Qua cầu treo mà... run

01-03-2011 11:03 | Thời sự
google news

Là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tỉnh Đăk Lăk, hằng năm, Buôn Đôn (thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn)

Là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tỉnh Đăk Lăk, hằng năm, Buôn Đôn (thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn) đón hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, để vào được “làng đảo” này (Buôn Đôn còn có tên gọi khác là “làng đảo” bởi nằm trên một ốc đảo giữa sông Sêrêpôk), các du khách phải “vừa bước vừa run” qua những cây cầu treo tròng trành vắt ngang sông.

Buôn Đôn cách TP. Buôn Ma Thuột 50km về phía Tây Bắc. Đây là ngôi làng mà phần đông là người dân tộc Êđê, Mnông với những tập quán cư trú, sinh hoạt còn khá hoang sơ. Đến với Buôn Đôn, du khách sẽ được tham gia những trò chơi thú vị như cưỡi voi vượt sông, leo nhà sàn Lào (nhà được làm theo kiến trúc của người Lào); được ăn món gà nướng Bản Đôn, uống rượu thuốc Amakông, rượu cần Ymiên…
 Khách tham quan chen chúc trên cầu treo.

Đặc sản biến thành ẩn họa

Trước đây, cầu treo cũng được coi là một đặc sản thu hút sự quan tâm của rất nhiều du khách khi đến Buôn Đôn. Đây là một cây cầu du lịch được ghép lại từ những thanh tre già, có sự trợ lực của hệ thống cáp treo được gắn kiên cố với hai bờ sông, vắt qua cây si cổ thụ giữa lòng sông Sêrêpôk. Bước chân trên cầu, được tận hưởng cảm giác lắc lư, tròng trành luôn đem đến sự hứng khởi cho khách du lịch.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự xuống cấp của hệ thống cáp treo cùng với đó là sự thiếu ý thức của một số khách tham quan đi qua cầu đã khiến những cây cầu treo ở đây không còn là điểm đến thú vị và an toàn nữa. Đặc biệt vào dịp đầu năm mới, lượng người đổ về Bản Đôn tăng đột biến. Những cây cầu treo lúc nào cũng nằm trong tình trạng quá tải, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy bất cứ lúc nào. Có mặt tại một đầu cầu treo ở Bản Đôn vào một ngày đầu năm mới, những đoàn khách cứ lũ lượt đi qua mặt chúng tôi bước chân lên cầu chật kín. Có lúc, đoàn người chen chân trên cầu rất đông nên đã xảy ra ùn tắc. Để hạn chế bớt nguy cơ này, Ban quản lí Trung tâm Du lịch Buôn Đôn đã phải bố trí các nhân viên bảo vệ đứng canh ở các đầu cầu để phân nhóm khách qua cầu và nhắc nhở những vị khách “quá khích” nhảy nhót, đung đưa trên cầu nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào.

Đứng tại điểm dừng chân trên cây si cổ thụ nằm giữa sông nghỉ ngơi chuẩn bị sang bên kia bờ sông để tham dự trò chơi cưỡi voi nhưng anh Nguyễn Quang Hà (Hoà Thắng, Buôn Ma Thuột) cứ loay hoay không biết làm thế nào để thuyết phục cậu con trai của mình bước chân lên cầu. Kể cả người bố đã chấp nhận cho con ngồi lên lưng để cõng qua nhưng khi anh Hà vừa bước chân lên cầu, cậu bé lập tức khóc thét và đòi bố quay trở lại. Anh Hà cười trừ: “Thằng bé vốn sợ độ cao. Đi trên cầu tròng trành thế này nó sợ là phải. Mà ngay cả tôi cũng thấy run chứ đừng nói gì bọn trẻ. Cứ nhìn hàng đống người chen nhau trên cái cây cầu bé tẹo thế kia, ai dám chắc là nó sẽ không đứt”.

Cần nâng cao ý thức khách tham quan

Anh Trương Minh Thông, cán bộ quản lí của Trung tâm Du lịch Buôn Đôn cho biết, hằng năm vào trước dịp Tết Nguyên đán, Ban quản lí trung tâm vẫn thường xuyên gia cố cầu treo bằng cách thay mới những thanh tre đã bị mục nát để đảm bảo an toàn cho người qua cầu. Cán bộ trung tâm cũng được cắt cử canh giữ tại những điểm trọng yếu đề phòng trường hợp người qua cầu quá tải. Tuy nhiên, anh Thông cũng thừa nhận, cách làm đó cũng chỉ có tác dụng phần nào, quan trọng nhất vẫn là thái độ tham gia du lịch của khách: “Vào dịp đầu năm, mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến với Buôn Đôn. Phần đông trong số đó là thanh niên. Một số bạn trẻ khi qua cầu không bao giờ chịu… đi bình thường mà cứ phải nghiêng bên ngày, nhún bên kia mới thoả mãn. Nguy cơ tai nạn chính ở chỗ đó. Nếu lực nhún quá mạnh, lượng người đông rất dễ dẫn đến đứt cáp, nếu không cũng dẫn đến lật cầu làm khách rơi xuống sông. Với những trường hợp như thế này, hiện tại chúng tôi cũng chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể phạt họ được” - anh Thông nói.  

Quý Văn


Ý kiến của bạn