Qua đợt nắng nóng kỷ lục ở Thủ đô: Ngẫm “bài toán” cây xanh, mặt hồ

14-06-2017 13:09 | Xã hội

SKĐS - Nếu như tỉ lệ vàng là một nguyên lý cơ bản của mỹ học, thì tỉ lệ cây xanh, mặt nước trong đô thị cũng là nguyên lý quý giá không kém trong sự hài hòa môi trường thiên nhiên và sức khỏe con người.

Bài 2: Làm sao hài hòa trong sự phát triển?

Nếu như tỉ lệ vàng là một nguyên lý cơ bản của mỹ học, thì tỉ lệ cây xanh, mặt nước trong đô thị cũng là nguyên lý quý giá không kém trong sự hài hòa môi trường thiên nhiên và sức khỏe con người. Sự thiếu hụt diện tích cây xanh ở Hà Nội đã và đang đem đến nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Dung hòa được yếu tố này song song với phát triển đô thị là mấu chốt cho sự phát triển bền vững...

Tiếp theo số 92

Trồng cây theo quy hoạch “lộn xộn”

Theo tính toán, mỗi hecta cây xanh có thể hấp thụ 1 tấn khí CO2 và nhả ra 0,73 tấn O2/ngày. Đồng thời, cây xanh hấp thụ chất độc, bụi bặm, diệt vi khuẩn, giảm tiếng ồn, ngăn chặn sự bốc hơi nước... Đặc biệt, cây xanh có tác dụng giảm nhiệt, tăng độ ẩm trong không khí. Cụ thể, 1ha cây xanh có hiệu quả hạ nhiệt tương đương 500 máy điều hòa nhiệt độ hoạt động trong 20 giờ. Cứ 20% diện tích cây xanh che phủ sẽ giúp nhiệt độ không khí giảm 2 - 3 độ C. Điều này càng quan trọng ở Thủ đô vốn có mật độ dân cư cao.

Đảm bảo hài hòa về tỉ lệ cây xanh, mặt nước trong phát triển thủ đô chưa bao giờ là dễ dàng.

Đảm bảo hài hòa về tỉ lệ cây xanh, mặt nước trong phát triển thủ đô chưa bao giờ là dễ dàng.

PGS.TS. Đỗ Tú Lan - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, yếu tố cây xanh đóng vai trò quyết định (chiếm tới 70%) trong việc xây dựng đô thị xanh. Quy hoạch đô thị cần phải đặt yếu tố “xanh” lên hàng đầu. Tuy nhiên, ở Thủ đô vấn đề này chưa quan tâm đúng mức, trồng cây xanh chưa đúng cách, thiếu quy hoạch về cây xanh... dẫn đến tỷ lệ cây xanh ở đô thị còn thấp, chỉ từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu cây xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các đô thị hiện đại trên thế giới là 20 - 25m2/người.

Theo tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận, để phát triển cây xanh một cách bền vững thì cần phải tổ chức một cách đồng bộ từ công tác quy hoạch cây xanh, thiết kế chi tiết cho từng tuyến phố đến việc quản lý, trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật.

Trong 10 năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta phát triển theo chiều hướng mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam việc quy hoạch cây xanh cho các tuyến đường bộ vẫn chưa có công trình nghiên cứu hoặc văn bản nào quy định cụ thể. Việc trồng cây dọc các tuyến đường phần lớn đều mang tính chủ quan của chủ đầu tư mà chưa mang tính quy hoạch lâu dài và chú ý đến giải pháp bảo vệ môi trường.

Để phát triển các dải cây bên đường giao thông không thể tiến hành một cách tùy tiện, mà cần phải đảm bảo một số nguyên tắc: Đảm bảo độ phủ xanh, diện tích xanh, số cây xanh... cho từng khu vực, đặc biệt là đoạn đi qua khu đông dân cư - nơi diện tích nhỏ nhưng mật độ dân cư lớn, làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường. Các tiêu chuẩn này phụ thuộc vào số dân, sự phân bố dân cư, các hoạt động sản xuất, xây dựng, lượng xe lưu thông trên tuyến đường...

Gấp rút bảo vệ “tài sản” của môi trường

Bên cạnh cây xanh, yếu tố không gian mặt nước cũng tương tự trong việc tạo cảnh quan đô thị và cải thiện vi khí hậu. Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa. Cụ thể như ở các khu vực mới phát triển là Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị lấp. Nhưng ở một góc độ khác, sự sụt giảm đáng kể về diện tích nước là do nguyên nhân yếu kém, buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở dẫn đến việc các ao hồ bị san lấp, lấn chiếm.

Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc CECR (Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phân tích: “Các hồ, ao, sông nhỏ ở Hà Nội là tài sản môi trường quý giá của Thủ đô. Quản lý tài sản môi trường này đòi hỏi cách tiếp cận tích hợp, kết hợp giữa bảo tồn, kỹ thuật, sự tham gia của các bên, cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông, các nhà khoa học”.

Để phát triển Thủ đô theo hướng xanh hóa và bền vững, đầu tiên cần phải tính toán từ khâu quy hoạch. Các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái… Vì những thiếu sót trong quy hoạch cơ bản, nên Hà Nội vẫn phải loay hoay bài toán di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi vùng lõi, những khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường. Ngay ở các trung tâm, quy hoạch ngăn nắp trước kia cũng bị phá vỡ khi chính quyền cho phép xây dựng hàng loạt cao ốc khiến hạ tầng bị quá tải dẫn đến cống sập, cây xanh bị chặt hạ và các phương tiện giao thông bị hút vào. Con đường Nguyễn Chí Thanh từng được mệnh danh “kiểu mẫu” của Thủ đô thì nay ken đặc người xe, nhà cao tầng, sự quá tải và vắng bóng cây xanh khiến nhiều con đường như Nguyễn Chí Thanh sắp tụt hậu.

Được biết cách đây 10 năm, Hà Nội có một dự án lớn về việc xây dựng hàng loạt công viên cây xanh có hồ điều hòa. Thế nhưng hầu hết vẫn đang nằm trên giấy, trong khi các nguy cơ môi trường thì đã lồ lộ ra cả rồi.


Nhóm PV
Ý kiến của bạn