Bài 1: Cần đặt trong sự phát triển chung của Thủ đô
Sau đợt nắng nóng kỷ lục trong 46 năm của Hà Nội, nhiều người mới thấy sự quý giá của cây xanh, mặt nước đối với môi trường và sức khỏe con người. Đương nhiên, trong những sự phát triển tổng thể của Thủ đô, không thể tránh được việc chặt hạ, di dời cây xanh, xây nhà cao tầng, mở đường. Nhưng làm sao đảm bảo tỉ lệ “xanh” và mặt nước ổn định, bền vững song song với phát triển, đó là “bài toán” mà các nhà quản lý cần cân nhắc trước khi tính đến sự hiện đại.
Công khai minh bạch thông tin
Một thông tin gần đây khiến dư luận quan tâm, đó là theo kế hoạch, để thi công mở rộng tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, hơn 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long thuộc diện phải đánh chuyển, di dời, chặt hạ trước ngày 30/9. Tất nhiên trong quá trình phát triển của thành phố, việc đốn cây mở đường là nằm trong quy hoạch của thành phố để phát triển nhưng vấn đề này vẫn nhận được sự quan tâm khác nhau của người dân Thủ đô và các chuyên gia nhằm đảm bảo được môi trường cân bằng...
Hàng cây chuẩn bị hạ để mở rộng đường vành đai 3.
Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, rút kinh nghiệm từ lần chặt hạ cây xanh trên đường Nguyễn Trãi, lần này việc giải tỏa và cắt tỉa 1.315 cây trên đường Phạm Văn Đồng sẽ được lấy ý kiến của nhân dân, tham khảo từ các chuyên gia, tất cả mọi việc từ quy trình chặt hạ, di chuyển, đấu thầu... đều được thực hiện công khai, minh bạch.
Đề cập về số cây giải tỏa sẽ được di chuyển đi đâu? Ông Dục cho biết, số cây di dời sẽ được chuyển tới các công viên hoặc các đường vành đai để tái sử dụng.
Trước ý kiến cho rằng, khi làm đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh, có những cây có thể giữ được nhưng làm hơi quá, chặt hạ tất cả, vậy lần này thành phố có giảm thiểu được tác động này? Ông Lê Văn Dục cho rằng, thực tế chặt cây đi thì ai cũng tiếc bởi hiện tại thành phố đang phải tiến hành trồng mới bổ sung cây xanh nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm. Với chủ trương của thành phố là trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Cũng theo ông Dục, sau khi chặt hạ, đơn vị chức năng sẽ bổ sung cây vào những chỗ cần thiết, với những cây xanh còn lại, tiếp tục thực hiện đánh mã số cây trên toàn thành phố làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cây xanh bóng mát...
Cần một quy hoạch tổng thể
Trong khi tình trạng lấn ao, hồ, lấn kênh, mương để xây nhà đã được giải quyết tương đối quyết liệt và hiệu quả, nhờ việc kè lại tất cả các ao hồ lớn, nhỏ, cũng như kè các bờ sông nội đô. Thì đối với mảng cây xanh, dường như đang thiếu một tính toán tổng thể, bền vững và lâu dài.
Liên quan đến việc này, theo KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đóng góp: Hà Nội hiện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng vẫn thiếu vắng những đường phố có thiết kế cây xanh bài bản, nghiên cứu, thực nghiệm nghiêm túc bởi những chuyên gia. Cây đã có và đang trồng thì thiếu những công cụ cần thiết để quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả, vẫn ở tình trạng thiếu chuyên nghiệp. Để cây xanh Hà Nội được bảo vệ, phát triển một cách hữu hiệu thì rõ ràng cảm xúc chưa đủ mà cần thiết một định chế quản lý tài sản công cộng với sự tham gia giám sát của xã hội, các chuyên gia về cây xanh và các nhà quy hoạch.
KTS Nguyễn Đức Chung, một người từng có nhiều năm nghiên cứu về phát triển đô thị tại nước ngoài bộc bạch: Thành phố có nhiều cây xanh và mặt nước, điều đó chưa đủ để có thể được gọi là đô thị xanh. Kinh nghiệm của các nước phát triển khi xây dựng đô thị xanh là trong quy hoạch đều tích hợp Quy hoạch xây dựng với sử dụng tài nguyên hiệu quả. Phát triển đô thị trên cơ sở mật độ xây dựng thấp, hệ số sử dụng đất cao, bảo tồn văn hóa bản địa và di sản lịch sử, tạo không gian mở cho đô thị, nâng cao chất lượng và mức độ phổ biến của giao thông công cộng, giảm thiểu giao thông cá nhân đồng thời tích hợp với việc sử dụng đất có hiệu quả.
Bởi vậy, thành phố cần có một quy hoạch tổng thể về cây xanh, mặt nước song song với mở đường và xây dựng nhà cao tầng. Để làm sao luôn đảm bảo duy trì ổn định và tốt nhất là tăng được diện tích, tỷ lệ xanh trước khi tính đến chuyện phải đốn cây để phát triển hạ tầng.
Mời xem tiếp kỳ sau:
Làm sao để hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển?