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.

Chữa phù toàn thân: Vỏ cây dướng (cạo lớp vỏ ngoài) 12g, mộc thông 12g, phục linh 12g, tang bạch bì 4g, trần bì 4g, gừng 3 lát. Sắc uống, ngày 1 thang.

Kiêng kỵ: Người có tỳ thận hư nhược không nên dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang


Ý kiến của bạn